Tìm mộ liệt sỹ nhờ chiếc “gậy thần”

ANTĐ - Thoát chết từ căn bệnh ung thư cùng nỗi ám ảnh những dòng tên giống nhau ghi trên bia mộ các liệt sỹ vô danh đã khiến hơn 22 năm qua ông Ngọc “ăn cơm nhà” vác… “gậy thần” đi tìm hài cốt liệt sỹ. 
Tìm mộ liệt sỹ nhờ chiếc “gậy thần” ảnh 1
Ông Trần Công Ngọc tâm sự về 22 năm tìm kiếm hài cốt liệt sỹ
Từ vực chết

Với ông Trần Công Ngọc (thôn Lại Bằng, xã Hương Vân, huyện Hương Trà, TT- Huế) từng mảng ký ức cuộc đời là những dấu ấn không thể phai mờ trong tâm thức của những ngày cơ cực thời bao cấp. Sinh ra trong một gia đình làm nghề nông, năm 1978, ông lập gia đình cùng bà Hồ Thị Diệp, lần lượt 5 người con ra đời trong nỗi vất vả của bố mẹ. Ông chọn nghề tìm trầm, băng rừng lội suối với mong muốn được đổi đời.

Năm 1989, khi đứa con gái đầu lòng được 5 tuổi cũng là lúc ông Ngọc bị phát căn bệnh ung thư gan. Dù gia đình ông đã chạy chữa khắp nơi, gia tài khánh kiệt nhưng vẫn nhận được cái lắc đầu từ những bác sỹ. Trở về nhà, nằm cận kề cái chết, cái bản năng “thèm” sống cộng những kinh nghiệm trong bấy nhiêu năm đi rừng bỗng sống dậy mạnh mẽ trong ông. Ông lên cánh rừng Xương, mày mò nhận dạng từng lá, rễ cây thuốc nam mang về sắc uống.

Ông Ngọc nhớ lại: “Tui nghĩ còn nước thì còn tát, nếu mình bó gối ngồi chờ chết thì vợ con nheo nhóc không còn nơi nương tựa. Trong một lần đi tìm thuốc chữa bệnh, tui phát hiện được một loại lá cây mà đã nhiều năm trước đó dân tìm trầm kiếm mãi không ra. Như có người mách bảo, đêm hôm đó tui nằm mộng thấy nơi bụi cây thuốc ấy có hài cốt liệt sỹ, sáng hôm sau trở lại rừng Xương thăm dò thì phát hiện được một bộ hài cốt của bộ đội ta cùng dù, võng và các vật dụng khác.”

Sau khi gậy thần được cắm xuống đất, ''nghe'' được âm thanh
 là ông Ngọc xác định được hài cốt của liệt sỹ.

Mang cây thuốc về sắc uống, cứ 150 lít nước, nấu 3 ngày 3 đêm, “cô” lại còn 3 lít, sau một năm trường kiên trì uống thuốc, như phép nhiệm màu, căn bệnh ung thư của ông Ngọc được chữa khỏi. Và cũng từ đó, cái “nghiệp” tìm hài cốt liệt sỹ đã đi theo ông suốt 22 năm qua, như là cách để ông tri ân với đời.

Trong thời kỳ bao cấp khó khăn, cả gia đình ông phải chạy ăn từng bữa, ông vẫn đều đặn lên rừng tìm thuốc về chữa bệnh cho dân nghèo. Một trong những bệnh nhân được ông chữa khỏi căn bệnh ung thư gan là bà Nguyễn Thị Gái ở phường Tây Lộc (TP. Huế). Sau khi bệnh viện trả về, hơn một năm kiên trì uống thuốc của ông Ngọc căn bệnh nan y của bà đã khỏi. Nhưng rồi ông bỏ nghề thuốc, mà chuyên tâm đi tìm hài cốt liệt sỹ, ấy là do người bạn thân nhất của ông bị bệnh, trong lúc lên rừng tìm thuốc cứu bạn, ông được tin người bạn trút hơi thở cuối cùng. Cái chết của người bạn đã khiến ông day dứt mãi không thôi…

Chiếc “gậy thần”

Tìm mộ liệt sỹ nhờ chiếc “gậy thần” ảnh 3
Thẻ hội viên Câu lạc bộ Tiềm năng con người của ông Trần Công Ngọc

Ngồi trò chuyện cùng ông mới biết, ký ức gian khó của những ngày đầu vác chiếc “gậy thần” đi tìm mộ liệt sỹ thật không đơn giản chút nào. Từ những năm 1989 đến năm 1992, ông chủ yếu tìm hài cốt liệt sỹ cho bà con xóm giềng, hễ ai đến nhờ là ông gác lại việc nhà đi ngay. Để thuận lợi cho việc nghĩa của mình, ông tự tay sắm chiếc gậy (thuỗng) dài chừng 1,5m, một đầu nhọn, đầu kia chế tay cầm. Điều đặc biệt là ông có khả năng “nghe” được âm thanh từ chiếc “gậy thần” để xác định được nơi nào có hài cốt liệt sỹ.

Hơn 20 qua, chiếc “gậy đa năng” đã theo ông suốt chặng hành trình từ Bắc vào Nam, từ biển lên núi để góp phần xoa dịu nỗi đau hậu chiến. Như để trả ơn với núi rừng, với người lính đã mách bảo năm nào, tại khu vực rừng Xương, ông đã tìm được hơn 50 bộ hài cốt, liên lạc với người thân đưa về quê an táng. Ngồi giở cuốn sổ nhàu nát màu thời gian, ông tâm sự: “Gia đình bên nội của tui đều là liệt sỹ cả nên hơn ai hết tôi hiểu được nỗi đau của chiến tranh. Đời đã cho mình sống lại từ bờ vực sâu thẳm của cái chết, mình trả ơn đời âu cũng là lẽ đương nhiên.”

Ban đầu, thấy ông cứ ngày ngày lẵng lặng “vác” chiếc gậy, bao bị, hương khói lên trên các vùng chiến địa năm xưa, nhiều người bảo ông “ấm đầu”. Thậm chí còn có người ác miệng bảo ông “làm trò” để lừa thiên hạ, nhưng ông cứ mặc.

Kỷ niệm đáng nhất trong “nghiệp” tìm hài cốt liệt sỹ của ông là vào năm 2003, có người thân của Liệt sỹ Đỗ Trường Giang quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình gửi thư vào nhờ ông Ngọc tìm giúp hài cốt. Theo chỉ dẫn của bức thư, ông lên khu vực phía Bắc sông Bồ- Bãi Khe Trung, đây là vùng chiến địa năm xưa, có nhiều bộ đội ta hy sinh mặc dù phía xã đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm nhưng đến này vẫn chưa tìm được hài cốt. Xác định được vị trí, từ sáng sớm ông đã lên đường.

Bằng khen ghi nhận những đóng góp của ông Ngọc

Ông kể: “Sáng ra xách bao bị đi, tui phải “nói dối” vợ là lên phía bắc sông Bồ để mót củi. Vừa lên tới, linh tính mách bảo tui ở nơi này có rất nhiều hài cốt, vừa thọc gậy xuống, lắng tai nghe hồi lâu, tui đoán chắc đây là phần hài cốt của liệt sỹ Đỗ Trường Giang cùng một đồng chí nữ hy sinh khu vực này. Để nguyện hiện trạng, tui về báo với chính quyền và liêc lạc với người nhà liệt sỹ Giang vào để tiến hành cất bốc.” Sau khi cất bốc hài cốt có sự chứng kiến của gia đình và chính quyền xã, tờ giấy mang tên Đỗ Trường Giang được tìm thấy trong lọ Ambixilin, nhiều dù, võng cũng được phát hiện. Để trả ơn, gia đình Liệt sỹ Đỗ Trường Giang đã đề nghị được giúp ông mua xe máy, sửa lại căn nhà nhưng ông từ chối, cuối cùng ông chỉ nhận 2 lít rượu đặc sản Ninh Bình làm quà cho thỏa lòng gia chủ.

Trường hợp thứ 2 cũng là một “kỳ tích” đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm việc nghĩa của ông. Đó là lần tổ chức truy điệu cho 8 bộ hài cốt liệt sỹ tại xã Hương Vân, tình cờ ông Ngọc gặp ông Mai Phương Tuân khi đó là Chủ tịch UBND xã Hương Vinh. Như có linh tính, ông Ngọc buột miệng: “Nhà anh vừa thuê 2 thầy tìm hài cốt cho liệt sỹ Mai Phương Chạy đúng không? Họ bốc về làm hai ngôi mộ chứ làm gì có cốt trong đó. Liệt sỹ nhà anh nằm ngay cạnh hố bom, có tên tuổi đàng hoàng, hy sinh vào buổi sáng tháng 2 đúng không?”

Nghe nói trúng phốc, ông Tuân giật mình, liền hẹn ông Ngọc sáng hôm sau lên đường tìm hài cốt liệt sỹ Chạy. Trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và người nhà ông Tuân, tại khu vực Khe Trái thuộc địa phận xã Hương Bình, trong phút chốc với chiếc “gậy thần” phần hài cốt Liệt sỹ Mai Phương Chạy và Đặng Thị Bỉ (quê ở huyện Quảng Điền) đã được tìm thấy…Để thêm nhiều bộ hài cốt được cất bốc, xoa dịu nỗi đâu thời hậu chiến, ông Ngọc đã đề xuất với Ban CHQS cùng Phòng LĐTB&XH huyện Hương Trà thành lập Ban tìm kiếm (Đội 192) chuyên tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ.

Hiểm nguy không nản

Tìm mộ liệt sỹ nhờ chiếc “gậy thần” ảnh 5
Mỗi ngày, ông Ngọc nhận được hàng chục cuộc điện thoại
của những người thân nhờ đi tìm hài cốt liệt sỹ

Ngần ấy năm góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh cũng là quãng thời gian ông Ngọc phải vượt bao nhiều gian khó, hiểm nguy để mang lại niềm vui vô bờ bến cho những người có người thân đã ngã xuống vì quê hương. Ông Ngọc bảo: “Hiểm nguy thì nhiều nhưng có một lần tui nhớ nhất, giờ nhắc lại vẫn thấy sởn gai óc là đợt đi tìm hài cốt liệt sỹ ở địa đạo Rờn.” Thời gian đó là lúc mùa lũ đang đến gần, sáng ra đi trời vẫn quang, chưa đến nơi thì gặp mưa như trút nước, lũ chảy xiết. Ông cùng đoàn gồm nhiều người nằm trong Hội CCB xã, Ban CHQS huyện phải ở lại trên rừng, nhai mì tôm cầm hơi.

Chiếc áo trắng ông Mặc chỉ sau một đêm đã nhuốm đỏ máu bởi loài vắt rừng độc hại. Sau 3 ngày cầm cự, đoàn không trở về mà tiếp tục cuộc hành trình. “Mình phải đi vì ở nhà nhiều thân nhân đang mong ngóng ngày đêm. Mình làm việc nghĩa thì sẽ được ơn trên phù hộ”- ông Ngọc tâm niệm. Đến nơi, khi xác định được huyệt mộ nằm cạnh một cái hang bên khe suối, không ngần ngại ông len mình vào góc hang để dùng dao cắt dây dù, tháo túi nilon mang các hài cốt liệt sỹ ra. Chưa kịp định thần trong bóng tối, ông chới với tay chân khi phát hiện lẩn trong hài cốt là 6 con rắn hổ mang. Trong lúc cận kề cái chết, rất may, những đồng chí đi cùng ông đã ứng cứu, kịp thời mang ông ra khỏi hang…

Nói về “nghiệp” tìm hài cốt của chồng, bà Hồ Thị Diệp tâm sự: “Từ khi bắt tay vào làm việc nghĩa đến nay, việc trong nhà gần như ông không còn có thời gian mà làm, chỉ giao lại cho vợ con. Thỉnh thoảng lại có nhiều đoàn ghé lại chơi dài ngày. Thú thật ban đầu vợ chồng cũng có lời qua tiếng lại, nhưng rồi lâu dần cũng thấy việc ông làm có ý nghĩa, hàn gắn những nỗi đau của bảo số phận con người nên tôi cùng các con cũng hết sức ủng hộ…”
“Những việc làm với tinh thần thiện nguyện của ông Trần Công Ngọc góp phần xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến được ghi nhận không chỉ ở tỉnh TT- Huế mà còn trong nam ngoài bắc. Ước mong của Hội CCB cũng như ông Ngọc là làm sao thành lập Website nhằm tư vấn, hỗ trợ làm sợi dây kết nối liên lạc giữa những người có người thân là những liệt sỹ vẫn chưa tìm thấy hài cốt, góp phần mang các anh hùng liệt sỹ trở về an nghỉ ở quê nhà.”- ông Châu Văn Dũng, Chủ tịch Hội CCB xã Hương Vân.