Tiêu dùng thông minh thời Covid-19

ANTD.VN - Doanh nghiệp tiết giảm nhân sự, cửa hàng kinh doanh tạm đóng cửa, khó tìm công việc mới trong bối cảnh kinh tế suy giảm nghiêm trọng vì Covid-19 khiến không ít nhân viên, người lao động thu nhập giảm 1/3, thậm chí giảm một nửa. Tiết giảm chi tiêu tối đa, nhưng nhiều người lao động cho biết, họ khó có thể duy trì mức sống bình dân hiện tại trong khoảng vài tháng nữa.

Tiêu dùng thông minh thời Covid-19 ảnh 1Dịch bệnh khiến người dân tiêu dùng thông minh hơn

Chi tiêu tiết kiệm 

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, chị Lê Chi (nhân viên bán hàng tại một sàn bất động sản) chỉ đến công ty làm việc chưa đến 10 buổi. Chị cho biết: “Ngay sau Tết bắt đầu thông tin có dịch Covid-19 nên nhiều người trong công ty tôi lo lắng. Hơn nữa, sau Tết nhu cầu thị trường bất động sản cũng không cao, lại thêm dịch bệnh, ít khách nên nhân viên ít đến cơ quan. Lương cứng cho nhân viên bán hàng như tôi chỉ có 2,6 triệu đồng/tháng và phải có mặt từ 8h-17h hàng ngày. Hiện tôi xin nghỉ việc không lương để ở nhà trông con vì đi làm cũng sợ lây bệnh”.

Vì dịch Covid-19 nên sàn giao dịch bất động sản này tạm ngưng hoạt động, không tổ chức giới thiệu dự án mới. Những nhân viên như chị Chi ngồi nhà đợi khi nào có khách lẻ gọi đi xem nhà thì dẫn khách đi, song số này cũng rất hiếm. Tất nhiên khi đó, chị không có cả lương cứng lẫn “hoa hồng” môi giới. “Thu nhập trước đó của chúng tôi vốn đã bấp bênh, nay lại nghỉ dài hơn 2 tháng nên có bao nhiêu tiền đã chi tiêu cả cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu, không dám mua sắm những đồ dùng chưa thực sự cần thiết. Nếu dịch bệnh có chấm dứt sớm thì hệ lụy cũng còn kéo dài, gia đình tôi chưa biết kiếm sống bằng gì” - chị Chi lo lắng.

Cùng chung nỗi buồn này, anh Duy Đức (đầu bếp tại một quán ăn có tiếng) cho hay: “Mấy tháng nay tình hình ảm đạm quá. Ban đầu chỗ tôi làm cửa hàng giảm lương của nhân viên, sau đó thì tạm đóng cửa vì không có khách. Đầu tháng 3-2020, cửa hàng thông báo tạm đóng cửa một tuần, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động trở lại”.

Cũng giống như chị Chi, anh Đức chưa thể tìm kiếm được việc làm mới trong bối cảnh hiện tại. “Việc chi thì vẫn phải chi mà nguồn thu thì không có. Vợ chồng tôi thật sự khó khăn vì cả 2 cùng đi làm thuê. Hàng tháng vẫn phải trả tiền thuê nhà, tiền điện nước, sinh hoạt, bỉm sữa cho con. Chúng tôi tiết giảm chi tiêu hết mức, những cuộc tụ tập bạn bè ăn uống gần như không còn, phần vì sợ tập trung đông người, phần phải tính toán chi li hơn.

Tôi đã tính tới chuyện tạm thời chạy “xe ôm” công nghệ, nhưng hiện giờ cũng rất vắng khách” - anh Đức nói. Trong khi đó, lo lắng không biết vài tháng tới kiếm việc làm có dễ hơn không, chị Thủy (vợ anh Đức) cho biết, cửa hàng thời trang mà chị là nhân viên trên phố Chùa Bộc đã tạm thời đóng cửa. Nhân viên như chị  đương nhiên nghỉ việc không lương và không biết khi nào quay trở lại làm việc.

Covid-19 rõ ràng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống của hàng triệu người dân. Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất, buộc phải cắt giảm nhân viên, giảm lương, thậm chí đóng cửa, còn các cửa hàng kinh doanh nhỏ thì vắng khách… đã khiến hàng loạt người lao động rơi vào cảnh đứng ngồi không yên. Đời sống của họ đang trở nên bấp bênh   hơn bao giờ hết. Quan trọng hơn cả, Covid-19 chưa biết khi nào kết thúc và người lao động chưa biết khi nào có thể trở lại nhịp sống thường ngày.

Tiêu dùng thông minh thời Covid-19 ảnh 2Hàng ăn đóng cửa vì không có khách

Tiêu dùng thông minh hơn

Không chỉ thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” với chi tiêu gia đình, Covid-19 cũng khiến nhiều người dân thay đổi thói quen mua sắm. Điển hình là việc người dân chọn mua hàng trực tuyến (online) nhiều hơn. Chị Nguyễn Thanh Huyền ở phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên cho biết: “Từ ngày Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, tôi rất ngại vào chợ, siêu thị mua sắm. Do đó, tôi thường đặt hàng online từ các nhà bán lẻ uy tín”.

Covid-19 rõ ràng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống của hàng triệu người dân. Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất, buộc phải cắt giảm nhân viên, giảm lương, thậm chí đóng cửa, còn các cửa hàng kinh doanh nhỏ thì vắng khách… đã khiến hàng loạt người lao động rơi vào cảnh đứng ngồi không yên. Đời sống của họ đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Quan trọng hơn cả, Covid-19 chưa biết khi nào kết thúc và người lao động chưa biết khi nào có thể trở lại nhịp sống thường ngày.

Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, hệ thống bán lẻ Vinmart, Vinmart+ đã có thông báo tới khách hàng về chương trình “đặt hàng tại nhà, tránh xa Covid-19”. Khách hàng chỉ cần vào ứng dụng VINID đặt hàng sẽ nhận được hàng trong vòng 3-5 tiếng. Nhà bán lẻ này cũng khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt để tránh lây lan Covid-19. Tương tự, Shopee triển khai chương trình “Ở nhà không khó, có Shopee lo” với ưu đãi cho sản phẩm thiết yếu. Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình này là Shopee sẽ miễn phí vận chuyển hàng nghìn đơn hàng và khuyến khích thanh toán trực tuyến qua các ví điện tử. Ngoài ra, các đơn vị như Big C, Co.opmart cũng tăng cường ship hàng tận nhà cho khách hàng. 

Bình luận về thói quen tiêu dùng của người dân trong đại dịch, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, trong lúc khó khăn, người dân tiết giảm chi tiêu là xu hướng tất yếu. “Sau Tết thì cũng ít người dân sắm sửa quần áo, giày dép… nói chung hàng không thực sự  thiết yếu. Nhưng cũng vì dịch bệnh, thu nhập của người dân giảm sút nên họ chỉ tập trung vào lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm như giấy vệ sinh, hóa mỹ phẩm... Cơ cấu giỏ hàng đã thay đổi rõ rệt” - ông Vũ Vinh Phú nói. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn có xu hướng mua một lần nhưng mua nhiều để hạn chế ra ngoài. Trước đây, người dân có thể đi chợ hàng ngày để mua thực phẩm tươi, nhưng nay nhiều gia đình đã đi mua tích trữ đồ ăn 3-5 ngày, thậm chí 1 tuần nhằm hạn chế tiếp xúc. Theo vị chuyên gia này, đây là thời điểm tốt để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, logistics.

“Thương mại điện tử vẫn phát triển tốt trong bối cảnh dịch bệnh do nhu cầu ship hàng tận nhà của người dân tăng lên. Theo đó, logistic, bảo quản, vận chuyển cũng có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, thương mại điện tử cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, cho người mua cùng kiểm hàng lúc giao nhận để lấy được lòng tin của khách hàng. Khi người mua tin tưởng và thấy tiện lợi, họ sẽ có thói quen mua hàng trực tuyến, khi hết dịch họ vẫn sử dụng dịch vụ”- ông Vũ Vinh Phú nêu quan điểm.  

Cơ hội tốt để tái cơ cấu ngành bán lẻ

Tiêu dùng thông minh thời Covid-19 ảnh 3

Trong thời buổi dịch bệnh này, chất lượng giá cả hàng hóa kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu, trong đó chất lượng ngày càng phải nâng lên một bước, nhất là ở các siêu thị và trung tâm thương mại, nơi người tiêu dùng thường đặt niềm tin cao nhất. Về giá cả, cần rà soát lại các mức giá vô lý (do nhiều nguyên nhân chủ quan khách quan) để kéo giá về một mức mà thị trường có thể chấp nhận được, mang tính cạnh tranh cao giữa các kênh bán lẻ. Thời gian này cũng là cơ hội để tiếp tục đổi mới tác phong, thái độ phục vụ người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu một cách bền vững, văn hóa kinh doanh càng phải được đề cao. Những hành vi bán hàng lợi dụng có dịch để trục lợi phải bị phê phán và xử lý kịp thời. Mối quan hệ giữa kênh bán lẻ với nhà cung ứng, nhà sản xuất phải bình đẳng, làm ăn tử tế có trách nhiệm, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong những lúc khó khăn để vừa tạo điều kiện cho người tiêu dùng, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội

Hỗ trợ người dân thanh toán không dùng tiền mặt

Tiêu dùng thông minh thời Covid-19 ảnh 4

Khó khăn của dịch bệnh sẽ khiến doanh nghiệp và người dân dè dặt hơn trong chi tiêu. Ngành du lịch, vận tải, sẽ chịu tác động lớn nhất từ dịch Covid-19, sau đó đến các ngành sản xuất theo chuỗi như: dệt may, thiết bị điện tử dân dụng, đồ chơi trẻ em, hóa chất, thiết bị điện tử, gỗ, phương tiện vận tải, dầu và than. Theo tôi, giải pháp cho các doanh nghiệp lúc này không phải là tung tiền ra cứu doanh nghiệp vì phương án này sẽ để lại hậu quả lâu dài. Doanh nghiệp đang cần giãn, hoãn nợ, miễn giảm một phần phí, bảo hiểm xã hội nhưng không nên giảm thuế VAT; Hỗ trợ người dân thanh toán không tiền mặt; Cho vay mới, nhưng không chuyển nhóm; Tăng cường đầu tư công, đầu tư cho y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần có kịch bản khi hết dịch bệnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. 

TS Cấn Văn Lực - Cố vấn Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)