Tìm mọi phương cách "giải cứu" thịt lợn

ANTD.VN - Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát chi phí để giảm chênh lệch giữa giá thịt lợn hơi và giá bán lẻ.

Ngày 4-5, Bộ Công Thương đã có công văn yêu cầu sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, giết mổ, kinh doanh; các công ty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng thịt lợn.

Bảo đảm thu mua cho người chăn nuôi với giá hợp lý

Theo đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc phối hợp với Sở NN&PTNT các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối, các chợ đầu mối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; Tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh, các công ty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể với các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho thị trường.

Có 3 giải pháp “giải cứu” đàn lợn trong thời gian tới. Thứ nhất, giải quyết tốt quan hệ cung cầu, rà soát đảm bảo tổng đàn và quy mô đàn chăn nuôi có cơ cấu hợp lý. Thứ hai, Bộ NN&PTNT sẽ có giải pháp kiểm soát lợn nái, tổ chức liên kết chuỗi và lâu dài, đề xuất với Chính phủ không hỗ trợ trực tiếp người chăn nuôi mà sẽ hỗ trợ qua chuỗi. Thứ ba, mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc để tăng xuất khẩu thịt lợn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn

Đồng thời, các Sở Công Thương cũng cần chỉ đạo doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đẩy mạnh việc ký kết hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định, phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý.

Các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh, các công ty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể phổ biến, cung cấp thông tin kịp thời tới các đơn vị thành viên trong hiệp hội về các biện pháp, các hoạt động nhằm tổ chức thu mua, đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn, tích cực tham gia vào các hoạt động kết nối, thu mua, chế biến, tiêu thụ mặt hàng thịt lợn trên cả nước, “giải cứu” thịt lợn còn tồn trong dân.

Yêu cầu doanh nghiệp tham gia bình ổn 

Cũng trong ngày 4-5, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Sở Tài chính các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi bán sản phẩm ra thị trường cần có sự chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng nhằm đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bộ Công Thương yêu cầu khẩn trương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng thịt lợn

Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá khi xây dựng phương án giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; rà soát, tính toán và có các giải pháp công nghệ, quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giá bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; không điều chỉnh tăng giá bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.

Trường hợp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá sẽ bị xử lý nghiêm và thu nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá theo quy định, đồng thời, công khai trên phương  tiện thông tin đại chúng. 

Cùng ngày, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cũng có công văn số 5718/BTC-QLG gửi Sở Tài chính các địa phương về việc tăng cường các biện pháp bình ổn giá thịt lợn. Cục này yêu cầu, các Sở thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn về thịt (đặc biệt các khu công nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang) để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết các hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và đảm bảo thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá cả hợp lý.