Tìm thấy 550 hành tinh giống Trái đất

ANTĐ - Các nhà thiên văn học tại Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa tìm được 1.284 hành tinh mới ngoài hệ Mặt trời, trong đó có 9 hành tinh có thể có sự sống. Đây là số lượng hành tinh nhiều nhất được tìm thấy từ trước tới nay.

NASA tìm thấy thêm 9 hành tinh có thể có sự sống

Theo thông báo của NASA vào ngày 10-5, kết quả tìm kiếm này dựa trên dữ liệu gửi về từ kính viễn vọng Kepler - vệ tinh săn tìm hành tinh mới của NASA được phóng lên vũ trụ từ năm 2009. Trong số 1.284 hành tinh ngoài hệ Mặt trời được tìm thấy, khoảng 550 hành tinh được phát hiện có nhiều vùng đất đá giống Trái đất, trong khi 9 hành tinh có điều kiện để nước tồn tại ở dạng lỏng. Đây là điều kiện tiên quyết của sự sống. “Điều này cho chúng ta hy vọng rằng ở đâu đó ngoài kia, xung quanh một ngôi sao giống như của chúng ta, nhân loại cuối cùng có thể phát hiện một hành tinh giống Trái đất”, Ellen Stofan, Giám đốc khoa học tại trụ sở chính của NASA ở Washington (Mỹ), cho biết.

Thông báo của NASA rất đáng chú ý vì quy mô của việc tìm thấy hành tinh ngoài hệ Mặt trời tăng hơn gấp đôi trong danh sách các hành tinh ngoài hệ Mặt trời được biết đến cho tới nay. Như vậy, với số lượng lớn hành tinh mới được phát hiện, khả năng tìm thấy một hành tinh giống với Trái đất đã cao hơn rất nhiều.

Các nhà khoa học phát hiện ra hành tinh đầu tiên ngoài hệ Mặt trời vào năm 1992, nhưng số lượng đó bùng nổ kể từ khi kính viễn vọng Kepler được phóng lên vào năm 2009. Theo NASA, trong số hơn 3.200 hành tinh được xác nhận tồn tại, Kepler phát hiện 2.325 hành tinh. 

Kính viễn vọng Kepler là một đài quan sát vũ trụ của NASA được thiết kế để phát hiện các hành tinh kiểu Trái đất quay xung quanh các ngôi sao khác. Kepler theo dõi các ngôi sao xa xôi về những thay đổi trong độ sáng của chúng. Một ngôi sao có độ sáng giảm cho thấy rằng một số thiên thể, chẳng hạn như một hành tinh, đã đi ngang qua nó. Sau khi các khu vực nghi ngờ này được xác định, các nhà thiên văn tiến hành đo đạc thêm. Thay vì trải qua một “quy trình từng bước, mất thời gian”, NASA cho hay, phương pháp thống kê mới cho phép cơ quan này đồng thời xác nhận sự hiện diện của nhiều hành tinh. 

“Trước khi kính viễn vọng Kepler được phóng lên, chúng tôi không biết liệu hành tinh ngoài hệ Mặt trời rất hiếm hay phổ biến trong vũ trụ. Nhờ Kepler và cộng đồng nghiên cứu, chúng tôi biết có nhiều hành tinh hơn các ngôi sao. Điều này giúp ích cho những sứ mệnh trong tương lai để trả lời câu hỏi liệu chúng ta có đơn độc trong vũ trụ”, Paul Hertz, Giám đốc Phòng vật lý thiên văn của NASA, cho biết. 

Tính cả 9 hành tinh có thể có sự sống công bố hôm 10-5, có tổng cộng 21 hành tinh được phát hiện nằm trong vùng Goldilocks (vùng sống được) - tức là không quá nóng cũng như không quá lạnh để duy trì sự sống. Tuy nhiên, hành tinh gần nhất cũng cách Trái đất khoảng 11 năm ánh sáng, vẫn vượt xa tầm với của bất kỳ tàu vũ trụ nào do con người chế tạo.

“Điều này cho chúng ta hy vọng rằng ở đâu đó ngoài vũ trụ, xung quanh một ngôi sao giống như của chúng ta, nhân loại cuối cùng có thể phát hiện một hành tinh giống Trái đất”, Ellen Stofan, Giám đốc khoa học tại trụ sở chính của NASA ở Washington cho biết.