Tìm lại nét xưa trong chợ phiên Hà Nội

ANTĐ - Không biết tự khi nào, chợ phiên Hà Nội đã tồn tại như một nét văn hóa rất riêng của người dân Thủ đô. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của đô thị, nội đô Hà Nội nay chỉ còn níu giữ được 2 phiên nơi chợ Bưởi và chợ Mơ. Song, chợ phiên nay đã khác xưa quá nhiều và đang bị mai một khi mà kẻ bán, người mua đều vắng bóng…

Tìm lại nét xưa trong chợ phiên Hà Nội ảnh 1

Hồn quê giữa phố

Chợ Bưởi xưa chỉ là những dãy lán bằng phên nứa tuềnh toàng và chỉ có 1 - 2 dãy nhà gỗ mà người mua kẻ bán ở đây quen gọi là cầu chợ. Chợ Bưởi là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Kẻ Bưởi làm ra như: dệt lĩnh Yên Thái, Bái Ân; giấy của làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã; dụng cụ sản xuất nông nghiệp của vùng Xuân La, Xuân Đỉnh… và cả những cây giống, vật nuôi của người dân vùng lân cận mang đến. Người Hà Nội xưa muốn mua bất cứ thứ gì mang tính dân dã, chỉ cần đến chợ Bưởi là sẽ tìm thấy.

Giống như chợ Bưởi, chợ Mơ cũng họp một tháng 6 phiên vào các ngày 2 và 7 nơi cuối phố Bạch Mai, cũng bán các giống hoa, cây cảnh, nhưng mặt hàng chủ yếu là động vật nuôi trong nhà như: chó, mèo, thỏ, chim, cá cảnh. Vào phiên chợ, người bán, người mua tấp nập, các giống chó, mèo quý từ nhiều nơi được mang tới đây tha hồ cho khách lựa chọn, ngắm nghía, trả giá. Điểm đặc biệt của chợ Mơ là đôi khi quyền định giá con giống thuộc về khách mua. Bởi thế, có những con giống được khách ưng có giá rất cao. 

Đến chợ phiên để cảm nhận văn hóa Việt

Người Hà Nội xưa đến chợ phiên để tìm mua những vật dụng thiết yếu cho gia đình, ngày nay, khi cuộc sống trở nên đầy đủ, tiện dụng, nhiều người tìm đến chợ phiên để cảm nhận “hồn quê” qua cái chân chất, mộc mạc và cả nụ cười hiền hậu của những người bán hàng hay được hòa mình vào không khí của phiên chợ, mà chẳng mua bán thứ gì. 

Với bà Lựu ở Phủ Tây Hồ, bà đến phiên chợ Bưởi để cảm nhận cái chất phác, thật thà của những người dân vùng thôn quê, bởi họ thường mang lên đây những cây cảnh không cấy, ghép, nối cành như nhiều cửa hàng cây cảnh khác ở trên phố. Không chỉ thế, họ hướng dẫn rất tận tình, cụ thể cách trồng và chăm sóc nên cây cảnh của họ bao giờ cũng dễ sống và dễ ra hoa hơn”. 

Cụ An ở ngõ 7 Minh Khai, ngay cạnh chợ Mơ, cùng người bạn già vẫn giữ thói quen dạo chợ từ mấy chục năm nay, cho biết:  Phiên chợ nay khác xưa nhiều lắm, không còn là phiên chợ “làng” như trong tâm thức của người Hà Nội bao đời nay. Thế nhưng, cụ vẫn thường dành trọn cả buổi sáng ở chợ, từ lúc người ta rục rịch họp chợ cho đến lúc người đi chợ về hết, rồi mới lững thững đi bộ ra về.

Nét xưa còn đến bao giờ?

Phiên chợ nay vắng bóng cả kẻ bán, người mua. Nếu như chợ Bưởi vẫn duy trì được từ 30-50 gian hàng mỗi khi đến phiên thì chợ Mơ nay không níu giữ được nhiều. Nhất là từ ngày Trung tâm thương mại và chợ Mơ truyền thống mở lại, cả người bán và người mua ít người biết đến một phiên chợ họp cạnh bên tòa Trung tâm thương mại sầm uất, bởi vậy, mỗi phiên chợ, nhiều nhất cũng chỉ được 20 gian hàng, chủ yếu là hạt giống, cây cảnh. 

Chị Loan ở thôn Bến, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên - một người bán cây cảnh cho biết: “Tôi theo phiên chợ Mơ gần 20 năm nay rồi. Phiên nào đông khách mới được 500, 1 triệu đồng, gặp những phiên vắng, có khi chỉ được 100.000-200.000 đồng. Lời lãi chẳng được bao nhiêu nhưng vẫn cố đến chợ, bởi nếu không đi sẽ bứt rứt như thiếu một cái gì đó”.

Ông Nguyễn Phúc Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ chợ Bưởi cho biết: “Hiện công ty đang nỗ lực phục dựng lại phiên chợ xưa và tìm những mặt hàng đặc trưng để khi nhắc đến, người dân Thủ đô cũng như các vùng lân cận chỉ tìm thấy ở phiên chợ Bưởi”.

Ông Nguyễn Phúc Sơn cũng cho rằng, chợ phiên còn duy trì được hay không phụ thuộc rất nhiều vào người dân, bởi nếu người dân quay lưng với các phiên chợ thì chợ phiên sớm muộn cũng bị mất đi. Ông Sơn tin rằng, chợ phiên chắc chắn sẽ tồn tại và tiếp tục phát triển như một nét “duyên thầm” của người Hà Nội.