Tiếp diễn phiên xử Bùi Tiến Dũng: Xuất hiện tình tiết mới

(ANTĐ) - Bước sang ngày thứ 5, phiên tòa xét xử Bùi Tiến Dũng bất ngờ xuất hiện tình tiết mới trong phần luận tội các bị cáo của đại diện VKS trước khi đề nghị những mức án cụ thể.
Tiếp diễn phiên xử Bùi Tiến Dũng: Xuất hiện tình tiết mới ảnh 1
Dũng “tổng” (bên phải trên cùng) cùng 8 bị cáo trong ngày xét xử thứ 5 ngày 1-7

Nhận định về hành vi phạm tội của các bị cáo tại phiên xử, đại diện VKSND Hà Nội khẳng định, Phạm Tiến Dũng (nguyên Trưởng phòng PID6 - PMU18) là người có vai trò quan trọng nhất trong vụ án. Tuy nhiên, can phạm đã chết trong giai đoạn điều tra nên không đề cập truy cứu. Tiếp đến là Nguyễn Vũ Nam và Nghiêm Phú Sơn, nguyên Phó Trưởng phòng PID6. Để rút được 3,08 tỷ đồng trong số hơn 3,4 tỷ đồng từ tiền lương lập khống về số nhân viên tư vấn bổ sung (NVTVBS), bị cáo Nam và Sơn đã được Phạm Tiến Dũng bàn bạc, thống nhất phương thức phạm tội, trước khi trình Bùi Tiến Dũng ký duyệt. Các bị cáo khác gồm: Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Hữu Long, Lê Minh Giang, Nguyễn Công Dũng và Trần Đức Hùng giữ vai trò giúp sức tích cực. Hành vi của nhóm bị cáo này thể hiện ở chỗ trực tiếp lập danh sách NVTVBS ở các gói thầu cầu Bãi Cháy, ký đề nghị duyệt thanh toán tiền lương và ký nhận, quản lý lương khống của các NVTVBS. Sau khi rút được tiền, các bị cáo đã chia nhau chiếm hưởng cá nhân và chi tiêu trái nguyên tắc hết. Mặc dù hầu hết các bị cáo đều quanh co, chối tội nhưng căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra và lời khai tại phiên tòa, hoàn toàn có đủ cơ sở khẳng định các bị cáo đã phạm tội tham ô tài sản, theo Điều 278-BLHS. Đối với bị cáo Đỗ Kim Quý, tuy không biết số tiền mà Bùi Tiến Dũng chỉ đạo Phạm Tiến Dũng “biếu xén” trước khi về hưu lấy từ nguồn lương khống của các NVTVBS, nhưng ngay từ đầu đã ý thức được đó không phải là tiền hợp pháp. Dù vậy, Đỗ Kim Quý vẫn nhận để tiêu xài cá nhân. Lời khai của bị cáo tại CQĐT và ngay tại phiên tòa đều thể hiện rất rõ hành vi này. Vì vậy, có đủ cơ sở quy kết Đỗ Kim Quý đã phạm vào tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bất ngờ lớn nhất trong vụ án chính là đại diện VKSND TP Hà Nội đã thay đổi tội danh đối với Bùi Tiến Dũng sau 5 ngày xét xử. Theo đó, Dũng “tổng” được chuyển từ tội tham ô tài sản sang tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 281-BLHS. Tội tham ô tài sản theo điểm a, khoản 4, Điều 278-BLHS có khung hình phạt từ 20 năm đến tù chung thân hoặc tử hình. Nhưng với tội danh mới này, Dũng “tổng” bị đề nghị xử phạt từ 11 đến 12 năm tù giam. Lý giải về việc thay đổi tội danh đối với nguyên Tổng giám đốc PMU18, đại diện VKS giữ quyền công tố khẳng định, đó là căn cứ vào tài liệu điều tra và kết quả xét hỏi tại phiên tòa. Trong suốt quá trình thẩm vấn, Dũng “tổng” đã phủ nhận toàn bộ việc chỉ đạo thuộc cấp lập danh sách khống NVTVBS để rút tiền lương, không “sai bảo” Phạm Tiến Dũng biếu nguyên Phó Tổng giám đốc PMU18 500 triệu đồng và cũng không yêu cầu “ai đó” vung cả trăm triệu đồng tiếp đãi bạn học. Tuy nhiên, Dũng “tổng” lại thừa nhận có ký duyệt số tiền trả lương cho 26 NVTVBS lập khống mà Phạm Tiến Dũng đệ trình. Ở một số bút lục và ngay trong bản cáo trạng truy tố Bùi Tiến Dũng cùng đồng phạm, một tình tiết khác rất đáng chú ý là khi cầu Bãi Cháy khởi công, Dũng “tổng” đã nói với Phạm Tiến Dũng rằng: “Cầu Bãi Cháy có nguồn kinh phí rất lớn, chú xem có mục nào cần chi thì tính”. Từ câu nói này của Dũng “tổng”, Phạm Tiến Dũng đã bàn bạc với cấp dưới, sau đó cho ra bản danh sách tiền lương của hàng chục NVTVBS không có thực. Kết thúc ngày xét xử hôm qua (1-7), hình phạt dành cho các bị cáo phạm tội tham ô cũng đã được cơ quan công tố đề nghị với mức thấp nhất từ      3 - 4 năm và cao nhất là từ 16 - 17 năm. Riêng bị cáo Đỗ Kim Quý bị đề nghị áp dụng mức phạt tù từ 2-3 năm. Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào thứ 2 tuần tới (4-7) với phần tranh luận giữa luật sư bào chữa cho các bị cáo và đại diện VKS giữ quyền công tố.