Giao thương với Trung Quốc: Không thể cầm đằng lưỡi (Bài 2)

Tiếp sức cho doanh nghiệp

ANTĐ - Căng thẳng ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến nhiều người băn khoăn, “làm thế nào để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc”, hay có nên tiếp tục “chơi” với đối tác này? Câu trả lời của các chuyên gia kinh tế là “vẫn chơi” và nên tận dụng cơ hội.

Nâng cao chất lượng nông sản để mở rộng thị trường xuất khẩu

“Không thể không chơi”

Tiến sĩ Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hội nhập là yêu cầu tất yếu để phát triển của mỗi quốc gia và tham gia hội nhập, các nước đều phải chấp nhận rủi ro. Trung Quốc là quốc gia mới trỗi dậy, là một nền kinh tế lớn nên Việt Nam “không thể không chơi! Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc hiện tại khá sâu, chỉ tính riêng thương mại, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Việt Nam, chưa kể đầu tư, đấu thầu, du lịch”- ông Võ Trí Thành nêu quan điểm. 

Phân tích rõ hơn những nguy cơ khi giao thương với Trung Quốc, tiến sĩ Võ Trí Thành nói, trong đầu tư, Trung Quốc đứng thứ 9 về tổng số vốn FDI vào Việt Nam, nhưng họ lại nắm những dự án nhạy cảm ở lĩnh vực giao thông, năng lượng. Khách du lịch Trung Quốc chiếm 25% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam với doanh thu 500 triệu USD/năm nên nếu không giao thương với Trung Quốc, Việt Nam sẽ bị thiệt. Ngược lại, Trung Quốc không thể ồ ạt cấm cửa đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sang Việt Nam, tức là cắt 100% thương mại giữa 2 nước thì Trung Quốc cũng thiệt hại nặng nề. 

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay: “Trung Quốc hiện đang nhập khẩu 45% lương thực (gạo) của Việt Nam để phục vụ cho 3 tỉnh: Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam. Nước này đang ép giá gạo Việt Nam, nhưng nếu không nhập từ Việt Nam, 3 tỉnh này của Trung Quốc có nguy cơ thiếu gạo”. Theo vị chuyên gia kinh tế cao cấp này, Việt Nam đã có quan hệ với Trung Quốc và sẽ tiếp tục mối quan hệ này bởi Trung Quốc là “công xưởng” của thế giới. 

Đừng “theo voi ăn bã mía”

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, để tự chủ trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau, các doanh nghiệp Việt Nam phải làm được sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, vượt qua đối thủ bằng sản phẩm khác biệt. “Làm theo sản phẩm của Trung Quốc là “theo voi ăn bã mía”. Một số ít doanh nghiệp Việt Nam đã được Bộ KHCN công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ nên đã dần sản xuất sản phẩm đặc biệt, ít phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu”- ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh. Ví dụ như trường hợp của Công ty cổ phần phích nước Rạng Đông. Trước đây doanh nghiệp này phải nhập khẩu 90% đất hiếm để sản xuất, nhưng nay tỷ lệ nhập đã giảm xuống, doanh nghiệp đã tìm được nguyên liệu mới để thay thế. Ngoài ra, cũng phải tránh nhập khẩu quá nhiều từ một thị trường để không bị ép giá. Kinh nghiệm nhập khẩu khí đốt của nước Đức là không nhập quá 8% lượng khí đốt từ một thị trường. Vì vậy, họ không bị phụ thuộc, ép giá…

Nhấn mạnh sự tự chủ, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho hay: “Quan trọng nhất trong thế giới hội nhập là đa dạng hóa thị trường, đưa ra nhiều sản phẩm phù hợp với sức vươn lên của nền kinh tế. Trong đó, không chỉ đa dạng hóa thị trường đầu vào mà còn cả đầu ra, có như thế chúng ta mới nâng cao được giá trị của Việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.