Tiếp tục rà soát, loại bỏ thủy điện không phù hợp

ANTĐ - Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo loại khỏi quy hoạch  424 dự án thủy điện. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, sẽ tiếp tục rà soát các hồ thủy điện, thủy lợi, nếu phát hiện các hồ đã, đang và sẽ xây dựng có vấn đề, có thể gây hậu quả xấu thì dứt khoát loại bỏ.

Tiếp tục rà soát, loại bỏ thủy điện không phù hợp ảnh 1

- PV: Tuần này, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện, thông điệp chính của Chính phủ là gì, thưa Phó Thủ tướng?

- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Chúng ta cần nhìn nhận, việc phát triển các hồ thủy điện, thủy lợi là cần thiết phải làm. Trước hết, vì Việt Nam là quốc gia thiếu nước, rất cần nước cho sinh hoạt, đời sống của nhân dân và cho sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, những hồ chứa nước này kết hợp được đa mục tiêu là điều tốt nhất, có hiệu quả rất lớn. Có ý kiến cực đoan nếu bỏ hết đi là đỡ phải lo nhưng khi đó, lấy nước đâu mà phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất. Thực tế bao nhiêu địa phương thiếu nước, nếu không có hồ chứa sẽ thế nào, kể cả nước sinh hoạt của người dân. 

- Nhưng mặt trái của thủy điện nhỏ cũng rất đáng lo ngại, gây ra những thiệt hại lớn?

- Mặt trái của hồ thủy điện là có, vì thế, phải hạn chế tối đa những mặt tiêu cực. Để hạn chế mặt tiêu cực, Chính phủ đã giao các Bộ tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ thủy điện, thủy lợi trên toàn quốc. Từ đó, loại bớt những hồ không hợp lý, có vấn đề. 

Nhìn nhận một cách khách quan, bên cạnh việc điều tiết nước, hồ thủy điện, thủy lợi cũng có đóng góp khác. Nhưng quan trọng hơn cả là phải đưa ra được quy trình vận hành liên hồ chứa. Tất nhiên, quy trình không thể chuẩn ngay mà cần phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Cần đưa việc quản lý các hồ vào nề nếp, gắn chặt trách nhiệm chủ hồ, cơ quản quản lý Nhà nước. Bởi hồ chứa như “quả bom nước”, nên chủ hồ, cơ quản quản lý nhà nước phải có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát theo từng giai đoạn từ mùa khô đến mùa mưa lũ theo tiêu chí bắt buộc là phải đảm bảo an toàn thì mới cho tích nước. Quan điểm của Chính phủ là nếu hồ thủy điện, thủy lợi không đáp ứng được đa mục tiêu là dứt khoát bỏ, mà cụ thể là đã loại bỏ hơn 400 hồ thủy điện trong thời gian qua. 

Sẽ dứt khoát loại bỏ các hồ thủy điện có vấn đề, có thể gây hậu quả xấu

- Người dân rất muốn những chủ đầu tư, nhà thầu gây ra sự cố hồ thủy điện, thủy lợi phải được xử lý nghiêm, thưa Phó Thủ tướng?

- Chính phủ đã chỉ đạo xử lý cương quyết các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, chỉ chạy theo lợi ích riêng. Thực tế, chúng ta đã xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát... khi xảy ra các sự cố, sai phạm trong thi công xây dựng và vận hành quản lý các hồ thủy điện, thủy lợi. Cùng với đó, có việc tiến hành bồi thường cho người dân, địa phương chịu ảnh hưởng, thiệt hại. Các trường hợp chưa đủ xử lý hình sự thì cũng không thể áp đặt mà phải theo quy định luật pháp.

- Tới đây, Chính phủ có tiếp tục yêu cầu bộ ngành chức năng rà soát loại bỏ thêm các dự án thủy điện không phù hợp?

- Quan điểm của Chính phủ là liên tục rà soát, kiểm soát các hồ thủy điện, thủy lợi. Nếu bộ ngành, địa phương và người dân phát hiện các hồ đã, đang và sẽ xây dựng có vấn đề, sau đó đánh giá lại mà  thấy có hệ quả xấu thì dứt khoát loại bỏ.