"Tiết kiệm hôm nay - Tươi sáng ngày mai"

ANTD.VN - Sáng 30-10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức “Lễ phát động Tuần lễ hưởng ứng ngày Tiết kiệm thế giới năm 2016 tại Việt Nam”. Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

11 triệu hội viên phụ nữ đã tạo được nguồn quỹ tiết kiệm đạt hơn 6.000 tỷ đồng

Tiết kiệm hơn 6.000 tỷ đồng, hỗ trợ 1,5 triệu phụ nữ

Ngày Tiết kiệm thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1924 tại Italia với mục tiêu nâng cao nhận thức, hướng tới thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm của toàn xã hội, nòng cốt là tiết kiệm tài chính nhằm tạo nguồn lực dồi dào phân bổ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày lễ này. Với chủ đề “Tiết kiệm hôm nay - Tươi sáng ngày mai”, Tuần lễ hưởng ứng Ngày Tiết kiệm thế giới năm 2016 hướng đến nhóm đối tượng trọng tâm là phụ nữ, học sinh, sinh viên - những người có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy phong trào tiết kiệm.

Phát động Tuần lễ Tiết kiệm tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày Tiết kiệm thế giới, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự xúc động trước câu chuyện chị Tiến, người phụ nữ thu mua phế liệu với quyết tâm đổi đời, đã vượt khó và trở thành chủ doanh nghiệp và cho biết, thái độ, ý chí đó thể hiện sức mạnh của phụ nữ Việt Nam.

Theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam có tỷ lệ hộ gia đình gửi tiết kiệm khá cao. Chỉ với số tiền tiết kiệm từ 5.000-10.000 đồng/tháng, trong 5 năm (2012-2016), 11 triệu hội viên phụ nữ đã tạo được nguồn quỹ tiết kiệm đạt hơn 6.000 tỷ đồng, hỗ trợ 1,5 triệu phụ nữ khác vay vốn thoát nghèo bền vững. Người phụ nữ Việt Nam tiết kiệm để lo cho gia đình, xã hội và người nghèo. Điều này khẳng định quan điểm: Cuộc sống hôm nay phải nghĩ đến ngày mai. 

Tại lễ phát động, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu ra những yêu cầu cấp bách hiện nay của quốc gia là tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời yêu cầu các bộ, ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục kêu gọi mỗi người dân hãy vì gia đình, vì đất nước, cần cương quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí vì tham nhũng là một loại lãng phí khủng khiếp nhất; và đề nghị đẩy mạnh thi đua, có nhiều sáng kiến, đề xuất các hoạt động tiết kiệm. 

Chi tiêu hợp lý cũng là tiết kiệm

Có thể khẳng định, trong những năm qua, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tiết kiệm được coi là quốc sách. Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật và tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra để các quy định của pháp luật về lĩnh vực này thực sự phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhờ đó, mặc dù còn nhiều tồn tại, hạn chế, song nhìn chung, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt nhiều vụ việc vi phạm pháp luật gây lãng phí lớn có gắn với yếu tố tham nhũng đã được phát hiện và xử lý.

Tiết kiệm là sử dụng của cải, vật liệu một cách đúng mức, không phí phạm dù đó là của Nhà nước, của tập thể hay cá nhân. Tiết kiệm không có nghĩa là để dành, cất kín những tiền của dư thừa, chưa dùng đến mà ngược lại cần làm cho nó sinh sôi, nảy nở thêm.

Chủ trương xóa đói giảm nghèo, dùng tiền công quỹ cho người lao động vay để phát triển sản xuất hiện nay chính là một việc thực hành tiết kiệm, làm tăng thêm của cải xã hội và cải thiện đời sống con người.

Mỗi cá nhân, mỗi gia đình chúng ta biết chi tiêu hợp lý, không lãng phí tiền bạc, vật chất để sử dụng vào việc phát triển sản xuất gia đình, cũng chính là tiết kiệm. Trong hoàn cảnh cuộc sống còn khó khăn hiện nay, tiết kiệm là việc làm cần thiết, thậm chí là bắt buộc.

Trên thế giới hiện nay, những nước giàu mạnh như Nhật Bản, Pháp, Thụy Điển… cũng chính là những nước thực hành một chính sách tiết kiệm tối đa những gì có thể được trong xây dựng, phát triển và trong đời sống mỗi thành viên trong xã hội của họ.

“Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ không hoang phí, không bừa bãi... Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù hao bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế, mới đúng là tiết kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, dại dột, chứ không phải là kiệm. Tiết kiệm phải kiên quyết chống xa xỉ… Vì vậy, xa xỉ là có tội với Tổ quốc, với đồng bào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, trong năm 2015 các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 37.925 tỷ đồng, tăng 21.542 tỷ đồng (tăng 231% so với năm 2014), gồm: tiết kiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước là 9.292 tỷ đồng, tăng 788 tỷ đồng (tăng 110% so với năm 2014); tiết kiệm trong đầu tư xây dựng là 28.633 tỷ đồng (tăng 360% so với năm 2014).

Đặc biệt, một số bộ và địa phương có kết quả tiết kiệm cao như: Bộ GTVT 23.932 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng 1.519 tỷ đồng, Bộ TN-MT 600 tỷ đồng, Hà Nội 1.624 tỷ đồng; Đà Nẵng 570 tỷ đồng; Bình Dương 550 tỷ đồng.