"Tiếp sức" để báo chí vượt khó

ANTĐ - Tạo cơ chế thông thoáng cho cơ quan báo chí, mở rộng phạm vi quy định quyền hạn và trách nhiệm của nhà báo là những nội dung nổi bật được các ĐBQH đặt ra trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 21-3, xung quanh dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

"Tiếp sức" để báo chí vượt khó ảnh 1Báo chí tác nghiệp tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Thuần Thư

                                                         

Luật Báo chí không quản lý mạng xã hội

Tại kỳ họp trước, có ý kiến đề nghị xem xét đưa một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí như trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật này. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) được trình ra kỳ họp thứ 11 của Quốc hội chiều 21-3 và không có phần quy định về quản lý loại hình mạng xã hội. Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo luật này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, UBTVQH đồng ý không đưa mạng xã hội vào dự thảo luật.

“Mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin. Mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh. Hiện nay, hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên quy định như dự thảo luật đối với đặc san, bản tin, còn mạng xã hội để văn bản pháp luật khác điều chỉnh” - ông Đào Trọng Thi nói.

Liên quan đến vấn đề mạng xã hội, góp ý vào mục “Quyền hạn và trách nhiệm của nhà báo”, ĐB Hà Minh Huệ (đoàn Bình Thuận) đề nghị bổ sung quy định: Phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền thông tin trái với chính sách thông tin báo chí của Nhà nước. “Anh không thể viết báo một đằng xong lên facebook tuyên truyền một kiểu, trái với chính quan điểm bài báo, tờ báo của mình”, ĐB Hà Minh Huệ nêu quan điểm.

Tạo cơ chế, tăng nguồn thu cho báo chí

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP.HCM) cho rằng, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông thế giới, báo chí truyền thống bị cạnh tranh rất lớn từ mạng thông tin xã hội. “Các cơ quan báo chí sẽ càng khó khăn hơn về cạnh tranh thông tin và nguồn thu. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cần phải được xây dựng dựa trên thực tiễn này.

Vấn đề đặt ra là, Nhà nước sẽ “tiếp sức” như thế nào cho các cơ quan báo chí trước tình hình trên? Với lần sửa luật này, các cơ quan báo chí mong muốn Nhà nước tạo điều kiện cho báo chí phát triển không phải bằng việc bao cấp mà bằng một cơ chế để có thể tự chủ và năng động hơn trong việc tạo ra nguồn thu. Các hình thức tạo nguồn thu cho báo chí chẳng hạn cho đăng tải thông tin trên Youtube hoặc liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài…”.

Đồng quan điểm, ĐB Hà Minh Huệ nói: “Một điều tôi băn khoăn mà dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) chưa giải quyết được, đó là các cơ quan báo chí, đặc biệt báo in đang rất khó khăn tài chính. Nhiều cơ quan báo in đang sống dở, chết dở, nhiều hợp đồng quảng cáo ký với doanh nghiệp nhưng luật chưa thể hiện rõ ưu tiên của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí làm nhiệm vụ chính trị hay Nhà nước có chính sách đầu tư, ưu đãi cho cơ quan báo chí không?”.

Các quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo cũng được các đại biểu rất quan tâm. ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) có ý kiến: “Khoản 2, Điều 4 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí gồm 6 điểm. Tôi thấy rằng 6 điểm đều thể hiện nội dung nhiệm vụ của báo chí mà chưa có điểm nào thể hiện về quyền hạn của báo chí, đề nghị bổ sung”.

Cũng trong buổi thảo luận, nhiều ĐB đồng tình đề nghị bỏ quy định 5 năm đổi thẻ nhà báo một lần vì cần xem đây là công cụ hành nghề; rút ngắn thời gian cấp thẻ từ 3 năm xuống còn 2 năm để tạo điều kiện cho các nhà báo trẻ; bổ sung quy định xử lý trong trường hợp cơ quan báo chí giải thể; tạo nhiều ưu đãi cho báo chí khu vực vùng sâu vùng xa…