Tìm phương án cứu nạn khi hỏa hoạn ở tầng cao chung cư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những vụ cháy tại chung cư mini, nhà cao tầng vừa qua đã để lại rất nhiều kinh nghiệm, bài học đắt giá. Một lần nữa, an toàn cháy nổ lại trở nên “nóng” bởi hàng loạt bất cập vẫn đang tồn tại.

Bất cập về lối thoát nạn

Sau vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, nhiều người dân sinh sống tại các chung cư dần thay đổi nhận thức về PCCC. Họ bảo nhau đi mua mặt nạ phòng độc, thang dây, bình cứu hỏa… để phòng bất trắc khi hỏa hoạn. Cũng từ đó, các vụ cháy, sự cố hỏa hoạn ở chung cư cao tầng đều được xử lý sớm ngay từ khi phát sinh. Tuy nhiên còn một vấn đề vẫn đang được bàn luận là phương án cứu nạn đối với các tầng cao thì vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã chạy bộ 29 tầng để chữa cháy chung cư Lạc Hồng, thuộc khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ

Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã chạy bộ 29 tầng để chữa cháy chung cư Lạc Hồng, thuộc khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ

Mới đây, ngày 16-7, Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nội đã phải chạy bộ 29 tầng để chữa cháy tại chung cư Lạc Hồng thuộc khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ. Chủ căn hộ ở tầng 29 chung cư này đã đun nước trên ghế sofa rồi ra ngoài mà quên không tắt dẫn đến hỏa hoạn. Việc phải chạy bộ 29 tầng khiến công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chậm hơn dự kiến và lực lượng chữa cháy mất rất nhiều thời gian, công sức. Điều này đặt ra giải pháp cho vấn đề thoát nạn của các căn hộ tầng cao của chung cư. Bởi thực tế, thang chữa cháy chỉ với tới tầng thứ 15. Từ tầng 15 trở lên, cách thoát nạn duy nhất là chạy bằng lối thoát hiểm thang bộ lên tầng thượng. Đây là một vấn đề bất cập trong công tác cứu nạn, cứu hộ đối với chung cư cao tầng.

Số cơ sở vi phạm PCCC ngày càng tăng

Vừa qua, Cảnh sát PCCC và CNCH cũng giải cứu thành công nhiều người trong một vụ cháy chung cư mini ở địa chỉ 269 - 271 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân. Vụ cháy xảy ra lúc 13h ngày 19-5 từ căn hộ tầng 8 của chung cư mini (cao 9 tầng, 1 tum). Lo sợ sẽ bị ngạt nếu thoát xuống dưới, nhiều người sống trong chung cư đã chạy lên mái để chờ lực lượng chức năng đến cứu. Tất nhiên đây chỉ là trường hợp chung cư thấp tầng, còn đối với chung cư cao hàng chục tầng, nếu xảy cháy ở các tầng giữa thì việc chạy thang bộ để lên tầng thượng là điều rất khó khăn. Đó là còn chưa tính đến tình huống nhiều người hoảng loạn cùng chen lấn, xô đẩy trong quá trình thoát nạn sẽ rất dễ dẫn đến thảm kịch giẫm đạp…

“Ngoài việc trang bị những phương tiện báo cháy, chữa cháy phù hợp. Điều quan trọng là người dân cần trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng cháy và chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm để tự cứu mình và tham gia chữa cháy và cứu hộ khi không may hỏa hoạn xảy ra”

Đại tá Phạm Trung Hiếu Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (CATP Hà Nội), hiện thành phố có khoảng 1.200 chung cư thấp tầng, cao tầng. Báo cáo của Bộ Công an cũng cho thấy lực lượng chức năng mới xử lý được 1.487/7.187 công trình ở 35 địa phương; 2.964/11.007 công trình chưa được nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng được khắc phục.

Tại cuộc họp ngày 14-8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo báo cáo tại Quốc hội, khi giám sát về PCCC, Thường vụ Quốc hội nhận thấy số cơ sở vi phạm ngày càng tăng lên. Về vấn đề thoát nạn đối với tầng cao nhà chung cư, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, hầu hết thang chữa cháy chỉ có thể với tới nhà 15 tầng, nhưng chung cư đều được cấp phép trên 20 - 25 tầng, nên khi xảy ra cháy nổ thì thang không đủ cao để cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, ý thức PCCC của người dân còn yếu. “Nhiều người nấu nướng, thờ cúng, sử dụng hệ thống điện rất bất cẩn, đề nghị các cơ quan nghiên cứu, làm rõ thêm quy chuẩn phòng cháy đối với nhà chung cư” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Chung cư HH Linh Đàm tồn tại nhiều bất cập về PCCC

Chung cư HH Linh Đàm tồn tại nhiều bất cập về PCCC

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, các tòa nhà trên 20 tầng thường được bố trí một tầng kỹ thuật để người dân ở các tầng trên di chuyển xuống trong trường hợp có sự cố. Việt Nam không có tầng kỹ thuật như thế, cũng chưa có phương tiện hiện đại như trực thăng chữa cháy, nên dự luật cần bổ sung quy định cụ thể phòng ngừa sự cố với nhà cao tầng. Cũng cần tính đến biện pháp an toàn cháy nổ cho chung cư như lối vào cho xe chữa cháy, đường nước chữa cháy.

Cần sớm đưa ra giải pháp

Chị Vũ Thị Tươi (trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai) chia sẻ, bản thân chị đã chứng kiến nhiều vụ cháy xuất phát từ những chung cư mini chật hẹp, không có lối thoát hiểm, cầu thang, ban công bị bịt kín, hệ thống PCCC không có. Đặc biệt các chung cư kiểu này lại hay nằm trong những ngõ nhỏ chỉ đủ cho 1-2 chiếc xe máy đi qua. Khi những người lao động ngoại tỉnh về Hà Nội sinh sống, làm việc và thuê (hoặc mua) nhà tại đây, họ thường không trang bị cho gia đình những thiết bị phòng cháy như thang dây, mặt nạ phòng độc hay bình chữa cháy. Trong khi đó, các chung cư mini trên ban đầu thường xin cấp phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ, nhưng sau đó tự ý chuyển đổi công năng, ngăn chia thành các phòng khép kín để kinh doanh. “Chạy theo lợi nhuận, vi phạm các quy định về PCCC thì hệ lụy sẽ rất khó lường” - chị Tươi nhấn mạnh.

Theo chị Tươi, do chung cư mini thường không thiết kế khu vực sạc cho xe đạp điện, xe máy điện nên gần đây còn xuất hiện tình trạng người dân mang các phương tiện này lên tận căn hộ của mình để sạc. Việc này không những gây nguy hiểm cho gia đình họ mà còn ảnh hưởng đến các gia đình chung sống trong chung cư mini đó do xe đạp, xe máy điện cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, rà soát, siết chặt lại toàn bộ vấn đề PCCC tại các chung cư mini, nhà cao tầng cho thuê nhằm phát hiện những tồn tại để xử lý. Đồng thời, ngay bản thân mỗi người dân cũng phải tự nâng cao ý thức PCCC cho gia đình mình.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, nhiều vụ hỏa hoạn lẽ ra đã không gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản nếu công tác phòng cháy, chữa cháy được chuẩn bị tốt, nhất là hiểu biết của người dân.

Hiện nay nhiều nhà cao tầng, chung cư, nhất là chung cư mini không bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy, xây dựng sai phép, nhưng vẫn được đưa vào sử dụng. Cụ thể, nhiều chung cư mini được xây dựng quá số tầng quy định trong ngõ, ngách nhỏ hẹp, nếu xảy ra cháy, nổ thì các phương tiện chữa cháy rất khó tiếp cận. Lối thoát hiểm không có, trang thiết bị chữa cháy thiếu hoặc hỏng, hết hạn sử dụng. Nhân viên bảo vệ chung cư không được tập huấn thường xuyên về công tác phòng cháy, chữa cháy…

Cháy nổ có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ đâu, không riêng gì nhà cao tầng, chung cư hay trung tâm thương mại. Những vụ hỏa hoạn ở chung cư thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân quan trọng có thể gây ra hậu quả lớn. Một là sự tuân thủ quy định từ phía chủ đầu tư, người tổ chức sử dụng chung cư, nhà cao tầng. Hai là kiến thức về phòng cháy và kỹ năng thoát hiểm của người dân khi xảy ra sự cố cháy nổ.

“Ngoài việc trang bị những phương tiện báo cháy, chữa cháy phù hợp. Điều quan trọng là người dân cần trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng cháy và chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm để tự cứu mình và tham gia chữa cháy và cứu hộ khi không may hỏa hoạn xảy ra” - Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đưa ra lời khuyên.