Tìm ra lối thoát

ANTĐ - Có một thực tế thật vô lý, dù nhu cầu chưa lớn, thu nhập bình quân đầu người chưa cao vậy mà ở nước ta lại được “xếp hạng” trong danh sách “top ten” một trong 10 nước có giá trị bất động sản cao nhất thế giới. Có ý kiến nhận định rằng, nguyên nhân là vì nguồn cung hạn chế, chứ không phải vì dân quá nhiều tiền hay vì đầu cơ và cũng chẳng phải vì tín dụng ngân hàng.

Phân tích và so với thế giới, nhiều chuyên gia chỉ rõ sự khác biệt lớn nhất của thị trường bất động sản (BĐS) là nguồn cung nằm trong tay Nhà nước. Rắc rối ở chỗ là nguồn cung này không minh bạch theo hướng thị trường mà tùy theo quy hoạch, thậm chí tùy thuộc vào tài “chạy” dự án của các nhà đầu tư khiến nguồn cung vốn đã thiếu hụt lại còn bị “chèn ép” bởi các thủ tục rối rắm, nhiêu khê.

Hơn thế, việc chạy dự án phải mất dăm năm mới xong thủ tục. Đi sâu vào ngõ ngách của thị trường có thể nhận thấy, thị trường nhà bình dân khá èo uột, còn thị trường cao cấp lại đi quá nhanh. Tuy nhiên, có sự khác biệt rõ ràng giữa hai thị trường “nóng” nhất cả nước. Ở TP.HCM nguồn cung nhà ở nhiều hơn phân khúc trung bình và thấp nhiều hơn, nên giá cả vừa phải và thật hơn. Hầu hết các nhà đầu tư BĐS đều thuộc loại vừa và nhỏ, nhất là có nhiều cá nhân vào cuộc cho nên đã tạo ra một thị trường đa dạng, thoáng rộng. Cụ thể là số tiền vay xây dựng các dự án ở TP.HCM chiếm tới một nửa tổng tín dụng BĐS cả nước.

Trong khi đó ở Hà Nội chỉ được 14-15% chủ đầu tư phần lớn là quốc doanh, chủ yếu lao vào nhà ở cao cấp, nhà ở bình dân rất hạn chế. Vì thế, giá nhà ở cao chót vót, nhu cầu trở nên căng thẳng. Giải tỏa những “điểm nghẽn” cho thị trường để tìm ra lối thoát, nhất là để người thu nhập thấp có được một mái ấm, chắc chắn cần xây dựng một chiến lược nhà ở căn cơ và lâu dài đặt trên “nền móng” là giải quyết nhu cầu “an cư” cho đối tượng thu nhập thấp. Bởi đó là nhu cầu có khối lượng đông nhất trong chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Theo ý kiến của một chuyên gia trong Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chiến lược chung của thị trường BĐS là sử dụng minh bạch nguồn cung, làm sao cho lãi suất ngân hàng ở mức độ vừa phải để nhà đầu tư có thể chấp nhận được và phát triển. Đặc biệt cần có chính sách tín dụng đối với người mua nhà, nhất là những người có thu nhập thấp. Ở nhiều nước trong khu vực, chính sách nhà ở xã hội đã được hoạch định và triển khai hàng chục năm nay mang lại hiệu quả rất thiết thực. Xây dựng những khu đô thị, những chung cư như “thiên đường” dành cho những “đại gia”, người giàu có đâu có khó gì. Từ trên những tòa nhà sang trọng hiện đại đó, thử nhìn ra chung quanh, nhìn xa hơn, biết bao người lao động, thu nhập thấp đang mỏi cổ ngước nhìn lên và mơ ước. Xã hội hóa nhà ở nên được hiểu là Chính phủ chỉ cần đưa ra một số chính sách như thuế, giải quyết thủ tục đất đai khuyến khích cho nhà đầu tư vay xây nhà ở cho người thu nhập thấp, chứ không nên can thiệp trực tiếp vào chuyện xây nhà. Xã hội hóa chính là để tạo ra tiền đề giá nhà rẻ. 

Lối thoát cho thị trường BĐS, được “hé mở” ngay từ bên trong. Dư luận thì lo ngại tín dụng BĐS có thể làm chao đảo hệ thống ngân hàng. Chuyện đó đã có ngân hàng Nhà nước và Chính phủ giám sát. Chớ nên vì thế mà có xu hướng ngăn cản việc cho vay và nhìn nhận thị trường BĐS chỉ toàn đầu cơ. Không nên quên rằng BĐS là tài sản ảnh hưởng lớn nhất đến an sinh xã hội, thiếu nó thì làm sao có thể “an cư lạc nghiệp” được?