Tiêu chí "trên mây", đổi lấy chuyên nghiệp... nửa mùa

ANTĐ - Chiều 10-12, đoàn khảo sát của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia, đã hoàn tất việc kiểm tra công tác chuẩn bị mùa giải mới tại 24 CLB (14 đội V-League, 10 đội hạng Nhất). Trưởng ban tổ chức giải Nguyễn Minh Ngọc cho biết, đang chờ báo cáo tổng hợp từ các phòng, ban chức năng mới có thể thông tin chính xác, cụ thể về “bức tranh chuyên nghiệp” ở từng đội bóng. 

Tiêu chí "trên mây", đổi lấy chuyên nghiệp... nửa mùa ảnh 1Không CLB nào ở V-League đáp ứng đủ các tiêu chí chuyên nghiệp trong đợt khảo sát của Ban tổ chức giải

Có vi phạm vẫn được… châm chước

“Ngày 18-12 tới, Công ty VPF sẽ tổ chức hội thảo với sự tham dự của đại diện 24 đội bóng. Trong đó, vấn đề đáp ứng các tiêu chí chuyên nghiệp ở các CLB trước mùa giải 2016 như thế nào sẽ là một chủ đề của hội thảo”, Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc thông tin. 

Trái với phát biểu khá dè dặt của ông trưởng giải, Trưởng đoàn khảo sát Hoàng Chuyên Cần nêu ra một thực tế: “Có tỉnh có điều kiện thì hỗ trợ được CLB về vấn đề sân bãi, có tỉnh thì không. Vì vậy, chúng tôi đành phải lựa chọn những tiêu chí thật sự cơ bản, cấp thiết mới yêu cầu thực hiện. Còn những tiêu chí khác chúng tôi có thể châm chước để đảm bảo cho sự ổn định của giải”.

Theo như quy định, các CLB phải đáp ứng các tiêu chí rất chi tiết về mặt sân, khán đài, các phòng chức năng sân, cổng chào… Nhưng thực tế, không một CLB nào đáp ứng được tất cả. Thực tế này cho thấy, cách mà VPF áp các tiêu chí chuyên nghiệp theo “chuẩn quốc tế” vào các CLB Việt Nam có phần cứng nhắc. Sự cứng nhắc này được chính Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - Trần Đức Phấn chỉ ra tại Lễ tổng kết mùa giải 2015 hồi tháng 9. Ông Trần Đức Phấn sau đó yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty VPF phải điều chỉnh lại sao cho phù hợp. 

Cũng tại cuộc họp có đầy đủ đại diện Ban tổ chức và các đội bóng dự giải, Chủ tịch CLB Hải Phòng - Trần Mạnh Hùng gay gắt: “Thử hỏi, các anh ở Ban tổ chức đã bao giờ xuống CLB tìm hiểu xem vì sao sân thi đấu chưa đạt chuẩn, đội bóng gặp khó chỗ nào, có cần hỗ trợ hay tháo gỡ gì hay không… Hay các anh cứ ngồi ở trên rồi “phán” xuống, bắt chúng tôi phải chấp hành các tiêu chí cao vót “trên mây” của các anh!?”.

Sự xuê xoa thường thấy

VPF đặt ra các tiêu chí chuyên nghiệp “trên trời” còn CLB không đủ năng lực đáp ứng nhưng vẫn được xuê xoa cho qua mà không phải chịu bất cứ chế tài nào. Vi phạm vì thế cứ tái diễn mùa này qua mùa khác…

Cách hành xử đó của VPF khiến các chuyến khảo sát cơ sở vật chất CLB chuyên nghiệp đầu mùa giải bị xem là mang tính hình thức, còn đội bóng vi phạm ỷ lại với tâm lý “kiểu gì cũng được cho qua”. Nhưng, ngay cả khi ban tổ chức đã châm chước bỏ qua rất nhiều tiêu chí, chỉ yêu cầu đáp ứng 2 tiêu chí chính là mặt sân và dàn đèn thì nhiều CLB vẫn vi phạm. Có thể kể ra như CLB Đồng Nai (mùa 2013) bắt khán giả đến sân xem bóng đá dưới cái nắng như đổ lửa (từ 15h-16h) của mùa hè, vì nếu đá muộn hơn thì không đảm bảo vì sân không có đèn chiếu sáng.

Hay trường hợp CLB Hải Phòng mùa 2015, phải chờ tới khi Ban tổ chức ra hạn (kèm chế tài) mới chịu nâng cấp mặt cỏ sân Lạch Tray - nơi bị CĐV ví von: “xem đá bóng mà như xem chọi trâu” vì mặt sân quá tệ. Đó là lý do, mặc dù đã trải qua 15 mùa giải khoác áo chuyên nghiệp, nhưng người hâm mộ vẫn phải xem V-League trên các khán đài rêu mốc không ghế ngồi, chứng kiến các cầu thủ thi đấu trên sân “mặt ruộng”, hay như cả nhu cầu vệ sinh của khán giả cũng không được đáp ứng bởi các sân thiếu hoặc nhà vệ sinh quá bẩn không ai muốn vào.

Thiếu quyết liệt để gây dựng sự chuyên nghiệp

Sân bãi xuống cấp, chưa đáp ứng tiêu chí chuyên nghiệp cũng gây nhức nhối với bản thân các đội bóng. Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch CLB ĐTLA Võ Thành Nhiệm cho biết sân Long An sau hàng chục năm khai thác đã xuống cấp. “Đội bóng cũng rất muốn xây một sân mới để phục vụ bà con tới xem bóng đá nhưng sân lại do UBND tỉnh quản lý. Trước mắt, tỉnh sẽ cấp 9 tỷ đồng để cải tạo trong lúc chờ sân Long An được xây mới trong 5-7 năm tới theo đề án phát triển thể thao của tỉnh”.

Cũng có kế hoạch xây mới sân vận động trong 1-2 năm tới nên CLB Thanh Hóa đang trong tình trạng khó xử, bởi nếu đầu tư tiền nâng cấp sân cũ có thể trở thành lãng phí. Và trong lúc chờ dự án xây mới sân được khởi công, khán giả xứ Thanh vẫn phải cổ vũ đội nhà trên khán đài xập xệ. Tổng Giám đốc CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh nêu quan điểm: “Chúng tôi tham quan mô hình bóng đá chuyên nghiệp tại các CLB Nhật Bản, Hàn Quốc thấy đa phần sân bóng của họ đều được chính quyền địa phương đầu tư hoàn toàn, rất khang trang, còn CLB phải chú tâm làm cho tốt các tiêu chí chuyên nghiệp còn lại. Ở nước ta, bóng đá chuyên nghiệp trước mắt vẫn cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương”. 

Mỗi CLB đều có lý riêng của mình để biện minh cho thực trạng cơ sở vật chất không đáp ứng tiêu chí nhưng vẫn được quyền tham dự các giải đấu chuyên nghiệp. Nhưng sòng phẳng mà nói, ngoài sự “châm chước” của ban tổ chức, bản thân các đội bóng cũng thiếu quyết liệt trong việc xây dựng nền tảng chuyên nghiệp  - thứ sẽ giúp họ khẳng định thương hiệu và kiếm lời.

Cà Mau được “trở lại” hạng Nhất 2016?

Hôm qua 11-12, đại diện VFF và Công ty VPF có buổi làm việc với CLB Cà Mau để kiểm tra đội bóng này có đủ điều kiện dự giải hạng Nhất 2016 hay không. Trước đó, CLB Cà Mau (xếp thứ ba giải hạng Nhì, giành quyền lên chơi hạng Nhất 2016), có đơn xin rút vì lý do tài chính. Khi đó, CLB Bình Định (xếp thứ tư giải hạng Nhì 2015) có đơn xin trám chỗ của Cà Mau. Nhưng ngày 30-11 vừa qua, Cà Mau lại có đơn xin chơi tiếp vì đã có đủ kinh phí.  Cuộc họp Ban Chấp hành VFF hôm 4-12 đã “ưu tiên” suất hạng Nhất cho đội bóng Cà Mau, với điều kiện phải chứng minh đội mình đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chuyên nghiệp, đặc biệt là nguồn kinh phí 15 tỷ đồng theo quy định của Ban tổ chức. Đây là 2 nội dung chính trong buổi kiểm tra của đoàn cán bộ VFF, VPF tại CLB Cà Mau, trước khi quyết định cuối cùng về việc có hay không cho đội này dự giải hạng Nhất 2016.