Tiếp thị mặt trơ, người dân bực bội

ANTĐ - “Ngày nào cũng vậy, mỗi khi đi làm về là tôi lại phải thu dọn hàng chục tờ rơi vứt trước cửa nhà, từ tiếp thị gas, quần áo, trung tâm gia sư … đến nhận làm cửa sắt, rèm cửa. Hiện tượng này không chỉ gây phiền phức cho người dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến ANTT trong các khu nhà cao tầng”…

Tiếp thị mặt trơ, người dân bực bội ảnh 1Người dân ở nhiều khu chung cư “bội thực” vì tờ rơi, tiếp thị

Chào hàng kiểu… bắt ép ?!

Trên đây là phản ánh của anh Nguyễn Hoan - hiện đang sống tại nhà CT5 khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội. Anh Hoan cho biết thêm, không ít lần đang trông con nhỏ trong nhà thì thấy tiếng đập cửa ầm ầm, tưởng có chuyện cấp bách, anh vội vàng chạy ra mở cửa thì thấy nhân viên tiếp thị sữa tắm, dầu gội đầu đến chào mời. Anh Hoan lấy lý do bận, quay vào trong thì nhân viên này lập tức bám theo, rồi thao thao bất tuyệt quảng cáo về chất lượng của sản phẩm. Cuối cùng, anh Hoan đành phải mua 1 chai dầu gội với giá 15.000 đồng rồi nhanh chóng tiễn cô nhân viên tiếp thị “dai như đỉa” ra cửa. “Rời nhà tôi, cô ta tiếp tục gõ cửa các nhà khác và hầu như ở nhà nào cô nhân viên này cũng bán được một vài sản phẩm. Đa số những người mua hàng tuy không tin tưởng vào chất lượng mặt hàng nhưng vẫn mua vì không muốn mất thời gian. Tình trạng nhân viên tiếp thị làm loạn các khu chung cư gần như ngày nào cũng diễn ra khiến người dân rất mệt mỏi”, anh Hoan thở dài. 

Cũng trong tình trạng tương tự, dù mới chuyển về khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính được vài tháng nay nhưng hầu như cuối tuần nào chị Võ Thị Thanh Tuyết cũng chạm mặt với nhân viên tiếp thị. Do ngày thường, phần lớn các gia đình trong chung cư đều đi vắng nên việc tiếp thị được tập trung vào các ngày nghỉ. Điều đáng nói là đa số những người đi tiếp thị thường rất lì, khi đã tiếp cận được đối tượng thì đeo bám rất lâu. Họ thường bấm chuông, gõ cửa nhiều lần, sau đó tranh thủ chủ nhà không để ý xông thẳng vào nhà và nói liên tục. Nếu chủ nhà đi vắng, họ vứt tờ rơi vào trong hay nhét qua khe cửa, dán trên tường hoặc ném những tập báo dày hàng vài chục trang, in khổ lớn trước cửa nhà.  “Có những buổi sáng tôi phải tiếp đến 4, 5 người, từ tiếp thị quần áo, chăn gối đến gạo, đồ khô, hàng gia dụng... Bức xúc nhất là vào giờ nghỉ trưa, các đối tượng này tranh thủ đến các nhà và bấm chuông dồn dập khiến chủ nhà không mở cửa thì không yên tâm, còn mở cửa thì rất bực mình”, chị Tuyết chia sẻ.

Tình trạng tiếp thị kiểu bắt ép người tiêu dùng đang diễn ra khá phổ biến ở các khu nhà cao tầng, đặc biệt là tại các chung cư bình dân mới có người dọn đến ở với việc quản lý người ra, vào còn lỏng lẻo. Ngoài việc gây phiền toái cho người dân, hiện tượng này còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan của chung cư và dẫn tới tình trạng lộn xộn trong các khu nhà.

Tiếp thị mặt trơ, người dân bực bội ảnh 2

Thận trọng với tiếp thị lừa

Có thể nói một trong những đối tượng tiếp thị “chai mặt” nhất tại các khu chung cư hiện nay là tiếp thị gas. Các đối tượng này luôn tìm cách vào trong các căn hộ để dán số điện thoại lên bình gas, lợi dụng những lúc hộ gia đình vắng người hoặc không để ý vặn bẻ luôn van gas khiến van hỏng rồi nhận sửa chữa hoặc thay van mới. 

Thời gian qua, tình trạng giả danh nhân viên tiếp thị đến các gia đình, cửa hàng để trộm cắp, lừa đảo cũng diễn ra khá phổ biến. Cách đây không lâu tại một doanh nghiệp trên phố Thái Hà, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, khi chị N.M.H nhân viên của công ty đang trực thì có 2 nam thanh niên bước vào mang theo một thùng carton  đựng các dụng cụ nhà bếp  (bát, nồi sứ…). Sau khi  không thuyết phục chị H mua hàng, cả 2 nhanh chóng ra về. Gần 1 tiếng sau, chị H phát hiện chiếc điện thoại iPhone 5S của mình đã không cánh mà bay. Khi xem lại camera an ninh của công ty, chị H mới biết chính 2 đối tượng mời chào mua đồ dụng cụ nhà bếp đã lấy cắp chiếc điện thoại.

Không chỉ trộm cắp, một số đối tượng mang danh tiếp thị còn lừa đảo người dân dưới hình thức mua hàng trúng thưởng. Đây không phải là thủ đoạn mới song do hoa mắt trước những món quà có giá trị lớn được các đối tượng tiếp thị đưa ra mà không ít người dân vẫn bị mắc lừa. Có đối tượng còn tự xưng là nhân viên các siêu thị lớn đến nhà dân để giới thiệu sản phẩm mới như bếp từ, bình lọc nước... “rởm”. 

Về tình trạng trên, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định, “nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng. Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Còn đối với các đối tượng tiếp thị có hành vi trộm cắp, lừa đảo, khi phát hiện thấy hiện tượng này, người dân cần tìm cách giữ chân đối tượng rồi báo ngay với cơ quan công an để có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, mỗi gia đình hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh mở cửa cho nhân viên tiếp thị vào nhà khi vắng người, đồng thời kiến nghị với đơn vị quản lý toà nhà để có các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trong chung cư nơi mình sinh sống.