Tìm mọi cách để sớm có vaccine tiêm cho nhân dân ngăn ngừa Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là một trong những quốc gia kiểm soát dịch Covid-19 tốt bậc nhất trên thế giới, song chúng ra có thể mất đi lợi thế mở cửa nền kinh tế, khôi phục hoạt động du lịch quốc tế khi thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch nếu không có đủ lượng vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng với khoảng 70% số dân được tiêm chủng.
Nhân viên y tế đang tiêm vaccine Covid-19 cho một công nhân khu công nghiệp ở tâm dịch Bắc Giang

Nhân viên y tế đang tiêm vaccine Covid-19 cho một công nhân khu công nghiệp ở tâm dịch Bắc Giang

Thần tốc hơn, hiệu quả hơn trên “mặt trận vaccine”

Diễn biến dịch bệnh và thực tế trên thế giới cho thấy, vaccine phòng ngừa Covid-19 là “vũ khí” hiệu quả và căn cơ nhất để khống chế, đẩy lùi căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này, tạo điều kiện để khôi phục mọi mặt bình thường của đời sống kinh tế - xã hội, trước mắt là mở cửa cho hoạt động hàng không và du lịch quốc tế. Israel đã thí điểm mở cửa cho du khách quốc tế khi đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng với trên 70% số dân được tiêm vaccine phòng Covid-19, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng thống nhất để công dân thuộc 27 quốc gia thành viên được tự do đi du lịch nếu có “hộ chiếu vaccine”.

Diễn biến các đợt dịch Covid-19 tại nước ta cũng cho thấy, cùng với những biện pháp khác, nhất là nguyên tắc “5K”, vaccine phòng Covid-19 là “vũ khí” lợi hại nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta có thể kiểm soát tốt biên giới để ngăn nhập cách trái phép mang theo mầm bệnh, có thể truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch tốt… nhưng với diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh, đặc biệt là những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 thì một đợt dịch mới vẫn có thể chực chờ bùng phát bất cứ lúc nào.

Do đó, chúng ta từ sớm đã xác định đẩy nhanh, mở rộng tiêm vaccine phòng Covid-19 là giải pháp căn cơ để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục mọi mặt hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, đưa đất nước vào giai đoạn bình thường mới. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo liên tục, sâu sát, quyết liệt, yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine phòng ngừa Covid-19 một cách sớm nhất và nhiều nhất có thể.

Ngay trong phiên phiên họp đầu tiên sau khi kiện toàn, Chính phủ đã ra Nghị quyết nhấn mạnh, trước mắt do nguồn cung vaccine còn khan hiếm trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế cần khẩn trương thực hiện Nghị quyết 21 ngày 26-2-2021 của Chính phủ nhằm có vaccine sớm nhất; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn để các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu, tiêm vaccine dịch vụ; tổ chức tiêm vaccine khẩn trương, an toàn... Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh phương án và nghiên cứu triển khai cơ chế “hộ chiếu vaccine” đối với từng loại đối tượng, từng nước, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”. đồng thời, có phương án cụ thể tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước.

Liên tiếp trong các cuộc họp về phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên “mặt trận vaccine”. Đây là một hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước.

Có thể khẳng định, những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, tinh thần tấn công thần tốc, mạnh mẽ, nhất quán đã gỡ bỏ hàng loạt khó khăn về cơ chế, thể chế, cũng như tư duy máy móc, cứng nhắc khi tiếp cận các nguồn vaccine ngừa Covid-19 của ngành Y tế. Mọi thủ tục, quy trình về cấp phép lưu hành, kiểm định vaccine phòng Covid-19 được rút gọn tối đa. Mọi vướng mắc được tháo gỡ ngay với mục tiêu là không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vaccine Covid-19 ngay mà lại không mua về được.

Tự chủ “vũ khí” chống “giặc” Covid-19

Nhằm huy động sự đóng góp và ủng hộ của người dân, huy động mọi nguồn lực xã hội, Thủ tướng Chỉnh phủ đã quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam vào ngày 26-5 vừa qua để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Những đóng góp vào Quỹ sẽ sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine Covid-19.

Theo số liệu tính toán của Bộ Y tế, dự kiến chúng ta cần mua khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Dù chỉ mới được thành lập mấy ngày nhưng Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ nhanh chóng của người dân và doanh nghiệp với số tiền đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay, vaccine phòng Covid-19 được xem là giải pháp hiệu quả, trọng tâm ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch. Mục tiêu của ngành Y tế là tiếp cận sớm, tăng độ bao phủ vaccine, đạt được miễn dịch cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ tháng 5-2020, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vaccine phòng Covid-19. Đặc biệt, Việt Nam đã rất nỗ lực, là 1 trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng mua vaccine của AstraZeneca. Việt Nam cũng là 1 trong 92 quốc gia được COVAX Facility hỗ trợ 38,9 triệu liều vaccine xin phòng Covid-19. Vừa qua, Bộ Y tế cũng đàm phán, ký thỏa thuận với Pfrizer để mua 30 triệu liều vaccine.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine phòng Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí và tiếp tục đàm phán mua thêm 20 triệu liều vaccine Pfizer. Đến nay, số liều vaccine đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vaccine để tiến hành tiêm chủng cho 70% số dân số (người từ 18 tuổi trở lên) nhằm đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng trong năm nay.

Đồng thời với việc tích cực tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới, chúng ra cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước… để chủ động, tự chủ về vaccine phòng Covid-19 trong tương lai. Theo thông tin mới nhất, ngay trong đầu tháng 6 này, vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam mang tên Nano Covax sẽ bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng với 13.000 người nhằm đánh giá hiệu lực bảo vệ đối với cộng đồng trước khi cấp phép lưu hành trong tình huống khẩn cấp. Kết quả giai đoạn 2 cho thấy Nano Covax đảm bảo an toàn, 100% người tiêm đều sinh miễn dịch ở các mức độ khác nhau, trong đó chỉ số kháng thể trung hòa virus (khả năng tiêu diệt virus SARS-CoV-2) sau 2 tuần tiêm mũi 2 ở nhóm liều 25 mcg cho kết quả cao nhất với trên 90%.

Cùng với Nano Covax, vaccine ngừa Covid-19 thứ hai do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất là Covivac của công ty IVAC cũng đã tiêm thử nghiệm xong giai đoạn 1. Việt Nam hiện cũng đã có kế hoạch mua bản quyền vaccine, tiếp cận chuyển giao vaccine, hợp tác trong nghiên cứu, liên doanh liên kết các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để có vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất và tự chủ vaccine sử dụng trong nước, tự chủ “vũ khí” chống “giặc” Covid-19 trong tương lai.