Tìm lối thoát ùn tắc

ANTD.VN - Về giải pháp tiến tới hạn chế xe máy trong khu vực nội thành từ năm 2021 và cấm ô tô cá nhân theo giờ, dư luận đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau, song hầu như ai cũng nhận ra tính cấp thiết phải bố trí lại giao thông ở Thủ đô. Vấn đề là giải pháp ra sao, lộ trình thế nào.

Đọc kỹ đề án này của Sở GTVT Hà Nội, có thể thấy các nhóm giải pháp đưa ra rất căn cơ, bài bản, cụ thể nhằm tăng cường vận tải hành khách công cộng, tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân như ô tô con, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện; không khuyến khích xe taxi, ô tô tải, “xe ôm”.

Mục đích lộ trình đề ra chắc chắn không nằm trên giấy mà được đúc rút dần từ kinh nghiệm của Thủ đô các nước khu vực đã áp dụng hạn chế và cấm dần phương tiện giao thông cá nhân.

Tuy vậy, một số chuyên gia giao thông nhận xét, những giải pháp và mục tiêu cụ thể vạch ra cần phải phù hợp, sát thực với điều kiện của Hà Nội. Hiện Hà Nội có 550.000 ô tô, trên 20.000 taxi, hơn 5 triệu xe máy, nhưng xe buýt chưa đến 1.500 xe. Có người ví mỗi xe buýt đang phải “chiến đấu” với 360 ô tô và 3.300 xe máy để... sinh tồn. Tình trạng xe buýt “rùa bò” là vì tự mò đường đi, điểm dừng đỗ, nhà chờ và giá cả không được cải thiện...

Rõ ràng, để giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội không còn đường lùi hay bàn lùi. Hạn chế tiến tới cấm xe cá nhân chính là mở đường tiến, lối thoát cho xe buýt, nhưng phải cần nhiều chính sách như ưu tiên hạ tầng, tăng trợ giá, hợp lý hóa mạng lưới tuyến.

Có thể cấm xe máy bằng biện pháp hành chính, song phải tính người dân lao động đi lại bằng gì. Họ sẵn sàng bỏ xe cá nhân để đi lại bằng xe buýt nếu đây là phương tiện thuận tiện, văn minh, lịch sự như ở các nước khu vực.