Tìm lại chuyện tình Casablanca

ANTD.VN - Tôi thực sự hồi hộp. Lần đầu tiên tôi nghe đến Casablanca là qua một bài hát cùng tên ngọt ngào. 

Tìm lại chuyện tình Casablanca ảnh 1Một cảnh trong bộ phim kinh điển Casablanca

Năm ấy tôi 13 tuổi, tiếng Anh bập bẹ, vậy mà cũng đã mơ qua lời bài hát “Anh đã yêu em khi ta cùng nhau xem Casablanca. Băng ghế sau xe lấp lánh sáng. Coca và bỏng ngô đã trở thành champagne và cá hồi. Mình đã làm tình trong một đêm dài mùa hạ nóng bức. Anh đã ngỡ em yêu anh sau bộ phim ấy. Ánh trăng Maroc ánh lên trong đôi mắt em. Anh biết chuyện tình của mình sẽ chẳng bao giờ lên màn bạc được đâu. Nhưng nỗi đau là có thật khi anh nhìn em ra đi”. 

Lúc ấy tôi chỉ biết bài hát kể về một câu chuyện tình, còn hoàn toàn khó hiểu về ngữ cảnh. Sau mới vỡ ra rằng nhân vật chính của bản tình ca ngồi xem phim ngoài trời cùng người yêu trên một chiếc Chevrolet cũ. Và bộ phim ấy là “Casablanca”. Năm 19 tuổi tôi xem “Casablanca”. Cũng… không hiểu gì mấy, và không thấy hay, cũng vì thế mà chẳng thể nhớ nổi chi tiết nào của bộ phim. 20 năm sau, tôi xem lại nó và đồng ý với các chuyên gia điện ảnh rằng đó là một huyền thoại điện ảnh. Người Việt không biết nhiều về Maroc, còn nếu có thoáng nghe thì phần nhiều là nhờ Casablanca. Tôi cũng thế, lúc nhìn thấy hai nhân vật hôn nhau trong một quán cà phê ở thành phố cảng Bắc Phi, tôi chẳng thể nghĩ được rằng rồi sẽ có lúc tôi cũng được ngồi trong chính quán cà phê ấy. 

Lại nói về Rick’s café huyền thoại của bộ phim “Casablanca”, giờ đã trở thành một trong những địa điểm giải trí “hot” nhất đối với khách du lịch ở Casablanca. Tối ấy chúng tôi xúng xính váy áo đẹp với “âm mưu” sẽ ngồi đúng chỗ mà Ingrid Bergman và Humphrey Bogart đã mắt chạm mắt sau nhiều năm không gặp lại. Nhưng đường đến Hollywood chẳng dễ dàng như thế. Chúng tôi có bảy người, nghĩa là sẽ phải gọi ba chiếc taxi, bởi luật giao thông Maroc chỉ cho phép tối đa ba hành khách được ngồi trong xe bốn chỗ. Nhưng cuối cùng tôi ướm thử một lái xe taxi xem liệu anh ta có chở bốn người được không, chúng tôi sẽ trả thêm. Anh ta đồng ý ngay tắp lự.

Tìm lại chuyện tình Casablanca ảnh 2

Tìm lại chuyện tình Casablanca ảnh 3Rick’s café - địa điểm giải trí “hot” nhất với khách du lịch ở Casablanca

Quãng đường từ khách sạn Atlas Almohades đến Rick’s café ở số 248 đường Sour Jdid không xa lắm và các lái xe đòi 30 Dirham một xe. Tôi trả anh ta hẳn 40 Dirham để… vi phạm luật giao thông. Xe chuẩn bị lăn bánh thì một gã tài xế taxi khác ra khỏi xe và tức giận trao đổi gì đó với tài xế của tôi. Lập tức anh tài tốt bụng thở dài bảo chúng tôi nên gọi thêm một xe khác bởi taxi ở đây chỉ được chở ba người, nếu anh ta vi phạm luật giao thông thì lập tức gã tài xế rình rập kia sẽ gọi cảnh sát.

Cần phải nói thêm rằng Luật Giao thông của Maroc nghiêm đến nỗi suốt một tuần ở đây, chúng tôi luôn bị lẻ người nên thường xuyên gạ gẫm các tài xế chở bốn người một xe mà lần nào cũng bị từ chối dù có được trả tiền thêm gấp đôi. Tôi không hiểu nông nỗi sao lại thế vì chiếc xe hơi được chế tạo cho bốn chỗ ngồi, và nếu thêm một người thì cũng chẳng nguy hiểm gì, nhưng Luật Giao thông của họ  quy định như vậy và những lái xe chấp hành tuyệt đối. Tôi bảo thôi cứ chạy đi, tôi sẽ trả thêm 10 Dirham nữa là 50 Dirham, gần gấp đôi rồi nhé. Anh ta tiếc rẻ bảo thôi được rồi và lại chuẩn bị cho xe lăn bánh, nhưng gã tài xế đáng ghét kia không chịu. Hắn chặn xe lại và rút điện thoại ra khỏi tay, chuẩn bị báo cảnh sát. Rõ rồi, nếu anh tài của tôi đồng ý chở bốn thì có nghĩa là một tài khác sẽ mất một cuốc xe. Điều đó thật không công bằng và anh ta vin vào luật để buộc chúng tôi phải đi xe của anh ta.

- Thôi không được rồi. Tôi cũng muốn lắm nhưng các cô xem đấy. Gã kia cứ chực báo cảnh sát và tôi sẽ phải nộp phạt ốm. 

- Tôi trả anh 60 Dirham. 

Chúng tôi không thể nào tách nhau ra được. Nếu theo kế hoạch ban đầu thì hai xe sẽ chở hai vợ chồng và một xe chở ba phụ nữ, vậy là tương đối an toàn. Hai cô bạn học của tôi đã lên xe cùng với một anh chồng và chiếc xe đó chạy mất rồi. Giờ chúng tôi chuyển sang xe khác sẽ chỉ có hai phụ nữ đi trên một chiếc taxi vào lúc tối trời, thực vô cùng nguy hiểm. Gã tài xế khổ sở đấu tranh tư tưởng giữa lòng tham và nỗi sợ hãi bị tố giác. 

 - Thôi không được đâu… - Anh ta nói yếu ớt.

- 70 Dirham, anh chạy ngay đi.

Gã tài phát sốt cả lên.

- 80 Dirham. 

Nhưng rồi cuối cùng thái độ hung hăng của gã tài xế bên ngoài xe khiến chính chúng tôi nổi điên lên. Thôi đi ra. Không đi xe nào nữa hết. Giờ tha hồ gọi cảnh sát nhé. Chúng tôi bỏ mặc hai gã tài mặt ngắn tũn lại nhìn nhau với ánh mắt trách móc. Chúng tôi đi bộ ra góc phố vẫy taxi khác, nhưng không tài nào đàm phán được vụ bốn người một xe bởi cứ xe này đỗ thì có xe sau cũng đỗ theo bởi ăn chắc chúng tôi phải gọi hai xe. Xe nào cũng… chực gọi cảnh sát. Mãi sau có một xe giả vờ bỏ đi để xe sau đi khuất rồi mới… cài số lùi. Chúng tôi đến nơi trót lọt với 60 Dirham, giá gấp đôi bình thường. Từ lúc gọi xe đến lúc được ngồi vào quầy bar là ngót tiếng rưỡi. 

Thôi thì cũng đã đến được Rick’s café. Nó đây, thứ mà tôi đã nhìn thấy trên màn bạc 20 năm về trước. Bề ngoài nó vẫn hệt trên phim, với một con phố nhỏ nằm ngay bên cạnh, tạo thành một ngã ba vắng vẻ cho những chiếc ô tô cổ đậu lại. Giờ thì hiếm khi có ô tô nằm cửa quán vì hầu hết là khách du lịch, những người đều sử dụng taxi giống như tôi. Rick’s café không phải là trường quay nguyên bản.

Phim làm từ năm 1942 và Rick’s café được dựng cảnh ở Hollywood chắc cũng đã bị xóa sổ từ lâu nhưng một nhà ngoại giao Mỹ ở Maroc đã nảy ra ý tưởng sẽ phục dựng lại quán cà phê này ở đúng thành phố quê hương của nó. Cũng như chàng Rick lãng tử đến từ nước Mỹ, năm 2004, tay chủ quán người Mỹ này đã khéo léo thuê lại một căn biệt thự có lan can trong nhà theo kiểu Riad Maroc và cho trang trí lại toàn bộ nội thất sao cho giống hệt cảnh phim với những ô vòm thông giữa các gian, ban công, quầy bar, những chiếc đèn bàn, cây đàn piano và một nghệ sĩ luôn chơi bản “As time goes by” vài lượt mỗi tối. Chỉ khác là Sam, anh chàng nhạc công da đen trong phim chẳng bao giờ dám chơi bản “Khi thời gian trôi” vì không muốn khía sâu vào nỗi đau của ông chủ, còn giờ thì chẳng có Rick thất tình và bị bỏ rơi nào ở đây cả, chỉ có thực khách đủ màu da đang hau háu được đắm mình trong không khí rất xi nê ấy.

Chúng tôi được sắp xếp ngồi xung quanh chiếc bàn casino “ngày xưa” từng phục vụ cho việc đánh bạc. Những tên trùm mật vụ của Pháp và Đức, những kẻ lưu vong khư khư tấm hộ chiếu chờ một cơ hội trung chuyển đến Lisbon để rồi từ đó lên đường sang Mỹ, những cô gái làng chơi sành điệu… đều đã ngồi ở cái bàn đánh bạc này. Giờ thì trên tường treo đầy ảnh của Ingrid Bergman và Humphrey Bogart, người đàn ông sinh ra từ thế kỷ… 19. Chiếc tivi góc phòng vẫn liên tục chiếu những hình ảnh đen trắng từ bộ phim. Cả hai tầng kín đặc thực khách. Một Riad điển hình của người Maroc luôn có lan can chạy vòng bốn mặt trong nhà tạo thành một giếng trời, cho dù họ xây kín trần. Cái không khí thuộc địa Phi châu bỗng trỗi về, và xống áo diêm dúa của những quý bà đủ màu da, những tiếng leng leng chạm cốc và cả ánh đèn vàng lấp lánh lên những đồ thủy tinh xa xỉ càng bổ sung một cách hoàn hảo cho bức tranh hồi cố ấy, dù tôi mới chỉ trải qua cảm thức này trên màn bạc. Chúng tôi đặt vài ly cocktail. Tôi gọi một Bloody Mary và nhận ra rằng ngoài ly cocktail mặn như chườm muối của tôi thì mọi thứ ở Rick’s café đều hoàn hảo.

Dù đã thành người thiên cổ cả rồi và ngoài đời thật luôn nảy sinh cãi cọ trong suốt quá trình quay phim, Ingrid Bergman và Humphrey Bogart vẫn là một trong những cặp đôi huyền thoại nhất của màn bạc. “Casablanca” nổi tiếng là bộ phim có nhiều câu thoại hay. Thậm chí người hâm mộ nhặt ra được tận 50 câu hay nhất. Nhưng có lẽ câu thoại đốn tim công chúng nhiều nhất là khi Ilsa Lund hốt hoảng hỏi Rick trước khi rời khỏi chàng vĩnh viễn: “Còn chúng ta thì sao, Rick?” - “Chúng ta luôn có Paris”. Còn ngoài đời, khi gặp lại nhau nhiều năm sau đó, Bogart hỏi Bergman một cách xúc xiểm “Cô đã từng là một ngôi sao lớn nhỉ. Thế còn bây giờ cô là gì?” - “Một người đàn bà hạnh phúc”. Ừ thì đời thực và màn bạc thường khác nhau như thế. Cũng như “Casablanca” trong trí tưởng tượng của tôi không hề có cảnh tài xế taxi bỏ xe quay lơ giữa đường để hằm hè nhau chỉ vì vài chục Dirham. 

Ilsa và Rick luôn có Paris trong tim, mặc định một nỗi đau ngọt ngào của những người may mắn có được tình yêu lớn trong đời. Còn tôi mang lên máy bay một Casablanca sống động hơn bên bờ Đại Tây Dương xanh ngắt và lặng sóng, cả ly Bloody Mary đỏ như máu trong quán của Rick nữa, dù vị của nó chẳng ngon tí nào.