Tìm về phía sáng

ANTĐ - Nguyễn Duy Bảo là nô lệ của “nàng tiên nâu” suốt 14 năm trời, ngay cả người vợ cũng vì thương mà mua bán hàng cấm để có thể giúp chồng đỡ bị “vật thuốc” và bị bắt, phải chịu 2 năm tù giam. Thế rồi, trong bóng tối tìm ra ánh sáng, vợ chồng Bảo đã có được một phương thuốc tốt, từ cắt cơn đến đoạn tuyệt hẳn “nàng tiên nâu” và trở thành người sống có ích.
Tìm về phía sáng ảnh 1
Anh Bảo tâm sự cùng với những người đang cai nghiện tại cơ sở


Quãng đời… bỏ đi

Trong ngôi nhà, cũng là cơ sở cai nghiện của vợ chồng Nguyễn Duy Bảo - Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Nghi Khúc (An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh), tôi được nghe chuyện “quậy” của Bảo. Anh ăn chơi đua đòi từ sớm. Khi có vợ và hai con, Bảo càng sa đà và dấn sâu vào chích hút. Năm 1998, vợ mất, tâm trạng Bảo càng bất an và lún sâu trong tăm tối. Khi đó, cô thôn nữ Nguyễn Thị Tuyết mới 23 tuổi, dù nhiều chàng trai trong thôn xã để ý, nhưng chị lại chỉ yêu anh Bảo, người đã có vợ, có con. Chị phải vượt qua trở ngại ngăn cấm của gia đình và những lời xì xào của dân làng. Lúc Tuyết thể hiện sự quyết tâm, mẹ chị nói: “Thân con gái, đã đi là không có chuyện quay lại”. Chị Tuyết xin vâng, sướng khổ tự chịu. Họ thành vợ chồng, đúng như ý nguyện. Tuyết yêu Bảo, thương anh một nách hai con và tin tưởng anh sẽ sống có trách nhiệm hơn.

Tôi hỏi Tuyết, người cùng làng, biết Bảo nghiện ngập, chơi bời, cờ bạc, chị có sợ không? Tuyết trả lời: “Ngày đó tôi cũng biết người ta nói ra nói vào chuyện anh Bảo nghiện. Nhưng thời đó trong quan niệm của người dân nghiện hút còn chưa nguy hiểm như bây giờ. Lúc đó tôi còn trẻ, nghĩ đó chỉ là chuyện bình thường, nên chấp nhận làm theo lời con tim mách bảo”.

Cưới xong, hai vợ chồng đưa nhau xuống Hà Nội mưu sinh. Nhà Bảo chẳng có gì đáng giá. Mọi thứ trước đây đã đội nón ra đi. Tuyết muốn gây dựng gia đình, bảo chồng chịu khó làm ăn. Nhưng làm bao nhiêu đều bị dốc hết vào chuyện chích hút và cờ bạc của chồng. Cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn. Nhiều lúc hai đứa con trước của anh Bảo phải chịu đói. Hai cậu con trai chung với chị Tuyết sau này cũng chẳng được chăm sóc tử tế. Tuyết quay cuồng làm lụng trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng sức lực có hạn, nhiều khi muốn buông xuôi. Năm 2002, Tuyết đã mua ma túy về bán lẻ nuôi chồng hút. Rồi Tuyết bị bắt và phải chịu mức án 2 năm tù. Do con còn nhỏ, nên Tuyết được lùi thời gian cải tạo, từ năm 2005 đến hết năm 2006. Hai con riêng của Bảo phải gửi về đằng ngoại, hai con chung do Bảo đảm nhận trông nom, nhưng vì anh nghiện ngập, lại phải gửi về nhờ ông bà ngoại nốt.

Mãn hạn tù, Tuyết trở về nhưng chồng vẫn không bỏ được ma túy. Chị đã đưa anh đi cai ở khắp nơi, vậy mà những cơn nghiện của Bảo vẫn không hề giảm. Người thân trong gia đình chỉ lo Tuyết lại lâm vào con đường tù tội cũ thì khổ, nên ra sức động viên, giúp đỡ để chị có điều kiện đưa chồng đi cai. “Thấy vợ khổ, con cái nheo nhóc, nhưng nghiện rồi, có biết cái gì đâu. Đúng là quãng đời đáng bỏ đi của tôi anh ạ”, Bảo tâm sự.

Chết đuối vớ được cọc

Cương quyết phải vực dậy gia đình, tìm cách cho chồng cai nghiện. Tuyết đưa chồng và con xuống Hà Nội thuê nhà, làm đậu, buôn bán hoa quả. Nhờ vào các mối quan hệ cũ, những người bạn tốt cho vay vốn, giúp đỡ làm ăn. Thế nhưng, việc đưa Bảo đi cai nghiện vẫn là một bế tắc, bởi chỉ được vài ngày anh lại tái nghiện. Nhiều lúc anh chị định buông xuôi, mặc cho số phận đẩy đưa. Nhưng nghĩ đến hai con chung, Tuyết vẫn cố gượng dậy làm ăn. Nhiều hôm dong xe bán hoa quả mà nước mắt chị cứ lã chã rơi. Chị Tuyết chia sẻ: “Anh Bảo bập vào ma túy cũng phần nhiều do ở Hà Nội. Thời gian  ở đấy cũng đau khổ và tuyệt vọng, bởi không thể nào cai cho được dứt điểm. Nhưng may mắn thay, chồng tôi cũng kiên trì cai nghiện”.

Một lần, anh Bảo về nói với vợ sẽ quyết tâm cai nghiện bằng đượ. Chị Tuyết nói với chồng: “Anh đã đi cai hàng chục lần, đều thất bại rồi”. Anh Bảo nài nỉ: “Thôi cứ cho anh đi thêm một lần này nữa thôi. Nếu không được thì về anh ngồi chờ chết”.

Nghe mà cảm thương, chị Tuyết nuốt nước mắt đồng ý. Hai vợ chồng đưa nhau xuống xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội “tìm thầy”. Gửi chồng ở lại một cơ sở cai nghiện, 6 ngày sau chị Tuyết được gọi xuống đón chồng về. Chị nghĩ, chỉ là đi đón chồng thôi chứ chắc gì cai được. Nhưng Tuyết đã thấy chồng khởi sắc, cắt được cơn, về nhà không thấy nhắc đến “nàng tiên nâu” nữa. Sau đó, vì quyết tâm đoạn tuyệt ma túy, Bảo đã không nhắc đến ma túy nữa và đã cai được hẳn. “Khi nghiện, tôi còn có hơn 40 cân, khi cai thành công, ăn uống được, tôi trở về cái tạng của mình, là 72 cân rồi”, anh Bảo cho biết.

Cai nghiện thành công, vợ chồng Bảo - Tuyết đã tổ chức thành lập cơ sở cai nghiện tại nhà mình, giúp cho nhiều người cùng cảnh có thể đoạn tuyệt hẳn với ma túy và sống làm một người bình thường. Chị Tuyết cho biết, mỗi tháng cơ sở tiếp nhận từ 25 đến 30 anh em về cai nghiện. Tại đây, chỉ 10 ngày họ cắt được cơn. Cơ sở xây dựng dưới dạng một tổ ấm, mọi người đến đây đều được đối xử bình đẳng, được tạo dựng niềm tin sống, tư tưởng thoải mái. Đó là nguyên do mà ngày càng nhiều người tìm đến, bởi họ nghĩ với môi trường như vậy, thì việc cai đã thành công 50%.

Đúng là, con người ta có thể lầm lỡ, có thể đã đánh mất tất cả, nhưng vẫn có những cách để làm lại, đứng lên. Nguyễn Duy Bảo là người như thế. Nhưng trước hết, anh có một người vợ thủy chung, đã đưa vai gánh vác và chèo lái con thuyền gia đình, đã tận tụy sửa lỗi lầm để làm ăn, đưa chồng đi cai nghiện. Họ đã thành công. Hóa ra, không gì là không thể. Vợ chồng Bảo đang xây dựng thêm ngôi nhà, mở rộng cơ sở. Anh nói sẽ sống và làm người có ích, bởi suốt một quãng thời gian dài, anh tự đốt cuộc đời mình bằng làn khói ma túy. Chị Tuyết thì khẳng định, sẽ chăm lo cho chồng con thật tốt, để những đứa con sau này sẽ có tương lai tươi sáng.