- Giá khám chữa bệnh tự nguyện ở bệnh viện công: Không vượt quá 600.000 đồng/lần khám
- Trên 80% bệnh nhân hài lòng với bệnh viện công, liệu có khách quan?
- Hà Nội: Thêm 29 bệnh viện bắt đầu tự chủ, chưa triển khai ki ốt lấy ý kiến người bệnh
Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ không còn tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép 2 người/ giường
Theo Bộ Y tế, thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đề ra như: Đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh; Thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; Thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình…
Kết quả đạt được nhờ triển khai thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2015-2017 là khá tích cực. Cụ thể, ở khu vực ngoại trú, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/ năm cho xã hội.
Tương tự, ở khu vực điều trị nội trú, tình trạng quá tải cũng đang từng bước được khống chế. Đến nay, 37/39 bệnh viện tuyến trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24-48 giờ kể từ khi nhập viện. Nếu như năm 2012, tình trạng nằm ghép ở bệnh viện tuyến trung ương là 58%, tuyến tuyến tỉnh là 47% thì sang năm 2016, tỷ lệ bệnh viện có tình trạng nằm ghép chỉ chiếm 16,7% ở tuyến trung ương và 11,4% ở tuyến tỉnh.
Đồng thời, nhờ phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới bệnh viện vệ tinh, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến từ tuyến tỉnh lên trung ương giai đoạn vừa qua đã giảm từ 73-99% theo các chuyên khoa. Cụ thể: Chuyên khoa tim mạch có tỷ lệ chuyển tuyến giảm tới 98,5%; bệnh nhân ung thư chuyển tuyến giảm tới 97%; ngoại khoa giảm tới 98,5%; sản khoa giảm tới 99%; nhi khoa giảm tới 73%...
Dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tình trạng quá tải bệnh viện nhìn chung có giảm song số lượt điều trị nội trú và ngày điều trị trung bình tại tuyến tỉnh, tuyến huyện lại có xu hướng gia tăng; tình trạng quá tải ở tuyến trung ương vẫn còn diễn ra ở một vài bệnh viện lớn.
Đặc biệt, số giường bệnh thực kê tăng nhanh nhưng không song hành với tăng nhân lực để đảm bảo cung cấp dịch vụ có chất lượng tương ứng với nhu cầu điều trị tăng. Do Bộ Y tế chỉ đạo tránh nằm ghép nên các bệnh viện buộc phải tận dụng không gian còn trống để kê thêm giường bệnh. Thực tế trong thời gian qua có nhiều bệnh viện phải kê thêm giường bệnh ngoài hành lang, hội trường, dồn phòng làm việc của nhân viên…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ này đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện với một số chỉ số cơ bản như sau:
Năm 2018: 100% bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, thành phố tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện; 100% các tỉnh đều có bệnh viện tuyến tỉnh tham gia trong Đề án bệnh viện vệ tinh và được chuyển giao kỹ thuật theo nhu cầu thực tế của địa phương…
Đến năm 2020, không còn tình trạng quá tải bệnh viện.