Tin đồn cay nghiệt sau tai nạn thảm khốc trên cầu Sêrêpốk

ANTĐ - Hơn 49 ngày sau vụ tai nạn kinh hoàng, nhiều người không gọi cầu Sêrêpôk là cầu 14 như trước mà họ gọi bằng tên cầu 34 bởi nó gắn với con số 34 hành khách tử nạn.
Điều làm nhiều người dân ở đây trăn trở nhất là những đồn thổi sau khi vụ tai nạn xảy ra.

Trên chuyến xe buýt Ban Mê Thuột – Gia Nghĩa ngày 12/7 qua cầu Sêrêpôk, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của mấy hành khách. Họ nói “Vụ tai nạn làm chết 34 người hồi giữa tháng 5 vừa rồi, nhiều người tham gia cứu nạn đã vớ bẫm nhờ hôi của, nghe đâu có hành khách bị mất cả tỉ bạc”

Cầu Sê Rê Pôk hôm nay
Cầu Sê Rê Pôk hôm nay
Ngay chiều hôm ấy tôi bắt xe quay ngược trở lại cầu Sê Rê Pôk để tìm hiểu thực hư câu chuyện.  

Cả nhà cứu hộ…

Tại vị trí chiếc xe gặp nạn, hàng lan can cầu đã được thay mới, trên mép cầu vẫn còn những nén hương cháy dở và vô số chân hương, một tấm bảng gỗ sơn dòng chữ đỏ “Cấm thắp nhang trên cầu để bảo đảm giao thông”.
Dưới chân cầu, dấu ấn vụ tai nạn kinh hoàng vẫn còn hiện diện, hàng chục bát hương nằm dải rác, những đôi dép nhựa nam, nữ vứt dọc ngang… đến vô số đồng tiền lẻ mà người qua đường thả xuống, hàng ngàn mảnh kính xe vỡ vẫn chưa được dọn sạch. 
Những bát nhang của người qua đường tưởng nhớ những người xấu số
Những bát nhang của người qua đường tưởng nhớ những người xấu số
Cách hiện trường chưa đầy 50m là ngôi nhà xập xệ, rộng hai chục mét vuông của người tham gia cứu nạn đầu tiên vụ thảm họa cầu Sê Rê Pôk - ông Lê Văn Hiệu, 51 tuổi, người quê gốc Thanh Hóa, vào lập nghiệp tại thôn 6 xã Hòa Phú, Ban Mê Thuột đã gần 30 năm.
Nhắc lại vụ tai nạn, khuôn mặt ông Hiệu chùng xuống. Ông kể: khoảng 22 giờ đêm hôm đó, nhà ông tắt điện đi ngủ, chừng 15 - 20 phút sau ông nghe tiếng chó sủa, nằm ở giường ngoài nên ông mở cửa chạy ra sân xem có chuyện gì.
Đoán chuyện chẳng lành, ông và con trai Lê Văn Tuấn vội chạy lên mặt cầu, thấy một đoạn lan can cầu bị gãy sập. Khi nhìn xuống mép sông, ông hoảng hồn thấy chiếc xe khách nằm lật ngửa. Lúc này tiếng kêu khóc vang lên, anh Tuấn vội lao xuống mép sông và cứu được cháu bé 5 tuổi đang chới với trên dòng nước (sau này gia đình mới biết đó là cháu Lê Thị Bích Trâm (5 tuổi) con gái của tài xế Lê Công Bằng và vợ là Trần Thị Thanh Trúc).
Bà Vũ Thị Quý (vợ ông Hiệu) lúc này cũng vừa chạy đến, sau khi định thần vội vã loan tin để những người xung quanh tham gia cứu hộ. Bà Quý về nhà gom củi, đốt một đống lửa to ngay trước sân để lấy ánh sáng phục vụ cứu hộ.
Chưa dừng lại, bà Quý còn mang dao, cuốc xẻng ra phát quang quanh khu vực chiếc xe bị nạn, mở một con đường từ mé sông lên mặt cầu để việc vận chuyển nạn nhân được dễ dàng hơn.
Có lẽ ít ai biết ngày hôm đó bà bị bệnh nặng, chẳng thiết ăn uống gì, vậy mà trước tình cảnh tang thương, như có nguồn sức mạnh vô hình giúp bà làm được những điều tưởng như không thể.
Cả đêm hôm ấy gia đình ông Hiệu cùng bà con hàng xóm thức trắng tham gia cứu nạn. Nhiều người được đưa ra khỏi xe, nhiều nạn nhân được đưa đi cấp cứu, nhưng cũng nhiều xác người nằm la liệt…
Hình ảnh vụ tai nạn đã ám ảnh tâm trí các thành viên trong gia đình ông Hiệu suốt một thời gian dài. Ông Hiệu chỉ đau đáu một điều, khi cả nhà ông quên mình cứu người trong hoạn nạn, thì miệng lưỡi thế gian đã nói những điều thị phi, khiến họ không khỏi chạnh lòng.
Chết điếng với miệng lưỡi thế gian!
Ông Hiệu bức xúc: “Không biết từ đâu, người ta đồn thổi lên là những người tham gia cứu nạn đã kiếm chác được hàng tỉ đồng từ chiếc xe bị nạn. Rồi họ cũng tự nghĩ ra là nhà tôi kiếm được bao nhiêu, nhà ông Tú Uyên kiếm được bao nhiêu… làm chúng tôi thật sự bất bình”.
Ông Hiệu cho biết, nhà ông Tú Uyên vốn mở quán cà phê võng bên kia bờ sông; ông cũng là người đầu tiên, tích cực tham gia cứu nạn. Thấy việc cứu hộ quá khó khăn, 3-4 người mới khiêng nổi một người lên mặt đường, ông hô hào mọi người về quán nhà mình tháo tất cả các võng, chặt tre làm đòn khiêng… Chính nhờ những chiếc cáng này mà công tác cứu nạn đã thuận tiện hơn rất nhiều. 
“Lúc đó chúng tôi chỉ tập trung làm sao cứu được thật nhiều người, có tâm trí đâu mà hôi của! Anh không biết chứ trong đêm hôm ấy, gia đình tôi còn bị kẻ xấu lợi dụng lúc hỗn loạn vào lấy mất con gà chọi to của cháu nó, thế mà…” - ông Hiệu chua chát nói.  

Chỉ mong sao miệng lưỡi người đời đừng thêu dệt thị phi, để ông Hiệu, bà Quý, ông Tú Uyên và nhiều người khác, khi ra tay cứu người hoạn nạn không còn phải bận tâm, đắn đo những chuyện về sau, để cho lòng tốt chẳng thể bị xói mòn.
Chỉ mong sao miệng lưỡi người đời đừng thêu dệt thị phi, để ông Hiệu, bà Quý, ông Tú Uyên và nhiều người khác, khi ra tay cứu người hoạn nạn không còn phải bận tâm, đắn đo những chuyện về sau, để cho lòng tốt chẳng thể bị xói mòn.

Đang dở câu chuyện thì bà Vũ Thị Quý, vợ ông Hiệu được người con rể chở đi khám bệnh về đến nhà. Gặp bà, tôi hỏi: “Từ cái đêm kinh hoàng đó, cô có thấy biểu hiện gì khác lạ ở bờ sông không?”.  

Người phụ nữ cứu nạn thẳng thắn: “Mọi thứ chỉ là lời đồn và thêu dệt thôi anh ạ ! Gia đình tôi không vụ lợi từ việc cứu người, nên chẳng sợ sệt, ngại ngùng gì, kể cả tin đồn rợn người là linh hồn về đòi của hàng đêm”. 
Sống ở chân cầu hơn 20 năm, đây không phải là lần đầu vợ chồng bà Quý cứu người. Đã có hàng chục lần ông bà cứu người chết đuối hay người có ý định nhảy xuống sông tự vẫn. Gần đây nhất, sau khi xảy ra vụ tai nạn hơn một tháng, có cô gái trẻ ở TP Ban Mê Thuột do buồn chán chuyện gia đình đã tìm đến đây tự vẫn.
Nghe tiếng la của mọi người, ông Hiệu vội vàng bơi xuồng ra cứu, lôi được cô gái vào bờ, sau đó lựa lời phân tích cho cô gái điều hay lẽ phải… lúc đấy cô gái khóc nghẹn và hứa sẽ không bao giờ làm điều dại dột nữa.
Lần khác chỉ vì muốn kéo một thanh niên đang lao mình xuống dòng nước siết, bà Quý đã bị anh này dùng cùi trỏ đánh sứt cả môi, cuối cùng nhờ có sự giúp sức của ông Hiệu, chàng thanh niên kia cũng được đưa vào bờ.

Chỉ cho tôi chiếc thuyền tôn nhỏ xíu, mục nát, chi chít vết vá bằng nhựa đường, xếp ngược lên gốc cây cạnh bờ sông, bà Quý tâm sự: “Chiếc thuyền tuy bé nhưng được sử dụng để cứu hàng chục người rồi đấy! Thuyền bé lại bị thủng, nên mỗi lần qua sông phải một tay chèo thuyền, một tay tát nước. Cứ mỗi lần nghe tiếng kêu cứu, không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, như phản xạ chồng tôi lại bơi thuyền lao vào dòng nước siết. Chúng tôi mong có được một chiếc thuyền máy chắc chắn hơn, để khi có người bị nạn, cứu hộ được nhanh hơn, lúc đó sẽ ít người phải bỏ mạng nơi dòng sông này”.

Hôm nhà chùa và gia đình các nạn nhân làm lễ cầu siêu, bà Quý gặp mẹ vợ nạn nhân Lê Công Bằng hỏi nhỏ: “Cháu và những người tham gia cứu nạn đang rất khổ tâm khi nghe mọi người bảo, vợ chồng anh Bằng hôm đó đi thăm con học đại học ở Sài Gòn, mang theo một va li đựng gần 100 triệu đồng, nay số tiền đó đã bị mất, chuyện đó có không hả bác?” 

Mẹ vợ anh Bằng vừa lau nước mắt vừa kể: “Gia đình con tôi lấy đâu ra số tiền lớn như thế? Hai vợ chồng nó vừa xây được ngôi nhà nhỏ trên đất của ông bà ngoại cho, để có tiền xây nhà chúng nó đã phải bán đi chiếc xe riêng, rồi thằng Bằng xin vào chạy xe thuê cho HTX vận tải Quyết Thắng, hôm bị nạn trong túi con rể tôi có tổng cộng 7,5 triệu đồng, công an đã bàn giao đủ cho gia đình rồi".

Mới đây, con trai của anh Bằng đang học ở Sài Gòn được nghỉ hè, cháu về thăm gia đình ông Hiệu và xin được nhận ông bà làm cha mẹ nuôi, nhận Tuấn làm anh em kết nghĩa…

Mới gặp một lần, nhưng tôi ấn tượng mãi về sự lam lũ, vất vả; cách nói chuyện cởi mở, chân tình của những người trong gia đình ông Hiệu. Tôi tin họ là những người tốt.

Chỉ mong sao miệng lưỡi người đời đừng thêu dệt thị phi, để ông Hiệu, bà Quý, ông Tú Uyên và nhiều người khác, khi ra tay cứu người hoạn nạn không còn phải bận tâm, đắn đo những chuyện về sau, để cho lòng tốt chẳng thể bị xói mòn.