Tiếp sức người đi biển

ANTĐ - “Công ước này là một mốc quan trọng trong lịch sử hàng hải” - Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder nhấn mạnh khi Công ước Lao động hàng hải (MLC) chính thức đi vào cuộc sống.

Tiếp sức người đi biển ảnh 1
Công ước MLC sẽ tiếp sức thiết thực cho hàng triệu thủy thủ trên biển khơi sóng gió


Công ước Lao động hàng hải (MLC) bắt đầu chính thức có hiệu lực từ ngày 20-8-2013 sau khi được 45 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, phê chuẩn. Công ước sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hàng triệu thủy thủ khắp thế giới làm việc trên biển cũng như để bảo vệ các tuyến vận tải biển và cuộc cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các tập đoàn vận tải biển.

Công ước MLC được ILO tiến hành xây dựng từ khá sớm và được tổ chức này thông qua ngày 23-2-2006 tại Geneva (Thuỵ Sĩ). Việc hình thành Công ước MLC diễn tra trong bối cảnh hàng triệu thủy thủ, những người giữ vai trò quyết định trong sứ mệnh đảm bảo việc thông thương hàng hoá toàn cầu, song luôn phải đối mặt với bao bất trắc, hiểm nguy khi hành nghề giữa biển khơi mênh mông sóng gió.

Theo ILO, vận tải biển từ lâu là một trong những ngành dịch vụ xương sống, có vai trò sống còn với nền kinh tế toàn cầu, tạo ra hàng triệu việc làm và nuôi sống hàng tỷ người trên thế giới. Cho dù các loại hình vận tải khác như đường bộ, đường sắt và hàng không ngày càng phát triển, nhưng không có ngành vận tải nào có thể sánh bằng vận tải biển hiện chiếm tới hơn 90% tổng khối lượng vận chuyển hàng hoá toàn cầu và có xu hướng gia tăng hơn nữa. 

Góp phần quyết định đảm bảo huyết mạch kinh tế và đời sống trên toàn cầu, song khoảng 1,5 triệu thuỷ thủ trong ngành vận tải biển, ngoài những chuyến đi biển kéo dài hàng tháng trời, họ còn phải luôn đối mặt với bao bất trắc, hiểm nguy rình rập giữa trùng khơi. Chính vì thế, sự ra đời của Công ước MLC, không chỉ là “một mốc quan trọng trong lịch sử hàng hải” như lời của Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder mà còn tạo điều kiện sống và làm việc tốt hơn cho thuỷ thủ, qua đó thúc đẩy hoạt động vận tải hàng hải toàn cầu, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Để có hiệu lực sau khi được ILO thông qua tháng 2-2006, Công ước MLC cần có sự phê chuẩn của ít nhất 30 nước thành viên ILO chiếm hơn hơn 33% tổng lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng hải của cả thế giới. Đến ngày 20-8-2012, Công ước đã nhận được sự phê chuẩn của 30 quốc gia để chính thức có hiệu lực 1 năm sau đó, tức ngày 20-8-2013. Từ đó đến nay đã có thêm 15 thành viên ILO phê chuẩn, trong đó có Việt Nam, nâng tổng thành viên tham gia lên 45 nước, chiếm khoảng 75% tổng lượng hàng hóa vận tải biển toàn cầu.

Công ước MLC quy định các yêu cầu tối thiểu liên quan đến điều kiện làm việc của người đi biển, gồm: điều kiện tuyển dụng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, sinh hoạt, phương tiện giải trí, cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội… Theo quy định của Công ước MLC, tất cả thuỷ thủ đều có quyền hưởng: môi trường làm việc trên biển an toàn và an ninh theo chuẩn mực quốc tế, chính sách chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế, chính sách phúc lợi và các chính sách xã hội khác.

Công ước MLC vì thế được xem là sự tiếp sức thiết thực và hiệu quả đối với hàng triệu thuỷ thủ trên thế giới.