Tiếp nhận nhiều hiện vật quý cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

ANTĐ - Chiều 13-3, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận nhiều hiện vật quý do các nhà báo, gia đình nhà báo hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2016.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Tiếp đó, Thủ tướng đã ký tiếp quyết định bổ sung Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào hệ thống bảo tàng quốc gia, và cuối tháng 1-2015, phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án trưng bày bảo tàng, với tổng kinh phí xấp xỉ 36 tỷ đồng.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam là bảo tàng chung của tất cả các thế hệ nhà báo Việt Nam và nhân dân. Sự hiến tặng hiện vật của các nhà báo, gia đình nhà báo, các cơ quan báo chí là hết sức quan trọng. Điều này thể hiện sự quan tâm, chung sức của toàn thể các nhà báo và gia đình để xây dựng Bảo tàng.

Nhân dịp này, ông Hồ Quang Lợi cũng kêu gọi các nhà báo, gia đình các nhà báo, Hội Nhà báo các địa phương, các cơ quan báo chí hãy cùng hiến tặng Bảo tàng những hiện vật có ý nghĩa, gắn với hoạt động báo chí, mang dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa giáo dục. Các hiện vật thể hiện được quá trình lịch sử báo chí cách mạng vẻ vang – một nền báo chí anh hùng, tiến bộ và nhân văn.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi tiếp nhận hiện vật do các cá nhân trao tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Ngay tại buổi lễ, nhiều nhà báo, gia đình các nhà báo đã hiến tặng những hiện vật có ý nghĩa cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Trọng Khánh, Phó trưởng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Bảo tàng bức tượng “Bác Hồ đọc báo Nhân Dân”.

Con gái cố nhà báo Xuân Thủy trao tặng bộ quần áo kí giả mà nhà báo Xuân Thủy sử dụng trong những năm 60 của thế kỉ XX, khi ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Lê Mai Phong tặng những thước phim quý báu về thành cổ Quảng Trị vào năm 1972 và chiếc máy ảnh ông dùng tác nghiệp ở Sài Gòn tháng 4/1975; Nhà báo Hữu ước tặng những số báo An ninh thế giới đầu tiên; PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái tặng những giáo trình báo chí cho Bảo tàng…

Ngoài ra, rất nhiều hiện vật là các tài liệu cổ, quý, những thước phim gốc, tranh ảnh cũng đã được các nhà báo, thân nhân của họ hiến tặng để bảo tàng ngày càng phong phú hơn.