- Hà Nội: Gần 59.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong 9 tháng
- Đề xuất người có hợp đồng lao động từ 1 tháng cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Cứ 10 thanh niên thì có 1 người thất nghiệp
Theo báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê, người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,05 triệu người, giảm 22,2 nghìn người so với quý trước và giảm 24,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3%. Cũng theo Tổng cục Thống kê, so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) giảm, song tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo lại tăng.
Tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là ở nhóm tuổi từ 15 - 24 tuổi vẫn đang là thách thức đối với thị trường lao động |
Báo cáo “Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên năm 2024” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên toàn cầu năm 2023 là 13%, dự kiến sẽ giảm xuống mức 12,8% trong năm 2024 và 2025. Tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 - 24 tuổi trong quý III năm nay ở mức 7,75%, thấp hơn so với mức trung bình của toàn cầu, nhưng vẫn duy trì mức cao. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này giảm tương ứng là 0,26 điểm phần trăm và 0,11 điểm phần trăm.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 8,33%, cao hơn 0,89 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. So với quý trước, tỷ lệ này tăng ở khu vực nông thôn (tăng 0,58 điểm phần trăm) và giảm ở khu vực thành thị (giảm 1,86 điểm phần trăm). Bên cạnh đó, trong quý III, cả nước vẫn có khoảng 1,4 triệu thanh niên từ 15 - 24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 10,7% tổng số thanh niên), tăng 75,3 nghìn người so với quý trước và giảm 156,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, quý III thường là giai đoạn mà tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo tăng lên, do đây là thời điểm nhiều thanh niên vừa tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp, đang trong quá trình chuyển đổi từ môi trường giáo dục sang thị trường lao động. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị là 12,5% so với 7,9%, và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên là 12,2% so với 9,4%.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là ở nhóm tuổi từ 15 - 24 tuổi vẫn đang là thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam. Kết quả một báo cáo của Bộ này cũng chỉ ra rằng, bình quân cứ 10 thanh niên thì có 1 thanh niên bị thất nghiệp. Lao động trẻ cũng có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những nhóm khác.
Người lao động trẻ thường phải cạnh tranh với những ứng viên có kinh nghiệm và kỹ năng sẵn có |
Tăng cạnh tranh trên thị trường lao động
Lý giải nguyên nhân tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ vẫn ở ngưỡng cao, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, nguyên nhân do kinh tế thế giới tăng chậm lại, tác động của các yếu tố bất ổn khiến sản xuất, kinh doanh khó khăn. Nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên nhân lực có nhiều kinh nghiệm, có thể đảm nhận nhiều công việc để tiết kiệm chi phí. Do đó, lao động trẻ khó khăn trong thích ứng, rơi vào tinh giản. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo diễn ra nhanh khiến nhiều công việc thay thế bởi máy móc và công nghệ tạo nên dẫn đến thiếu việc làm trong thanh niên. Ngoài ra, một bộ phận lao động trẻ ưu tiên tìm việc ổn định, lâu dài, từ chối và nhảy việc ngắn hạn, thu nhập tốt hơn dẫn đến thất nghiệp tạm thời...
Còn theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, có nhiều lý do khiến lao động trẻ có thể gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường lao động hiện nay. Đơn cử như thiếu kinh nghiệm. Đa số lao động trẻ mới ra trường thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế trong ngành hoặc vị trí mà họ quan tâm. Trong khi các nhà tuyển dụng thường ưa chuộng ứng viên có kinh nghiệm làm việc và có thể coi lao động trẻ là rủi ro. Tại Hà Nội, có đến 50% số vị trí việc làm trống trong tháng 7 yêu cầu người lao động có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên.
Bên cạnh đó, lao động trẻ cũng chịu cạnh tranh từ người lao động có kinh nghiệm. Trong một thị trường lao động có sự cạnh tranh cao, người lao động trẻ thường phải cạnh tranh với những ứng viên có kinh nghiệm và kỹ năng sẵn có. Theo số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, có 88,25% ứng viên tìm việc nằm trong độ tuổi từ 25 trở lên. Khó khăn nữa là các doanh nghiệp yêu cầu cao về bằng cấp và chứng chỉ. Một số vị trí việc làm yêu cầu các bằng cấp hoặc chứng chỉ cụ thể, và việc này có thể là một rào cản cho lao động trẻ mới ra trường, hoặc không có điều kiện học hành. Ngoài ra, một số ngành nghề yêu cầu các kỹ năng đặc biệt mà lao động trẻ có thể chưa có, chẳng hạn như kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng lãnh đạo, hoặc kỹ năng quản lý. Đây là những kỹ năng quan trọng cần đúc kết qua quá trình làm việc kéo dài.
Chú trọng đào tạo, tăng cường kết nối
Theo đánh giá của các chuyên gia chính sách, Việt Nam đang có lợi thế với lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ, nhưng chất lượng nhân lực còn đối mặt với nhiều vấn đề. Đó là sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, lao động thiếu năng động, sáng tạo, tác phong chuyên nghiệp.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận, thực tế thị trường lao động hiện nay về cung cầu thì cơ bản ổn định, song về chất lượng vẫn còn những vấn đề cần khắc phục. Tại một số địa phương khi thu hút đầu tư lớn xảy ra tình trạng, nguồn cung lao động mất cân đối do cung ứng không kịp, đặc biệt là thiếu lao động qua đào tạo. Theo các chuyên gia, để tận dụng lợi thế của lực lượng lao động trẻ, cần phải giải quyết vấn đề khoảng cách giữa kỹ năng và nhu cầu của thị trường lao động. Do đó, gỡ nút thắt về vấn đề việc làm cho lao động trẻ thì lời giải nằm ở chất lượng nguồn nhân lực. Những người trẻ cần được học và đào tào kỹ lưỡng, bài bản để họ trở thành lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, về mặt thể chế, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, cần hoàn thiện chính sách pháp luật lao động việc làm, tập trung đào tạo phát triển kỹ năng cho thanh niên theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp do thanh niên điều hành, khởi nghiệp; thúc đẩy sáng tạo, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên. Tiếp nữa là chính sách cho thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng quản lý. Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi thuế suất, lãi suất để tạo điều kiện cho thanh niên, nhất là trong đào tạo nghề nghiệp.
Người đứng đầu ngành lao động cũng cho rằng cần đẩy mạnh hướng nghiệp đào tạo. Triển khai chế độ, chính sách hỗ trợ lao động trẻ, thiếu việc làm, trong đó bao gồm xây dựng và phát triển chính sách, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ vay giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp để thích ứng vấn đề này.