Tín dụng cần tăng trưởng thực chất

ANTĐ - Tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm đạt 6,8%, để đạt được mục tiêu 12% đề ra thì ở chặng “nước rút” cần nỗ lực vượt bậc. Tuy nhiên theo các chuyên gia, tín dụng cuối năm cần tăng trưởng thực chất, số lượng phải đi với chất lượng.

Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay nhưng vẫn rất cẩn trọng với nợ xấu

Đẩy mạnh cho vay

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng để hệ thống ngân hàng hoàn thành chặng cuối cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – Nguyễn Văn Bình, tăng trưởng tín dụng của 10 tháng đã đạt 6,8%. “Chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung của năm nay ở mức 11-12%”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn đạt chỉ tiêu thì 2 tháng cuối năm sẽ phải đẩy tín dụng tăng thêm 4-5%, tương đương khoảng 16.500 tỷ đồng đưa vào nền kinh tế. Tuy nhiên, cần phải xem xét trong mức đó thì bao nhiêu là cho vay sản xuất, kinh doanh và chất lượng cho vay như thế nào để không phát sinh nợ xấu mới. 

Để hoàn thành chặng “nước rút”, các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay thông qua các chương trình ưu đãi cũng như cho vay tiêu dùng. Từ cuối tháng 10 đến hết năm 2013, Ngân hàng TMCP Tiên Phong 

(TienPhong Bank), triển khai chương trình “2.500 tỷ đồng tín dụng ưu đãi” cho vay lãi suất thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động nguồn vốn. 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng tiếp tục dành 5.000 tỷ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất hấp dẫn cho các khoản vay của khách hàng trong thời gian từ ngày 1-10-2013 đến hết ngày 31-12-2013. Bên cạnh các chương trình cho vay doanh nghiệp, nhiều ngân hàng tích cực đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thông qua các chương trình cho vay mua nhà, mua xe với mức lãi suất ưu đãi....

Nhu cầu vốn không cao

Ông Trần Xuân Quảng - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) cho biết: “So với thời điểm này các năm trước đây, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp hiện nay không cao. Kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn. Nhu cầu về đầu tư mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với các năm, việc tính toán lựa chọn triển khai dự án cũng rất thận trọng. Khó khăn cũng khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế sức tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp”.

Chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Cấn Văn Lực cho rằng: “Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở khoảng 12% là con số định hướng, khuyến khích. Tuy nhiên chúng ta không tăng trưởng bằng mọi giá mà tăng trưởng về số lượng phải đi với chất lượng. Trong quý IV, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn bởi lãi suất đã xuống mức thấp, nền kinh tế cũng đã ấm lên, những gói hỗ trợ tín dụng sẽ đi vào cuộc sống ở mức độ khẩn trương hơn so với đầu năm”. 

Theo các chuyên gia, về phía ngân hàng cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý rủi ro, xử lý nợ xấu để khơi thông nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng. Chủ động rà soát, tăng cường tiếp cận khách hàng, đánh giá và chọn lọc khách hàng phù hợp có khả năng vượt qua được khó khăn trước mắt để tin tưởng giải ngân. Còn các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực vượt bậc để thay đổi, cải thiện năng lực tài chính và kinh doanh, thể hiện được khả năng sử dụng vốn tín dụng một cách an toàn, hiệu quả. Một số vấn đề có thể cần quan tâm đặc biệt là xử lí các khoản nợ đọng và lượng hàng tồn kho, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường, điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với vốn, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí vốn…