Đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ đảm bảo ATGT:

Tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho nhân dân

ANTD.VN - Được xem là “mạch máu” của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng. Và để “mạch máu” ấy luôn thông suốt, công tác quản lý phương tiện, đảm bảo TTATGT luôn đặt ra những yêu cầu mới. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) luôn được lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên cả nước, điển hình là CSGT Thủ đô quan tâm triển khai.

Loại bỏ những rườm rà

Là một đơn vị chỉ đạo nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an, Cục CSGT có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn cả nước. Thực hiện Đề án của Chính phủ và Đề án của Bộ Công an, Cục CSGT luôn xác định công tác cải cách hành chính là một nội dung trọng tâm, đột phá để tạo chuyển biến về chất lượng, hiệu quả các mặt công tác chuyên môn trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hàng năm, Cục CSGT đều tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, trong đó có kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC)…, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung cần thực hiện nhằm đề ra các giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực; từng bước nghiên cứu, xây dựng phương án đơn giản hóa TTHC tập trung ở các lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, làm việc với nhân dân như đăng ký, quản lý phương tiện; tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT nhằm đề xuất loại bỏ các thủ tục rườm ra, không cần thiết, làm cản trở hiệu quả công tác chuyên môn và chất lượng phục vụ nhân dân. 

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT cho biết: “Trong thời gian qua, đơn vị đã tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác CCHC trong việc nâng cao hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân với chủ trương vì nhân dân phục vụ. Việc công bố công khai thủ tục hành chính, quy trình, thời gian giải quyết, các loại phí và lệ phí… được thực hiện kịp thời, chính xác với nhiều hình thức, như niêm yết công khai tại bảng tin trụ sở đơn vị, phổ biến trên các phương tiện truyền thông, cập nhật trên trang thông tin điện tử, qua đó đã giúp nhân dân, các cơ quan, tổ chức kịp thời nắm bắt và thực hiện”.

Thống kê của Cục CSGT cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị đã rà soát 97 văn bản quy phạm pháp luật do Cục CSGT được giao chủ trì xây dựng từ năm 1997 đến nay. Riêng năm 2015 và 9 tháng của năm 2016, Cục CSGT đã tham mưu xây dựng và ban hành mới 6 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không còn phù hợp ở các lĩnh vực, như đăng ký xe, sát hạch cấp giấy phép lái xe trong ngành công an và tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT. 

Phục vụ nhân dân tốt nhất

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật ATGT, Cục CSGT cho biết: “Nhiều văn bản quy phạm pháp pháp luật đáng chú ý được Cục CSGT tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành. Ví dụ như quy định đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân, quy định về đăng ký xe. Đây là cơ sở cho lực lượng CSGT quản lý và thực hiện thống nhất công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong ngành công an”. 

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, thực tiễn những năm gần đây cho thấy, nhiều xe máy, xe đạp điện lưu thông chưa được đăng ký do không có các loại giấy tờ về chứng từ lệ phí trước bạ và chứng từ về nguồn gốc nên Cục CSGT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BCA để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đi đăng ký xe máy điện, xe đạp điện và cũng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý trong việc quản lý chặt chẽ loại phương tiện này.

Đến nay, xe máy điện, mô tô điện cơ bản đã được đăng ký, ngăn ngừa tình trạng xe không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.

Trong năm 2016, các thông tư như Thông tư số 01, 02, 03/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và các quy trình tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường cao tốc cũng được Cục CSGT tham mưu ký ban hành.

Bên cạnh đó, Cục CSGT đã tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; Bố trí đường dây “điện thoại nóng” 24/24h trong ngày tiếp nhận thông tin của nhân dân phản ánh về TTATGT.

Các kiến nghị nhận được, Cục giao cho các phòng chuyên môn nghiên cứu, trả lời. Những kiến nghị phản ánh về vướng mắc của thủ tục hành chính được tập hợp, nghiên cứu để xây dựng, bổ sung vào các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm mục tiêu phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. 

Đáng chú ý, Cục CSGT đã tham mưu cho Bộ trưởng ký ban hành Quyết định số 3665 về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ, bãi bỏ trong lĩnh vực đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Quyết định nêu trên là cơ sở để người dân và doanh nghiệp nghiên cứu, vận dụng tránh phải đi lại nhiều lần gây tốn kém thời gian, tiền bạc. Đặc biệt, mới đây, Cục CSGT còn đưa vào triển khai hệ thống đăng ký xe qua mạng Internet cho người dân TP Hà Nội và TP. HCM.

Chỉ cần ngồi ở nhà hay bất cứ đâu, người dân cũng có thể đăng nhập vào hệ thống đăng ký xe, làm thủ tục, rồi đến nơi đăng ký bấm biển kiểm soát mà không phải chờ đợi hay đi lại nhiều lần…

Tăng tính răn đe, phòng ngừa

CATP Hà Nội và trong đó có lực lượng CSGT Thủ đô được xem là lá cờ đầu trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiệm vụ, đẩy mạnh cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho biết: “Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, thời gian qua, Phòng CSGT đã từng bước triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, quản lý thông tin tài liệu, đặc biệt trong công tác xử lý vi phạm hành chính về TTATGT. Đơn vị cũng triển khai cài đặt, sử dụng hệ thống phần mềm xử phạt hành chính về TTATGT đường bộ, ký kết với Bưu chính Viễn thông Việt Nam thực hiện chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT qua bưu điện và đang nghiên cứu triển khai việc xử phạt qua tài khoản ngân hàng”.

Chia sẻ thêm, Đại úy Tạ Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện cho biết: “Trong công tác quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, đơn vị đã tiếp nhận, giải quyết các thủ tục đăng ký, sang tên, di chuyển phương tiện trên hệ thống máy tính, tổ chức khai báo và đăng ký trên mạng Internet, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác, giảm thời gian chờ đợi của người dân”.

Cũng theo đại diện Phòng CSGT, trong thời gian qua, đơn vị đã triển khai lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống camera quan sát, xử lý vi phạm Luật Giao thông trên địa bàn thành phố. Qua đó, hàng nghìn trường hợp vi phạm bị xử phạt, gửi thông báo về tận cơ quan, nơi cư trú giúp nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông.

Quan trọng hơn, thông qua hệ thống ghi hình, sử dụng các hệ thống mạng truyền dữ liệu Internet, Phòng CSGT cũng sẽ nắm bắt được tình hình giao thông đang diễn ra tại khu vực, từ đó, kịp thời có biện pháp, phương án xử lý hiệu quả những sự cố, đảm bảo tuyệt đối ATGT. 

Dự kiến trong thời gian tới, lực lượng CSGT Thủ đô sẽ được trang bị các thiết bị kỹ thuật cao trong việc xác minh nóng nguồn gốc phương tiện, nâng cao hiệu quả quản lý, xử phạt. Việc kết nối, xác minh nhanh chóng những phương tiện vi phạm cũng là cơ sở giúp công tác điều tra, phá án, phát hiện xe gian, xe tang vật.