Tiết kiệm cho dân hàng nghìn tỷ đồng

ANTĐ - Ngày 6-9, Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896) đã họp phiên thứ nhất.

Hàng loạt giấy tờ sẽ được “gom” vào số định danh cá nhân

Tất cả giấy tờ vào một thẻ

Đề án 896 tạo điều kiện cho người dân đơn giản về thủ tục hành chính. Nếu như trước đây người dân phải có hàng chục loại giấy tờ thì nay chỉ cần dùng một thẻ lưu trữ tất cả. Mặt khác, đề án bảo đảm người dân chỉ phải kê khai thông tin về nhân thân một lần duy nhất, không phải kê khai lại vì tất cả được tích hợp, lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Phó 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đây là cuộc cách mạng về quản lý dân cư của Nhà nước, là cơ sở quan trọng để xây dựng Chính phủ điện tử”. Tại cuộc họp, BCĐ cho biết, kế hoạch đến năm 2015 là phải xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật cho đề án, để bảo đảm bắt đầu cấp số định danh cá nhân vào năm 2016 và đến 2020 sẽ hoàn tất. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, phải đến cuối năm 2013, Chính phủ mới rà soát xong và có con số cụ thể cắt giảm được bao nhiêu loại giấy tờ. Đây cũng là một nội dung công việc của Đề án 896. Do đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ triển khai đề án 896 để xem xét, thông qua Luật Hộ tịch. Đồng thời, Chính phủ cần đẩy mạnh xây dựng Luật Cư trú (sửa đổi) và Luật Căn cước để có thể cùng lúc thông qua cả 3 luật này. Bộ trưởng còn cho biết, hiện nay, Bộ Tư pháp đang liên hệ với Giáo sư Ngô Bảo Châu để phối hợp với Viện Toán cao cấp nhằm ứng dụng toán học vào đề án này. 

Tránh chồng chéo, lãng phí

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, khi xây dựng số định danh cá nhân, cần kết hợp với các kho dữ liệu của các bộ, ngành khác (đã có) như Bộ Tài chính (mã số thuế cá nhân), Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp... để tránh lãng phí trong việc phải xây dựng lại từ đầu. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: “Nếu đề án hoàn thành thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được cho dân 1.600 tỷ đồng. Thế nên, cần phải tập trung làm sớm, làm tổng thể luôn để tránh chắp vá, bởi càng chắp vá càng thêm tốn kém. Bộ Tư pháp rất mong các bộ, ngành vào cuộc sớm”.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay, các thủ tục hành chủ yếu giải quyết bằng giấy tờ, rất phiền phức, lộn xộn, không phù hợp với quốc tế. Vì vậy, việc triển khai đề án này rất ý nghĩa, không chỉ đối với công dân trong nước mà cả nước ngoài. Ông nhấn mạnh: “Những vướng mắc của cơ sở dữ liệu quốc gia phải được giải quyết, làm sao để có một bộ cơ sở dữ liệu quốc gia tốt nhất, khoa học, tính thống nhất cao”.

Theo thông tin từ phiên họp, Chính phủ không chủ trương thành lập cơ sở dữ liệu quốc gia mới mà sẽ tích hợp trên cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Công an (về quản lý hộ tịch, hộ khẩu), của Bộ LĐ-TB&XH (về quản lý lao động), của Bộ Ngoại giao (về quản lý visa, thị thực)... Mục tiêu là xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, chính xác, khoa học, không tốn kém và tránh trùng lắp.