Tìm về con đường sáng

ANTĐ - Sa ngã có ba bảy đường nhưng đường hoàn lương chỉ có một. Sự thật thì có bao nhiêu người có được một công việc ổn định khi tái hòa nhập với cộng đồng? Có đi sâu vào đời sống của họ mới hiểu được, con đường trở về làm lại cụôc đời bằng đôi bàn tay đã từng tội lỗi mới khó khăn làm sao.

Đường về

Người ta nói “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” - một ngày trong tù bằng ngàn thu bên ngoài. Do đó, rất nhiều phạm nhân đi vào con đường lầm lỡ đã lấy việc cải tạo, làm việc chăm chỉ ra để chờ ngày bầu trời tự do ngoài kia đón mình. 

Quách Hữu Đức (thôn Văn Minh - xã Cam Thương - Ba Vì - Hà  Nội) là một trong những người hoàn lương và thành công trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Với Đức, con đường hoàn lương được nhen nhóm từ sự ân hận và khao khát làm lại cuộc đời mình. Và đã tạo ra điều ngoạn mục.

Ngày đó, khi bị bắt Đức được vào trại giam Hỏa Lò rồi chuyển vào Trại giam Lam Sơn (Thanh Hóa). Đức như bị trót chân trói tay, nuôi ý định trốn ra ngoài. Nhưng được sự quan tâm, giáo dục và tin tưởng của các cán bộ quản giáo và một số tù nhân tốt bụng khuyên nên cải tạo tốt. Muốn ra ngoài sớm chỉ có mỗi đường là cải tạo tốt chờ ân xá. Nhờ năng khiếu trong nhiều công việc như chăn nuôi, cấy lúa, làm thủ công mỹ nghệ, Đức càng ngày càng chiếm được lòng tin của quản giáo và một điều quan trọng hơn là anh được hưởng đặc ân tự do ra vào trại, được cử đi tiếp khách đến thăm trại và giao lưu văn nghệ. Bằng những cố gắng tận tâm tận lực anh được hưởng ân xá, ra tù trước thời hạn gần 9 năm trời.

Đầu năm 1996, anh được ra tù, trở về dắt theo người vợ xinh xắn chưa cưới và cậu con trai 5 tuổi trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Đây lại là chuyện tình đặc biệt của một phạm nhân và cô con gái của cán bộ Nông trường Thống nhất gần Trại giam Lam Sơn. Chị là Đào Thu Hương, thời gian Đức được tự do ra ngoài vừa đến tuổi cập kê. Anh chị gặp rồi yêu nhau, tình yêu trở nên đẹp tuyệt. Tuy chưa cưới, nhưng hai người đã kịp có con. Điều này được bố chị Hương chấp nhận. Đồng thời, với sự giúp đỡ của bạn bè, Công an xã Cam Thượng, Đức cùng một người bạn đầu tư trên 5 tỷ đồng vào mô hình vườn trại rộng tới 23 ha (anh là người trực tiếp trông nom, chăm sóc). 13 ha anh dành đào ao thả cá, chia thành 4 hồ lớn, 3 hồ nhỏ và 5 ao giống nuôi thả khép kín. Diện tích còn lại, anh xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, bò, gà, chó với số lượng lớn. Thành công của Đức khiến nhiều người phải mơ ước. Nhưng đã mấy người hoàn lương trở về được như anh?

Phó Giám thị Trại giam số 5 (Thanh Hóa) Nguyễn Thị Can cho biết: “Hoàn lương cũng là một khái niệm khá trừu tượng và rất khó thành hiện thực, chỉ trừ những người nào có ý chí mạnh mẽ và nung nấu trở về với gia đình, xây dựng lại cuộc đời. Tuy nhiên, ở Trại giam số 5 cũng như nhiều trại giam khác, giám thị chúng tôi có trách nhiệm giúp họ lao động, cải tạo bản thân, tạo mọi điều kiện để họ làm việc tốt và chờ đặc xá. Nhưng khi ra tù, ai dám chắc họ sẽ hoàn toàn không tái phạm. Khi mà môi trường ngoài kia cám dỗ vẫn nhiều, điều kiện chưa có. Họ rất dễ tái phạm”.

Khi tôi hỏi đùa một cô gái trẻ là phạm nhân, cũng là dân cư ở ngõ chợ Khâm Thiên (Hà Nội), bị bắt vì tội vận chuyển ma túy: “Nếu được ra tù, em có vận chuyển tiếp nữa không?”. Phạm nhân tên Dung gật đầu, không biết thật hay đùa. Trong xưởng, có hàng nghìn phụ nữ cả già cả trẻ đang thoăn thoắt từng đường kim mũi chỉ, thêu thùa, khâu vá trong không khí lao động khẩn trương. Ai biết trong số đó, có bao nhiêu người chỉ làm cho qua chuyện.

Cũng rất nhiều phạm nhân trở về, dù có muốn làm ăn lương thiện, nhưng điều kiện gia đình quá khó khăn, họ không có một cái nghề để làm, sống và giúp đỡ gia đình. Điều tệ hại sẽ xảy ra đối với  họ đó là những bi kịch cụôc sống. Hơn nữa, không ít người trở về thì người yêu hoặc vợ đã đi lấy người khác. Vấn đề những người xung quanh cũng có tác động mạnh mẽ. Nhiều người sau khi ra tù bị khinh miệt, bạn bè, xã hội xa lánh chỉ vì anh ta là một kẻ từng ở tù. 

Sẽ dễ dàng nếu có đôi bàn tay lao động

Phó Giám thị Nguyễn Thị Can cho rằng, lao động là cách tốt nhất để hoàn lương. Những người ra tù, trừ phi là con của một gia đình giàu có mới không phải làm lụng gì nhiều. Còn phần lớn họ phải lao động. Trong thời gian thụ án, họ đã được dạy nghề, được làm việc và có kinh nghiệm. Trên lý thuyết, lao động sản xuất trong trại giam đạt hiệu quả thì ra ngoài cũng đem lại hiệu quả. Thực tế thì không phải như vậy, có những nghề phạm nhân học được thì ngoài xã hội lại không cần, hoặc ở quá xa, hoặc không ai nhận. Ở trong trại giam, người tù chỉ việc làm cho thật tốt, nhưng khi ra ngoài xã hội, họ phải tự đi liên hệ xin việc. Đến người bình thường đi tìm một công việc còn khó khăn, huống hồ là phạm nhân.

Chúng ta cũng sẽ thấy sự thật rằng, có những người trong trại giam lao động, cải tạo rất tốt. Khi được đặc xá ra trại thì anh ta lưỡng lự, khuôn mặt đầy ưu tư, trong khi có nhiều người hồ hởi chờ đợi. Hỏi ra thì được biết, người không muốn ra tù đã đánh mất gia đình bé nhỏ của mình, cũng chẳng thể tìm đâu được công việc tốt hơn là ở... trong tù. Thành ra, đường hoàn lương cũng chấp chới, biết bao nỗi niềm của bao số phận đan xen. Tôi mong mỗi ai có cơ hội được trở về, đều biết tìm về con đường sáng, để thành một người lương thiện, có ích cho gia đình và xã hội.