Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN:

Tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp gần đây trên Biển Đông

ANTĐ - Ngày 24-7, tại Thủ đô Viêng Chăn của Lào, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 49 (AMM-49) đã diễn ra với sự tham dự của 10 Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã tham dự Hội nghị.

Các quan chức tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm tại lễ khai mạc

Với chủ đề "Đưa Tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động", các bộ trưởng đã tập trung thảo luận 5 nội dung chính gồm: các biện pháp củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; nâng cao hiệu quả bộ máy tổ chức; hợp tác giữa ASEAN với các đối tác và trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế. 

Thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế, các bộ trưởng trao đổi về nhiều vấn đề cùng quan tâm như bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, Biển Đông, các thách thức đang nổi lên như khủng bố, buôn bán người, di cư, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, biến đổi khí hậu, thiên tai. 

Về vấn đề Biển Đông, các bộ trưởng dành nhiều thời gian trao đổi, khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông gắn liền với hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực; tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp gần đây trên Biển Đông, trong đó có việc bồi đắp và quân sự hóa, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Nhiều bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần phát huy đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, kêu gọi kiềm chế và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp; Biển Đông cũng chính là phép thử đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.

Các bộ trưởng cũng khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; tầm quan trọng của việc đề cao luật pháp quốc tế, các tiến trình pháp lý và ngoại giao đã được nhấn mạnh, kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; không quân sự hóa, không có các hành động làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, và đạt tiến triển thực chất trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).