Tiêu bản thứ 2 rùa Hồ Gươm được du khách khen ngợi "thật như đang sống"

ANTD.VN -Tham gia từ đầu vào quy trình chế tác rùa Hồ Gươm cùng các chuyên gia Đức và Việt Nam, PGS.TS Hà Đình Đức nhận định, "cụ" rùa cuối cùng Hồ Gươm là cá thể rùa lớn nhất thế giới đã khiến cho công việc bảo quản và chế tác rất vất vả. Bình thường các chuyên gia Đức chỉ tiến hành làm tiêu bản với các cá thể có cân nặng 20-30 kg nhưng cụ rùa lại nặng tới 169kg...

Theo PGS.TS Hà Đình Đức, so với tiêu bản rùa Hồ Gươm đầu tiên được tiến hành xử lý vào năm 1967, tiêu bản lần này hơn hẳn về công nghệ xử lý. Điều đó giúp cho "cụ" trở nên sống động, thật tới mức như đang còn sống. 

Nếu như trước đây, tiêu bản đầu tiên chỉ tiến hành mổ lấy nội tạng rồi ngâm một số loại hóa chất để chống thối, mối mọt rồi tiến hành nhồi bông và khâu. Thì tiêu bản rùa Hồ Gươm thứ 2 được làm cầu kỳ, tỉ mỉ từng công đoạn và kéo dài tới hơn 2 năm.

Nói một cách đơn giản, việc xử lý  rùa thứ 2 cũng được tiến hành mổ lấy nội tạng, rồi xử lý hóa chất và nhựa hóa để giữ nguyên hình dáng ban đầu. Sau khi mẫu vật để khô, các chuyên gia của Đức và Việt Nam bắt đầu tiến hành việc đo khoảng cách giữa các chân và làm khung xương bằng thép, gia cố cho hình dáng của rùa được cố định, không bị xô lệch do các tác động của ngoại lực. 

PGS Hà Đình Đức trong một lần đến đóng góp ý kiến cho quy trình chế tác tiêu bản rùa Hồ Gươm

Dù quy trình chỉ có vậy nhưng thời gian thực hiện lại khá lâu là bởi, mỗi bước tiến hành đều cần tới các ý kiến đóng góp. Về kỹ thuật, các chuyên gia của Đức và Việt Nam sẽ đảm nhận nhưng về thẩm mỹ như hình dáng, ánh mắt, các đốm trên người rùa lại rất cần sự tham gia của PGS Hà Đình Đức một người nghiên cứu về loài rùa Hồ Gươm gần 1/4 thế kỷ. 

"Chế tác rất vất vả vì "cụ" quá lớn và đây cũng là cá thể rùa lớn nhất thế giới. Các chuyên gia của Đức từ trước tới nay chỉ chế tác các loài rùa nặng nhất mới tới 20-30 kg ,nhưng "cụ" lên tới 169kg. Mổ tới đâu, những người thực hiện phải khâu lại ngay, không được làm rách dù chỉ là một mảng da rất nhỏ, PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ. 

Nhớ lại thời gian đó, ông Hà Đình Đức cho biết, những người thực hiện đã cố gắng chế tác sao cho mẫu vật không thay đổi ở hình thức bên ngoài. Ví như đốm trắng trên đỉnh đầu của rùa Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã mời ông tới và cùng giúp các chuyên gia Đức tái hiện lại đốm trắng này. Sau nhiều lần xem các bức ảnh do PGS.TS Hà Đình Đức chụp cùng ý kiến đóng góp của nhà rùa học, các chuyên gia Đức đã thực hiện thành công đặc điểm rất riêng của tiêu bản rùa Hồ Gươm thứ 2. 

Theo PGS.TS Hà Đình Đức, trong quy trình chế tác tiêu bản rùa Hồ Gươm lần này, khó nhất là đôi mắt. Ở Việt Nam không làm được, các chuyên gia phải dùng ảnh cận mắt cụ rùa, đo kích thước hốc mắt gửi sang Đức để chế tạo. Sau 3 tháng sản phẩm mới hoàn thiện, được gửi về Việt Nam.

Mắt rùa được làm bằng thủy tinh, in công nghệ 3D, lòng mắt, con ngươi sử dụng hệ thống ánh sáng tạo hiệu ứng sống động. Đốm trắng trong mắt được tạo nên chân thực.

Cho tới nay, "cụ" rùa thứ 2 đã được đưa ra trưng bày cùng du khách trong và ngoài nước tại đền Ngọc Sơn, với kích thước dài 2,08 mét, rộng 1,1 mét. Nhìn mẫu vật sống động, PGS.TS Hà Đình Đức rất hài lòng. Với công nghệ mới hoàn toàn, mẫu vật không bị ẩm mốc, hư hỏng đã đành mà điều quan trọng hơn, cụ được chế tác giống như thật, từ ánh mắt, màu mai đến các đặc điểm nhận dạng. 

PGS.TS Phan Kế Long, Phó tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) cho biết, quy trình chế tác tiêu bản rùa Hồ Gươm gồm các bước như cố định mẫu, tạo dáng; làm khô nước trong tế bào; nhựa hóa bằng dung dịch chuyên dụng của Đức; làm khô mẫu; và hoàn thiện màu sắc theo hình ảnh khi rùa còn sống.

"Điểm đặc biệt của phương pháp này là sử dụng dung dịch nhựa hóa chuyên dụng của CHLB Đức có khả năng thấm sâu vào mô của mẫu vật giúp mẫu vật giữ nguyên được hình dáng ban đầu, không bị co ngót. Việc hoàn thiện chi tiết màu sắc, đường nét sử dụng màu gốc nước không độc hại bằng dụng cụ vẽ cơ thể chuyên dụng giúp chi tiết các đường nét, tạo nên mẫu vật sống động", ông Phan Kế Long nói. 

PGS.TS Long cho biết thêm, tiêu bản rùa Hồ Gươm năm 2019 là mẫu vật lần đầu tiên chế tác bằng phương pháp nhựa hóa ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và cũng là mẫu lớn nhất từ trước đến nay mà các chuyên gia chế tác của CHLB Đức tham gia chế tác. 

Theo thông tin từ Ban quản lý di tích đền Ngọc Sơn, chỉ ít ngày được trưng bày, tiêu bản cụ rùa thứ 2 đã nhận được không ít lời khen ngợi từ phía du khách, đặc biệt là các em nhỏ. 

Hiện tại, Ban quản lý di tích đền Ngọc Sơn đang chuẩn bị công tác thuyết minh về tiêu bản rùa Hồ Gươm thứ 2 và chỉnh trang cảnh quan, để mỗi du khách tới đây sẽ được tìm hiểu về một trong những loài rùa độc đáo nhất trên thế giới, cùng lịch sử lâu dài gắn liền với một địa danh nổi tiếng của Hà Nội.