Tìm đâu "bến yêu"?

ANTĐ - Nhiều cặp đôi coi khu công viên ven hồ Tây và trước sân Mỹ Đình ở Hà Nội, bến Bạch Đằng ở TP HCM như một bến yêu. Song đến đó, họ chẳng có được phút giây bình yên vì luôn bị cánh hàng nước, bán vé số hay ăn xin đeo bám.

Hơn 6 giờ chiều, gió từ ven bờ hồ Tây thổi mát lồng lộng. Giới trẻ Hà Nội lâu nay vẫn gọi đây là bến yêu Hàn Quốc vì cảnh đẹp như trong phim Hàn. Không biết từ lúc nào khu vực này trở thành một địa điểm lý tưởng cho những đôi thanh niên đang yêu nhau cần tìm nơi tâm sự.

Ôm nhau đứng mỏi chân dùng ghế đá trống

Chiều càng muộn càng nhiều cặp tình nhân chở nhau trên xe máy rẽ vào con đường ven hồ. Minh Cường, chàng sinh viên năm ba trường Đại học Công Đoàn và bạn gái là Hiền cũng vừa đỗ xịch xe xuống. Nhìn thấy chiếc ghế đá công cộng có hai vỏ chai nước ngọt trống rỗng, Hiền vơ vội định ném vào sọt rác để lấy chỗ ngồi. Bỗng cô giật bắn mình vì tiếng quát lớn: “Không phải chỗ bỏ hoang đâu mà tự nhiên thế!”.

Ngoảnh lại, Hiền thấy một phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi, vẻ mặt đậm chất chợ búa đang tiến lại. Câu nói của chị ta khiến đôi trai gái ngơ ngác nhìn quanh rồi đứng phắt dậy, bật lên, sợ sệt. Chưa ai kịp nói gì, chị ta đã hất hàm: “Hai em uống ước dừa, sấu hay trà đá để chị lấy?”.

Đôi bạn trẻ từ chối, chị hàng nước thẳng thừng: “Không uống thì trả ghế để tôi còn bán hàng”. “Ghế công viên mà?”, Cường thắc mắc. “Nhưng tôi phải lau chùi và giữ mới còn chỗ thế này chứ”, vừa nói chị hàng nước vừa cầm giẻ lau phe phẩy như muốn đuổi khéo.

Ngượng với bạn gái, chàng trai đành tặc lưỡi: “Thôi, cho em một quả dừa”. Rất nhanh, quả dừa được đem đến đặt lên ghế đá như xác định quyền sở hữu chốn yêu của hai người.

“Cho xin 30 nghìn”, chị bán hàng đòi tiền. Cả hai cùng bất ngờ về mức giá cắt cổ. Chị hàng nước khẽ cười: “Giờ luật ở công viên nào chả thế”.

Bây giờ Hiền đã hiểu lý do nhiều đôi trai gái phải ngồi bám víu nhau trên xe máy tâm sự trong khi ghế đá công cộng lại bị bỏ trống.

Chuyện muốn tâm sự phải trả tiền không chỉ diễn ra ở hồ Tây. Hơn 8 giờ tối, tại khu vực khuôn viên trước sân vận động Mỹ Đình, cảnh tượng cũng tấp nập không kém, chỉ khác là ở đây không có ghế đá mà những chiếc chiếu được trải sẵn trên thảm cỏ.

 Chai nước trên ghế đá để "xí chỗ". Và ai muốn ngồi vào những chiếc ghế công cộng này phải bỏ tiền mua nước hoặc đồ ăn của những người bán hàng rong. Ảnh: VNE

Một đôi trai gái vừa tấp xe vào cạnh quán nước, người phụ nữ trạc ngoài 50 tuổi đã đon đả: “Vào chiếu ngồi cho mát em ơi”. Cô gái tỏ ra thận trọng: “Trà xanh bao nhiêu? Xoài, củ đậu, hạt hướng dương bán thế nào?”. “Giá chung rồi, lo gì”, bà ta đưa ánh mắt khó chịu nhìn khách và nói tiếp: “Xoài thì ba mươi nghìn/đĩa, củ đậu hai mươi nghìn/đĩa”.

 

Những chiếc ghế vắng người nhưng "đã có chủ" này nằm trên toàn bộ tuyến đường Thanh Niên. Ảnh: VNE

Bất chợt khu vực gần đấy vang lên tiếng tranh cãi. Một chị bán hàng đứng tuổi, mặc quần đùi, áo hai dây gắt gỏng: “Có 30 nghìn mà ngồi nát chiếu còn kêu đắt. Tiền chiếu 30 nghìn, quả dừa và nước sấu 50 nghìn, trà chanh 10 nghìn tổng cộng là 90 nghìn. Dẫn gái đi tâm sự mà cũng ki bo”. Chàng thanh niên lớn tiếng nạt lại, cô gái đứng bên cạnh thút thít khóc, bao nhiêu lãng mạn bỗng tan biến.

Nắm bắt trước nhu cầu cần nơi tâm sự của nhiều thanh niên Hà Nội, nhiều người đã kinh doanh trắng trợn, tự cho mình cái quyền cai quản ghế đá, bãi cỏ công viên. Đôi tình nhân nào phản đối thì chịu cảnh nhịn ôm, hôn, nhịn tâm sự. Xen vào cái mộng mơ của tình yêu, âm thanh của phố phường sôi động là một nốt ngân dài làm buồn lòng người yêu Hà Nội bởi cảnh chộp giật mưu sinh trên sự lãng mạn đó.

 

Khi thấy khách ngồi, người bán hàng đon đả đứng dậy dọn vỏ dừa, ghế nhựa để nhường chỗ. Ảnh: VNE

Không chỉ riêng giới trẻ Hà Nội than phiền về chốn tâm sự, các cặp tình nhân TP HCM cũng khổ không kém. Bấy lâu nay bến Bạch Đằng được xem là chốn tâm tình của các cặp đôi yêu nhau. Thế nhưng hiện nay, muốn được yên thân để tâm sự không phải dễ.

Trong vai một cặp tình nhân, tôi và anh bạn đồng nghiệp chạy xe đến bến Bạch Đằng để tìm chỗ tâm tình. Vừa dừng xe lại một khoảng trống giữa hai cặp tình nhân khác, tôi giật mình vì có ai đó khều tay. Quay lại nhìn thì ra là chị bán nước. Chị bảo “Mua chai nước thấm giọng hay thanh kẹo cao su thơm miệng rồi tâm sự tới khuya luôn em”. Anh bạn tôi lắc đầu từ chối và bảo: “Em có kẹo cao su rồi chị ạ, ngồi tý là bọn em về thôi”. Chị nhăn mặt quay đi, nói nhanh: “Thằng kia dẫn bạn gái đi chơi mà cũng keo kiệt. Đã thế có bị làm phiền đừng than nhé”. Lúc đó chúng tôi chưa hiểu hết những gì chị nói, chỉ thấy chị đi về hướng mấy nhóm bán hàng rong đang tụ tập.

Không lâu sau, hết trẻ bán kẹo đến vé số, bánh trái liên tục đến khều tay, nài nỉ chúng tôi. Tuyệt nhiên chúng không mời những đôi bên cạnh. Tôi và anh bạn đồng nghiệp không thể có được một phút riêng tư. Lát sau, khi một cậu bé bán vé số vừa quay lưng đi, bạn nữ ngồi kế bên thấy thương tình cho chúng tôi, quay sang nói: “Chắc anh chị mới đến đây lần đầu. Muốn được yên thân anh chị phải mua chai nước, cái bánh của họ mới được”.

Quả nhiên sau khi chúng tôi gọi người phụ nữ lúc đầu lại mua hai chai nước suối, không còn ai đến làm phiền nữa.

Không chỉ riêng bến Bạch Đằng, tại công viên Cây xanh hay công viên 23 – 9 cũng có cảnh chộp giật, ép mua hàng để được yên thân tâm tình cùng người yêu. Khu vực cầu Ánh Sao cũng được xem là thiên đường của những cặp đôi yêu nhau cũng trở nên xô bồ bởi đội ngũ bán hàng rong. Những nhóm người này tụ tập thành một liên minh và sẵn sàng quấy rối bầu không khí riêng tư lãng mạn của bất cứ cặp đôi nào không chịu mua hàng của họ.

Thêm bến yêu bình yên

Trước đây, các cặp đôi tại các thành phố lớn vẫn thường xuyên than phiền về việc họ thiếu thốn chốn tâm tình. Ở công viên bị mọi người xung quanh dòm ngó, không thể ôm hôn thoải mái. Về nhà lại ngại các bậc cha mẹ nhắc nhở. Đi quán cà phê lại không phải là giải pháp tốt với các cặp ít tiền. Sau những than vãn đó, đâu vẫn hoàn đấy, họ vẫn không thể tìm thấy chốn tâm tình. Đặc biệt trong tình trạng giá cả đắt đỏ, lạm phát hiện nay, chốn tâm tình càng trở nên đắt giá và trở thành phương tiện kinh doanh của nhiều đối tượng. Bạn Ngọc Anh, công nhân dệt chia sẻ: “Lương công nhân ba cọc ba đồng làm sao dám vào quán cà phê. Phần lớn bọn em đều ra công viên. Thế nhưng công viên bây giờ cũng bị chiếm dụng”.

Phó giáo sư – Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, Viện khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: “Các ghế đá trong công viên, khu vực vui chơi giải trí bị chiếm dụng thành nơi bán hàng rong làm người dân rất bức xúc. Nó vừa làm mất mỹ quan văn minh đô thị, vừa cản trở sinh hoạt vui chơi, giải trí của dân chúng. Ngoài ra còn tạo nên môi trường lộn xộn, mất ổn định như gây rối hoặc trộm cắp. Đơn cử, khi những đôi nam thanh nữ tú vào khuôn viên để tìm một góc riêng tư lại bị các đối tượng bán hàng rong chèo kéo, mồi chài, mặc cả, cưỡng ép mua hàng với giá cao hơn. Đây là hành vi phản văn minh và vô đạo đức”.
Thiết nghĩ, một đô thị hiện đại không thể tồn tại những hình ảnh như thế. Cần lắm việc lành mạnh hóa, trong sạch hóa không gian xã hội để cùng hướng đến đời sống văn hóa tiêu dùng lành mạnh, văn minh hơn