Tiếp sức “nuôi” con chữ vùng cao

ANTĐ - Hơn 1 tấn gạo, 300 thùng mì, 1 tạ bột canh cùng hàng chục bộ bàn ghế dành cho các cháu bé trong độ tuổi mẫu giáo đã được ni sư trụ trì các chùa Vân Hồ, Trung Kính, Quan Hoa và chùa Bộc phối hợp cùng Báo An ninh Thủ đô chuyển đến các trường học của huyện Xín Mần (Hà Giang) trong ngày 23-3. Đây là chương trình xã hội từ thiện nhằm đáp lại lời kêu gọi tiếp sức cho các học trò nghèo tại tỉnh vùng cao biên giới này.

Tiếp sức “nuôi” con chữ vùng cao ảnh 1Số tiền 10 triệu đồng được ủng hộ để sửa lại lối đi bị sạt lở của trường tiểu học bán trú Pà Vầy Sủ

Gian nan gieo chữ trên núi đá

Con đường từ trung tâm huyện Xín Mần vào đến UBND xã Pà Vẩy Sủ chỉ độ 20km, nhưng để vào được tới trung tâm xã, xe của đoàn công tác phải đánh vật với cung đường lổn nhổn đầy đá hộc suốt hơn một tiếng đồng hồ. Nếu Xín Mần là huyện khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang thì Pà Vầy Sủ lại là xã nghèo nhất của huyện. Bí thư Đảng ủy xã Thèn Văn Tính đón chúng tôi tại đầu con dốc dựng đứng, nửa như phân trần, nửa như chia sẻ với sự chậm trễ của cả đoàn: “Các anh đi vào đây thì mới hiểu vì sao bà con trong xã lại khó khăn đến thế. Cung đường này, người dân Pà Vẩy Sủ đi lại hàng ngày cũng phải mất gần 1 tiếng. Đường cứ đắp được ít bữa lại sạt lở, nhiều đoạn rất nguy hiểm”.

Thế nhưng, cái sự khó khăn của Pà Vầy Sủ lại không phải là cá biệt. Bằng chứng là số hàng chúng tôi mang đến, Bí thư Thèn Văn Tính chỉ xin nhận một nửa, còn lại chia bớt cho các học trò trường xã Nàn Ma và 3 trường mầm non, trường tiểu học và trường trung học cơ sở của xã vì các em học sinh trường bạn cũng khó khăn không kém. Cô giáo Vương Thị Hà - Hiệu trưởng trường Mầm non Pà Vầy Sủ nói: “Lâu lắm rồi, các cháu nhỏ ở đây không  được nhận quà. Nhà trường có gần 200 cháu với tỷ lệ 100% là con em đồng bào dân tộc Mông. Cứ nhìn dọc đường lên đây không có mảnh nương rẫy nào ra hồn là các anh đủ hiểu đời sống bà con nghèo đến mức nào. Các cháu ở đây hoàn toàn được nuôi theo chế độ Nhà nước chứ gia đình không có bất cứ khoản đóng góp gì. Mà muốn đóng cũng chẳng có bởi bữa ăn thường ngày của các bậc cha mẹ cũng là mèn mén (món ăn truyền thống của đồng bào Mông bằng bột ngô đồ) thì lấy đâu ra đóng góp cho nhà trường”. 

Còn thầy Nguyễn Thành Trung - Hiệu trưởng trường tiểu học bán trú Pà Vày Sủ thì mừng ra mặt khi được mời tới nhận quà: “Muốn học sinh vùng cao có được cái chữ thì trước tiên phải lo cho các em no cái bụng. Đây là điều mà khi nhận công tác ở trên này, các thầy cô phải thuộc nằm lòng. Khổ nỗi địa hình khó khăn, địa phương còn quá nghèo nên mọi thứ chỉ mới dừng ở sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu chúng tôi thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của ni sư các chùa và của tòa soạn như thế này thì sự gian nan gieo chữ trên núi đá của các thầy cô sẽ vơi đi nhiều lắm”. 

Tiếp sức “nuôi” con chữ vùng cao ảnh 2Ni sư trụ trì các chùa Vân Hồ, Trung Kính, Quan Hoa, chùa Bộc tặng quà cho học sinh xã Pà Vầy Sủ

Mong những tấm lòng chia sẻ từ miền xuôi

Trường tiểu học bán trú Pà Vày Sủ ép vào vách núi với lối đi chính đã sạt mất một nửa. Chỉ vào những vết lở sâu hoắm, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thành Trung bảo, lối vào trường bây giờ hỏng rồi, không biết mùa mưa tới đất có còn lở nữa hay không? Trường cũng đã đề nghị UBND xã hỗ trợ tài chính đắp lại đường cho các em tới lớp, nhưng xã khó khăn quá nên tính đi tính lại cũng chưa biết đào đâu ra kinh phí. Đoàn công tác hội ý rất nhanh và các ni sư trụ trì 4 ngôi chùa ủng hộ ngay số tiền 10 triệu đồng góp với UBND xã làm lại con đường nhỏ này.

Rời Pà Vầy Sủ, chúng tôi lên đường đến với Nàn Ma. Đường cheo leo níu bước chân nên khi tới nơi thì đã quá trưa. Thế nên thay vì tập trung đầy đủ học sinh, cô giáo Trịnh Thị Hiền - Hiệu trưởng trường mầm non đã tập hợp các giáo viên cùng với thầy cô của 2 trường tiểu học và trung học cơ sở bán trú tới  nhận quà. Cô Hiền bảo: “Đến giờ nghỉ trưa nên các cô phải cho các cháu đi ngủ. Trường có hơn 300 cháu nhỏ, nhưng ngoài trường chính còn phải chia tới 6 điểm trường tại 6 bản khác nhau vì đường đến trường xa xôi quá. Trẻ em ở đây dù học mầm non nhưng cũng phải tự đi đến lớp do bố mẹ bận đi nương. Ở Nàn Ma mỗi cháu nhỏ mầm non đi học hoàn toàn trông vào số tiền ăn 120.000đồng/tháng hỗ trợ của Nhà nước”. Tôi bấm đốt ngón tay, nếu mỗi tháng các cháu chỉ đi học 20 ngày thì tính ra các em bé này chỉ ăn tương đương 6.000đồng/ngày, tức 3.000đồng/bữa. Số tiền ấy, với trẻ em thành phố chỉ vừa đủ mua 1 gói bim bim. Thế nên những thứ như đồ chơi, quần áo lại càng xa vời. Nhận những bộ bàn ghế và mỳ, gạo từ đoàn công tác chúng tôi, cô Hiền xúc động: “Tôi xin thay mặt các thầy cô giáo, các vị phụ huynh nhận số quà này cho các con. Tới đây, các thầy cùng tòa soạn giúp đỡ hay vận động thêm cho các bé chút gì, chúng em xin đón nhận tất cả. Cuộc sống của học sinh vùng cao vẫn còn vất vả, khó khăn và cần sự quan tâm của miền xuôi nhiều lắm”.

Chúng tôi không biết nói gì trước lời đề nghị chân tình của cô Hiền, càng không biết nói gì khi thầy Đỗ Văn Tuyên - Hiệu trưởng trường tiểu học bán trú Nàn Ma cho hay trường có tới 140 học sinh nội trú trong tổng số gần 450 em cần giúp đỡ. So với những khó khăn của các trường học vùng cao, sự giúp đỡ của chúng tôi vẫn còn quá nhỏ và chưa thấm tháp gì. Có lẽ để làm được điều này, chúng tôi cần sự chung vai sát cánh của tất cả bạn đọc.