Tiếp tục đề nghị phạt xe không “chính chủ”

ANTĐ - Dự thảo Nghị định (NĐ) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt mà Bộ GTVT soạn thảo tiếp tục kiến nghị xử phạt việc không sang tên đổi chủ xe. Một số hành vi khác như không đóng quỹ bảo trì đường bộ, nghe điện thoại khi đang điều khiển ô tô, xe máy cũng sẽ bị xử phạt nặng.

CSGT Hà Nội xử lý một trường hợp vừa điều khiển xe mô tô vừa nghe điện thoại

(Theo thông tư mới lỗi này sẽ bị xử phạt 60.000-80.000 đồng)

Ô tô không chính chủ phạt 4-8 triệu đồng

Trước đó, theo NĐ 71 (có hiệu lực từ tháng 11-2012) có điều khoản quy định, xe ô tô không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ 6 - 10 triệu đồng, mô tô xe máy bị phạt 800.000 - 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, quy định này đã gặp phải nhiều phản ứng trong dư luận, sự thiếu đồng thuận từ nhiều phía, Chính phủ đã yêu cầu trong khi chờ Thông tư hướng dẫn, lực lượng công an chưa xử phạt đối với hành vi sang tên đổi chủ; đồng thời các Bộ ngành liên quan đề xuất đưa ra giải pháp sang tên đổi chủ với các phương tiện cũ cho thuận tiện nhất.

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định thay thế NĐ 34, NĐ 71, NĐ 44, NĐ 156, xe mô tô, gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân (200.000 - 400.000 đồng với tổ chức) là chủ xe không làm thủ tục chuyển đổi lại giấy đăng ký xe theo quy định sau khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản là phương tiện; không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định... Với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô sẽ bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng (với chủ xe là tổ chức mức phạt là 4 - 8 triệu đồng) nếu không làm thủ tục sang tên đổi chủ và không nộp phí giao thông. 

Đi kèm với dự thảo NĐ này, tại tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT lý giải: vấn đề không sang tên đổi chủ vẫn còn các ý kiến khác nhau. Quan điểm thứ nhất là không quy định xử phạt vì hành vi vi phạm này thuộc điều chỉnh của pháp luật về phí và lệ phí. Quan điểm thứ hai, quy định về đăng ký phương tiện, phí phương tiện (hiện nay là Quỹ bảo trì đường bộ) được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, vì vậy cần quy định xử phạt, đề nghị điều chỉnh mức phạt tiền tương ứng với mức phí tương ứng.  

Chưa đúng thời điểm

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cả việc xử phạt xe không chính chủ và xử phạt không mua phí giao thông không nên đưa vào NĐ này. “Hai vấn đề này thuộc vào lĩnh vực phí và lệ phí, không phải ATGT. Hơn nữa, hiện nay, lực lượng công an làm nhiệm vụ trên đường đã quá tải với quá nhiều đầu mục xử phạt, nhiệm vụ, không nên đổ dồn lên đầu lực lượng này thêm nữa”, ông Hùng nói. Ngoài ra, đến nay, vấn đề thu, nộp và sử dụng phí bảo trì đường bộ vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận trong dư luận, việc quy định thời gian quá gần là không hợp lý. Còn việc xử phạt xe không chính chủ, trước khi thực hiện xử phạt phải tháo gỡ mọi khó khăn cho người dân khi làm thủ tục sang tên đổi chủ về cả hai yếu tố là hạ phí trước bạ và giảm thủ tục phiền hà. Đây lại chưa tháo gỡ xong khó khăn đã tính đến chuyện xử phạt. 

Chính phủ đã có Nghị quyết 02 tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện sang tên đổi chủ, hạ phí trước bạ đăng ký lần 2 xuống 2%. Nhưng Thông tư hướng dẫn quyết định này chưa ra đời, thời điểm áp dụng vẫn phải chờ thì không nên tính chuyện xử phạt quá sớm như vậy. Cũng liên quan đến vấn đề này, Chính phủ giao Bộ Công an sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 để giúp người dân giảm thủ tục, thời gian đăng ký lại phương tiện. “Thủ tục sang tên đổi chủ hiện cũng gặp nhiều vấn đề phức tạp như chủ xe đã mất, không còn sinh sống ở Việt Nam… Hoàn thành xong Thông tư về điều này cũng mất cả năm chứ không thể ngày một, ngày hai mà xong được”, ông Hùng nhận định.  

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, NĐ mà Bộ GTVT đang soạn thảo lại dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 nhưng giờ mới triển khai lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành thì không thực tế, không thể xong được. “Tôi chưa biết như vậy thì NĐ này sẽ được ban hành vào thời điểm nào mà lại đưa ra thời điểm có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây”.

Điểm mới trong NĐ này là người sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. Với mô tô, xe gắn máy, phạt từ 60.000 - 80.000 đồng nếu sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ trợ thính).

Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng khi người điều khiển phương tiện giao thông cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.