Tìm con chữ trên… "cổng trời"

ANTĐ - Giữa đại ngàn rừng mênh mông, hàng ngày để đến được lớp học thì các em học sinh phải lội qua khe, băng qua nhiều con đường rừng, gặp mưa gió nhiều khi các em phải ở lại trường  bám lớp học lấy cái chữ... Các điểm trường lẻ dân tộc bán trú dân nuôi (xã Bảo Thắng, huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An) là một trong những điểm trường cách trở xa xôi và khó khăn nhất của ngành giáo dục Nghệ An nói riêng và của cả nước.

Các học sinh ở bán trú phải tự lập từ rất sớm. Bữa ăn chỉ có nồi canh rừng

Trèo đèo, lội suối

Từ thành phố Vinh chúng tôi vượt quãng đường gần 350 km với gần một ngày trời ròng rã bằng xe máy, đặt chân tới xã Bảo Thắng nơi được ví như là "cổng trời" ở miền tây xứ Nghệ.  Nằm cách trung tâm huyện vùng núi cao Kỳ Sơn (Nghệ An) hơn 50 km là nơi tập trung chủ yếu đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống.

Từ bao đời nay, người dân ở các bản phải đi bộ hàng chục km đường rừng lội qua các con suối lạnh lẽo hung dữ mới ra được trung tâm xã. Hầu hết các hộ dân nơi đây đều thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, chính vì vậy việc học hành của con em trong bản làng cũng trở nên gian nan, vất vả. Xã có trường chính nằm ở trung tâm xã nhưng chưa có phòng học kiên cố, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Ngoài ra còn 4 điểm trường lẻ được đặt rải rác trong các bản là Thà Lạng, Sa Va, Cha Ca 1, Cha Ca 2, điểm trường lẻ gần nhất cũng cách trường chính hơn chục cây số.

Từ trung tâm xã Bảo Thắng để đến được các điểm trường lẻ ở các bản thì các giáo viên " cắm bản" phải đánh vật mất cả ngày trời với con đường trèo đèo lội suối hoặc bằng xuồng lá tre rất nguy hiểm. Họ chỉ có một cánh duy nhất là đi bộ. Thương học sinh, muốn học sinh tới trường học được cái chữ nên thầy cô giáo ở các trường phải vào tận từng hộ gia đình trong bản để vận động phụ huynh con em hiểu được tầm quan trọng của việc học chữ, rồi các thầy cô giáo cũng tự nguyện mỗi sáng mai, chiều tối thường phân công nhau ra bờ suối để cõng các em học sinh lội qua suối, dẫn các em vượt rừng tới trường. Cái lo nhất với các thầy cô giáo nơi đây chính là vào mùa mưa, nước lũ nước khe suối dâng cao gây nguy hiểm đe dọa tính mạng cho các em. 

Các em học sinh trong các lớp học tuềnh toàng tại các điểm trường lẻ ở xã Bảo Thắng

Lớp học "2 trong 1"

Trường tiểu học Thà Lạng (xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn) có 1 dãy nhà  gỗ lợp tôn và 1 dãy nhà tranh tre với 5 phòng học của 55 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Lớp học lụp xụp tuềnh toàng trên lợp tranh và ngói cũ, dưới là phên nứa, những tấm gỗ được đóng tạm bợ xiêu vẹo, hở hốc tạo nên những cơn gió rít lạnh thấu. Cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có đủ phòng học nên 2 lớp phải chung một phòng với 2 cái bảng đen đóng bằng gỗ dựng tựa vào hai đầu lớp học. Thiếu lớp đi đôi với thiếu giáo viên nên điều đó đồng nghĩa với mỗi giáo viên ở đây cũng kiêm dạy luôn hai lớp, khi thầy giảng bài ở lớp bên này thì lớp ngồi quay lưng bên kia cũng nghe vanh vách. Đó cũng là lý do vì sao các thầy cô giáo và học sinh nơi đây đã quen với tên gọi " lớp học 2 trong 1" là vì lẽ đó. Tuy gọi là lớp học nhưng thực chất mỗi lớp ở đây chỉ khoảng 5 -10 em học sinh và mỗi giáo viên trung bình cũng chỉ dạy tầm 5 -7 em học sinh. 

Hình ảnh những em học sinh co ro trên bàn học với những manh áo "thừa khuyết mà thiếu cúc", những đôi chân trần không dép chai sạm, đen đuốc, nứt nẻ có lẽ là hình ảnh chân thực nhất về cái đói, cái nghèo, cái thiếu thốn vô vàn của cuộc sống nơi đây. Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hải - Trường dân dộc bán trú xã Bảo Thắng cho biết: " Hiện cơ sở vật chất vẫn còn tồi tàn. Vì mái lợp chưa đến nơi nên nhiều khi trời mưa trong lớp cũng như ngoài sân. Mong muốn các cấp các ngành quan tâm hơn trong xây dựng cơ sở vật chất, nhất là xây cầu cho bản nữa...".

Đây chỉ là một trong số rất nhiều điểm trường lẻ trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang gặp khó khăn về điều kiện dạy và học. Vì thế việc miệt mài cõng những con chữ lên non lại khiến các thầy cô giáo gian nan gấp bội.

Vượt khó

Với các em học sinh để có được con chữ, các em phải vất vả đánh đổi nguy hiểm của bản thân khi băng qua rừng núi khe suối. Nhiều em nhà xa trường quá phải cùng phụ huynh gùi gạo mang củi, gói quần áo sách vở để ở trọ tại các trung tâm.  Nhìn bữa cơm đạm bạc cơm trắng với rau rừng của các em mà các thầy cô giáo cũng không khỏi xót xa. Thương cảnh trò nghèo đi theo con chữ nên các thầy cô giáo đã cùng nhau góp gạo, hỗ trợ những tấm áo, manh quần lành lặn chia cho các em để các em yên tâm ở lại trường học mỗi khi bước vào mùa giáp hạt thiếu đói hay khi mùa đông về. Các thầy cô giáo cũng kêu gọi người hảo tâm ở những nơi khác chia sẻ khó khăn với các em.

Từ năm học 2010- 2011, được sự hỗ trợ của Tổng Công ty Xây dựng Việt Nam. Nhà bán trú của trường đã được được xây dựng và đưa vào sử dụng với 8 phòng, mỗi phòng có diện tích 18m2. Em Lô Thị Hoa học sinh lớp 7 Trường THCS dân tộc bán trú Bảo Thắng huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Trước đây em không có nhà ở nên bố mẹ và thầy cô giáo làm tạm nhà cho chúng em ở. Bây giờ chúng em được ở căn nhà bán trú vững chãi này đỡ lo mưa nắng. Được như thế này giờ đây chúng em cố gắng động viên nhau chăm học hơn. Chúng em rất vui khi được ở nhà mới..."

Khó khăn thiếu thốn là vậy, nhưng trong những năm qua, chất lượng dạy học cũng như sĩ số học sinh của Trường Dân tộc bán trú dân nuôi xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn luôn đảm bảo. Nhiều năm liền trường luôn nằm trong tốp đầu các trường tiên tiến trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Chia tay các em học sinh, các thầy cô giáo cắm bản ở miền sơn cước, chúng tôi ra về mà lòng nghĩ ngợi, mang theo bao tâm tư và nguyện vọng từ đáy lòng của chính các em học sinh, chính thầy cô giáo nơi đây với mong muốn có được nhiều sự giúp đỡ của cộng đồng để các em học sinh bớt khổ.