Họp báo quốc tế về Biển Đông:

Tiếp tục phản bác những luận điệu bịa đặt, sai trái

ANTĐ - Chủ trì họp báo quốc tế về Biển Đông, chiều qua 16-6 có ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam; đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN); ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư.
Tiếp tục phản bác những luận điệu bịa đặt, sai trái ảnh 1
Bằng chứng không thể chối cãi về việc các tàu Trung Quốc bao vây, hung hăng
tấn công lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam


Mở đầu cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, trong những ngày qua, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngoan cố không rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu bảo vệ dù phía Việt Nam đã kiên trì yêu cầu nước này chấm dứt xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Không những vậy, nhiều tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc còn không ngừng dùng vòi rồng công suất lớn, đâm va, tấn công tàu, đánh đập ngư dân của Việt Nam. Đồng thời, phía Trung Quốc tiếp tục đưa ra những luận điệu sai trái về hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

- Báo Asahi (Nhật Bản): Trung Quốc vừa đưa bằng chứng hình ảnh, video cho thấy tàu Việt Nam đâm va vào tàu Trung Quốc. Xin bình luận về vấn đề này? Có hay không việc Việt Nam cử đặc công đến vùng giàn khoan?

- Ông Ngô Ngọc Thu: Trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Trung Quốc đưa số liệu tàu Việt Nam đâm va vào tàu Trung Quốc trên 1.500 lần. Xin khẳng định thông tin đó hoàn toàn sai sự thật. Thực tế ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 chỉ có tàu Trung Quốc chủ động đâm va, sử dụng vòi phun nước để chế áp tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Không có chuyện tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc. Trung Quốc đưa ra hình ảnh tàu Trung Quốc bị chùn mũi, đó là tàu đã dùng mũi đâm vào tàu Việt Nam. Tàu Việt Nam không thể dùng mạn đâm vào mũi tàu Trung Quốc được.

Trung Quốc nói Việt Nam sử dụng người nhái cản trở hoạt động của tàu Trung Quốc. Tôi bác bỏ thông tin này. Về vật trôi nổi, lưới Trung Quốc vớt được, chụp ảnh, là do ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc áp đảo, nên buộc phải bỏ lưới chạy, tránh bị phun nước. Trung Quốc vớt lưới lên và nói phía Việt Nam thả. Các thùng phuy trên tàu bị vòi rồng Trung Quốc phun vào nên rơi xuống nước…

- Báo Tiền Phong: Vừa qua, Trung Quốc nói Việt Nam nói Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974 là sai mà cho rằng Trung Quốc thực hiện xua đuổi quân của Việt Nam Cộng hòa đóng trên Hoàng Sa là để thực hiện luật pháp quốc tế? 

- Ông Trần Duy Hải: Tôi khẳng định các phát biểu như vậy là xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử. Sau khi Pháp rút khỏi miền Nam thì Pháp đã tiến hành bàn giao Hoàng Sa cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Việt Nam Cộng hòa quản lý đồn trú quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, Trung Quốc lợi dụng chiến tranh đã tấn công lực lượng Việt Nam Cộng hòa đồn trú trên các hòn đảo Hoàng Sa. Ngay như các trang mạng của Trung Quốc cũng thừa nhận Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công lực lượng của Việt Nam Cộng hòa, sử dụng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa.

- VnExpress: Trung Quốc nói các tàu cá Việt Nam ngăn cản tàu chấp pháp Trung Quốc? Đề nghị cho biết rõ quan điểm của Việt Nam?

- Ông Hà Lê: Hoàng Sa luôn là ngư trường truyền thống, từ bao đời nay ngư dân Việt Nam đã khai thác vùng biển này. Ngư dân khai thác ở đây là hoàn toàn bình thường theo pháp luật Việt Nam cũng như quốc tế. Không hiểu Trung Quốc nói tàu cá Việt Nam ngăn cản, quấy rối là như thế nào. Như trên các tư liệu, Trung Quốc điều ra hơn 100 tàu các loại, đều là tàu lớn, tàu cá vỏ sắt, có công suất lớn. Tàu cá Việt Nam đều là vỏ gỗ, đi khai thác thủy sản. Việc Trung Quốc nói tàu cá Việt Nam thường xuyên quấy rối là vô lý, không có căn cứ. Xin khẳng định các tàu cá Việt Nam chưa bao giờ có hành động ngăn cản, quấy rối tàu Trung Quốc dù tàu Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại vùng biển Việt Nam.

- VOV: Một số nhà ngoại giao khu vực cho rằng các nước ASEAN cần có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Ngoại trưởng Philippines ngày 16-6 cũng kêu gọi ASEAN yêu cầu Trung Quốc dừng mọi hoạt động xây dựng trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam có phản ứng thế nào?

- Ông Trần Duy Hải: Chúng tôi nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ tài liệu chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, nên mọi hoạt động của các bên không có sự đồng ý của Việt Nam đều bất hợp pháp. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, kể cả yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt hoạt động phi pháp ở Biển Đông khi họ phá vỡ hiện trạng ở Biển Đông và có những hành động gây căng thẳng.

Máy bay trinh sát và tàu tên lửa tấn công nhanh của Trung Quốc xuất hiện, bảo vệ giàn khoan

- Hãng thông tấn AP: Các đối tác nước ngoài có lo ngại khi khai thác các lô dầu khí ở Việt Nam không? Nếu họ lo ngại Việt Nam có phản ứng gì?

- Ông Nguyễn Quốc Thập: Trung Quốc tuyên bố có 57 lô dầu khí đang trong vùng tranh chấp, chúng tôi đã làm việc với tất cả công ty dầu khí đang hoạt động trong vùng mà Trung Quốc nói là tranh chấp, trong đó có hãng lớn như Exxon Mobi, Gazprom…Tại các cuộc làm việc này, chúng tôi nhận tín hiệu rất tốt, đại diện các công ty đều thông báo từ tổng hành dinh đã chia sẻ và ủng hộ lập trường cũng như tuyên bố của PVN cũng như của chính phủ Việt Nam. Họ khẳng định các hoạt động dầu khí của PVN cũng như của họ là hoàn toàn hợp pháp. Tất cả các công ty này đều khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng.Chúng tôi đang có kế hoạch cùng các công ty này triển khai hoạt động dầu khí hiệu quả nhất và tích cực nhất cho dù phía Trung Quốc có những tuyên bố này khác.

- Báo điện tử VietnamNet: Trung Quốc hiện đang bồi đắp mở rộng công trình xung quanh đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam có ý kiến gì trước các hành động của Trung Quốc?

Ông Lê Hải Bình: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết, tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã tiến hành mở rộng xây dựng công trình trái phép xung quanh đảo đá Gạc Ma và một số khu vực hòn đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng từ tháng 3-1988. Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động xây dựng mở rộng trái phép tại quần đảo Trường Sa và các hành động đơn phương khác làm thay đổi diện mạo quần đảo Trường Sa và không tái diễn các hành động trong tương lai vì nó đe dọa hòa bình, an ninh khu vực.

Hôm nay, lãnh đạo ngoại giao Việt - Trung họp tại Hà Nội

Hôm nay 17-6, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Tại  buổi họp báo quốc tế chiều qua, phóng viên AP có đặt câu hỏi: “Ông Dương Khiết Trì đến Việt Nam để dự cuộc họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc, chủ đề của cuộc họp này có đề cập đến vấn đề Biển Đông hay không và liệu Việt Nam có hy vọng gì từ cuộc họp này trong việc làm giảm căng thẳng ở Biển Đông?”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhận định: “Về chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, đây là cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.
Trong các chủ đề sẽ được thảo luận tại cuộc gặp lần này, tôi tin rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chắc chắn sẽ được bàn đến”.  

Từ trước đến nay, Việt Nam luôn hết sức kiên trì, tìm mọi kênh thông tin trao đổi, đối thoại với phía Trung Quốc để giải quyết hòa bình vấn đề căng thẳng hiện nay. “Cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc lần này chắc chắn cũng sẽ là một kênh, một sự kiện để hai bên có thể thảo luận vấn đề này để tìm ra giải pháp cho vấn đề căng thẳng hiện nay”, ông Lê Hải Bình nói.