Tìm công lý cho nữ phóng viên nổi tiếng bị cài bom sát hại

ANTD.VN - Một năm trước, Daphne Caruana Galizia đã viết, 5 vụ đánh bom xe kể từ đầu năm 2016 là kết cục thảm thương cho những người Malta giao dịch với nhóm phiến quân buôn lậu dầu ở Libya. Nhưng hôm 16-10, không ngờ nữ nhà báo, blogger nổi tiếng này đã trở thành nạn nhân tương tự khi một quả bom gài trong xe phát nổ gần nhà bà ở Bidnija, Malta. 

Nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia bị sát hại trong vụ đánh bom xe

Nắm giữ một chuyên mục bình luận trên tờ báo địa phương lâu năm, bà Daphne Caruana Galizia, (53 tuổi) được biết đến bởi những phóng sự điều tra và trang blog cá nhân liên tục đưa tin về mặt tối của Malta. 

Cây bút điều tra sắc sảo

Trên blog cá nhân của mình, bà Galizia đã đăng tải nhiều bài viết lật tẩy sự dính líu của giới lãnh đạo Malta với hồ sơ Panama, gồm 11,5 triệu tài liệu rò rỉ từ Hãng luật Panama Mossack Fonseca liên quan đến mạng lưới trốn thuế trên thế giới.

Gần đây nhất, câu chuyện thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận mà bà Caruana Galizia phanh phui liên quan đến nạn kinh doanh hộ chiếu Malta. Theo bài viết của bà đăng trên Báo Malta Independent hồi tháng 8-2017, người nước ngoài, thường là người Nga chỉ cần thuê một căn hộ khiêm tốn với giá dưới 1.000 USD/tháng là có thể mang quốc tịch Malta. 

Nữ nhà báo cho rằng, số tiền thu được từ việc bán các hộ chiếu này, mỗi suất khoảng 30.000 euro chảy vào túi một số quan chức Chính phủ Malta. Trang Dailybeast cho biết, điều đó có nghĩa là tầng lớp lao động trên quốc đảo này hoặc bị đuổi ra khỏi nhà, hoặc không tìm được nhà ở với giá vừa phải bởi hầu hết các căn hộ cho thuê đều dành cho những người Nga muốn có hộ chiếu châu Âu.

Sau cái chết của nhà báo Daphne Caruana Galizia, một cuộc điều tra quốc tế được thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia Mỹ, Hà Lan, cơ quan thực thi luật pháp châu Âu Europol. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani hôm 24-10 cho biết, tên của nữ phóng viên này sẽ được đặt cho phòng báo chí của Nghị viện châu Âu.

Trước đó, vụ việc chấn động khác cũng bị nữ blogger đưa ra ánh sáng đó là nạn buôn lậu dầu giữa Malta và phiến quân ở Libya. Ngay sau cái chết của Caruana Galizia, lực lượng chống mafia của Italia đã bắt giữ 9 người liên quan đến mạng lưới buôn lậu nhiên liệu diesel đánh cắp từ Libya qua Malta và Sicily vào châu Âu, trong đó có 2 người Malta.

Carmelo Zuccaro, công tố viên hàng đầu ở Sicily cho rằng, không loại trừ thủ phạm sát hại bà Caruana Galizia nằm trong số đối tượng từng bị nữ nhà báo cáo buộc tham gia đường dây buôn lậu này. 

Không thể “bịt miệng” tinh thần của nữ nhà báo

Việc nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia bị sát hại bằng bom ngày 16-10 khiến nhiều người dân Malta phẫn nộ. Ngày 17-10, tại Thủ đô Vallette, hàng trăm người đã tập trung biểu tình kêu gọi công lý cho nữ nhà báo 53 tuổi này. Tất cả 7 tờ báo lớn tại Malta đều in trang nhất màu đen để tang nữ nhà báo dũng cảm Daphne Caruana Galizia, trên nền màu đen là dòng chữ in đậm: “Ngòi bút khuất phục sợ hãi”. Theo AP, ngày 22-10, hàng nghìn người dân Malta đã cùng tham gia cuộc tuần hành tưởng nhớ nữ nhà báo điều tra Daphne Caruana Galizia.

Chính quyền Malta đã treo thưởng 1 triệu euro cho thông tin về thủ phạm gây ra vụ việc. Cảnh sát Malta không loại trừ khả năng thủ phạm là người địa phương. Tuy nhiên, việc điều tra rất phức tạp bởi Caruana Galizia có rất nhiều kẻ thù, chưa kể tòa án hiện đang thụ lý 40 vụ kiện liên quan đến những người muốn ngòi bút của bà phải im lặng.

Những dòng viết cuối cùng của Daphne Caruana Galizia trên blog của bà được xuất bản khoảng nửa tiếng trước khi bà gặp nạn và dường như nữ nhà báo này linh cảm được điều xấu sắp xảy ra: “Kẻ gian xuất hiện ở khắp nơi. Tình hình thật vô vọng”. Những cụm từ ấy đã được in lên những chiếc áo phông và áp phích tại lễ tưởng niệm Caruana Galizia.

Kẻ ác muốn bà im lặng nhưng rõ ràng, lời nói của bà vẫn tiếp tục được vang lên và lan truyền sâu rộng hơn. “Những kẻ sát nhân đã quyết định bịt miệng bà ấy, nhưng họ sẽ không thể “bịt miệng” tinh thần của bà ấy, cũng như không thể bịt miệng chúng tôi”, ông Christophe Deloire, nhà báo Pháp thuộc Tổ chức Phóng viên không biên giới nói.