Tiểu thuyết lịch sử "Trần Quốc Toản": Khúc tráng ca về một chiến tướng oai hùng

ANTD.VN - Ngày 15-6 -2017, cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trần Quốc Toản” của nhà văn Lưu Sơn Minh sẽ chính thức được ra mắt phiên bản mới, sau khi từng được ra mắt bạn đọc lần đầu vào năm 2005.

Sau tiểu thuyết lịch sử "Trần Khánh Dư" được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, nhà sách Đông A tiếp tục ra mắt ấn phẩm cùng hệ đề tài Hào khí Đông A: "Trần Quốc Toản" của cùng tác giả - nhà văn Lưu Sơn Minh. Bản in lần này có nhiều điểm đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức. Cụ thể có những điểm mới gì, mời bạn tham gia buổi giao lưu với nhà văn Lưu Sơn Minh để biết rõ chi tiết.

Sau đây là cảm nhận về cuốn tiểu thuyết “Trần Quốc Toản” của một độc giả 15 tuổi,  khi từng đọc cuốn sách cách đây hơn gần 5 năm:

Nhắc đến Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, nhiều người chỉ biết rằng đây là một thiếu niên thuộc dòng dõi nhà Trần, đã bóp nát quả cam quý mà Vua ban vì quá giận khi nghe thấy một số đại thần tâu xin hàng giặc Nguyên. Không có quá nhiều người biết được rằng người thiếu niên này mới mười bảy tuổi đã phất cờ mộ tướng, tự mình lập nên một đội quân hơn nghìn thanh thiếu niên chống giặc, góp công lao to lớn vào cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1285).

Đọc cuốn tiểu thuyết “Trần Quốc Toản” của nhà văn Lưu Sơn Minh, ta có thể thấy được một mặt khác của cuộc chiến khốc liệt này. Ta có thể thấy được sự hồn nhiên của những người lính trẻ đi theo lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo Hoàng ân”, nửa đêm thức dậy lấy nước đổ vào chỗ ngủ của bạn rồi hô hoán lên rằng anh chàng này đái dầm, mà vẫn rất kiên cường, dũng mãnh đánh giặc. Vị phó tướng Hoàng Chí Hiển bắn tên rất tài, thông thạo binh pháp, thi thoảng lại hiến cho chủ tướng những kế phá sự yên ổn của địch rất giống những trò chọc phá của trẻ con: thả ong vào trại địch, dùng bột làm cay mắt tướng Nguyên…

Ta cảm nhận được rằng vị dũng tướng Trần Quốc Toản tuy vẫn rất ngây thơ, trong lúc chờ cơm sẵn sàng cởi trần đánh vật với những sĩ tốt của mình, nhiều khi trầm tư, hơi già dặn so với tuổi. Ta thấy được rằng cuộc chiến tàn ác ấy không hề khiến cho tình người thuyên giảm. Giữa lòng cuộc chiến, có người lính chấp nhận bị mang tiếng ăn trộm để được gặp người thương; huynh đệ gặp lại nhau sau bao năm xa cách mà tình thương vẫn dạt dào; dưới đêm trăng, không cần nói với nhau lời nào, ba tướng sĩ cùng đồng lòng thề đồng sinh đồng tử, sống chết có nhau…

Đọc “Trần Quốc Toản”, ta thấy được rằng ở đời, có những con người có chức mà không có quyền, tiếng nói không được để tâm tới, có tham gia lễ hội hay cuộc họp gì cũng chỉ đến đó cho có mặt, không được nói lên suy nghĩ của mình… Người ấy đôi khi cũng tìm được người để tâm sự, nhưng sau đó lại vẫn vò võ một mình. Ta thấy được rằng trong xã hội nào cũng tồn tại sự bất công. Hoài Văn hầu do được sinh ra trong một chi nhỏ của dòng tộc Trần nên không được trọng dụng, cho dù chàng là một hào kiệt rất có tài. Nếu chàng không tự mình chiêu quân chống giặc, chắc hẳn sẽ chẳng có ai thấy được tài năng của chàng, viên ngọc ấy hẳn vẫn bị vùi sâu trong lớp bùn của sự bất công.

 Tiểu thuyết lịch sử không chỉ ghi chép lại những sự kiện xảy ra trong quá khứ, mà còn phản ánh cả một thời đại. Văn chương “gây” cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có. Và “Trần Quốc Toản” thực sự làm được điều này. Không hề bị ảnh hưởng bởi cuốn tiểu thuyết “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” cũng viết về Hoài Văn hầu đã ra đời trước đó, cuốn sách này đã tái hiện sinh động cuộc đời chinh chiến của vị anh hùng tuổi trẻ tài cao này. “Đây không phải bản hùng ca về một cậu thiếu niên anh dũng và hồn nhiên xông vào chiến trận. Đây là khúc tráng ca về một chiến tướng oai hùng đã lưu danh vào chính sử”.