Tiếp cận vaccine Covid-19 bình đẳng trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -
10 thời điểm đáng nhớ của đại dịch Covid-19 tròn 1 năm qua

10 thời điểm đáng nhớ của đại dịch Covid-19 tròn 1 năm qua

Liên hợp quốc: Chỉ có thể cùng nhau

10 quốc gia có nền kinh tế vượt trội đang sở hữu tới 80% các loại vaccine phòng ngừa Covid-19 và sẽ tiêm chủng cho toàn bộ người dân của họ, trong khi các nước thu nhập thấp hoàn toàn phải phụ thuộc vào nguồn cung vaccine thông qua COVAX (COVAX là cơ chế được xây dựng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo.

Ngày 21-1-2021, COVAX cho biết tổ chức này đặt mục tiêu cung cấp 1,8 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo trong năm nay, đồng thời hy vọng có thể hoàn tất các thỏa thuận giao vaccine cho các nước giàu trong nửa cuối năm 2021. Theo COVAX, 1,8 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 sẽ được giao cho cho 92 quốc gia đủ điều kiện và số vaccine này sẽ đủ cho khoảng 27% dân số của các nước này).

Liên hợp quốc đã phát động phong trào lan tỏa trên mạng xã hội thông điệp ủng hộ cung cấp vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 một cách bình đẳng trên toàn thế giới với hashtag #OnlyTogether (Tạm dịch: Chỉ có thể cùng nhau). Trong thông cáo phát ra ngày 11-3-2021, Liên hợp quốc nhấn mạnh phong trào này được phát động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về sự cần thiết phải có hành động phối hợp toàn cầu để tất cả các nước có thể tiếp cận vaccine, trong đó những y, bác sĩ tuyến đầu và những người dễ bị tổn thương phải là những người được tiêm chủng đầu tiên.

Theo Liên hợp quốc, các nước có thể ủng hộ cung cấp vaccine một cách bình đẳng thông qua việc chia sẻ nguồn vaccine thừa chưa dùng hết, chuyển giao công nghệ và tự nguyện bỏ qua quyền sở hữu trí tuệ, cho phép các nước khác sử dụng bản quyền vaccine. Hiện, 10 nước giàu đang sở hữu tới 80% các loại vaccine phòng Covid-19 và các nước này đều có kế hoạch sẽ tiêm chủng cho toàn bộ người dân của họ trong vòng vài tháng tới, trong khi các nước thu nhập thấp phải phụ thuộc nguồn cung vaccine thông qua COVAX, một cơ chế được khởi xướng nhằm hỗ trợ cung cấp vaccine cho các nước thu nhập thấp hơn. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tới thời điểm này, thế giới có gần 119 triệu người xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã có 2,6 triệu người thuộc 223 quốc gia khác nhau tử vong vì Covid-19.

UNICEF: Cần bổ sung 1 tỷ USD để hỗ trợ các nước nghèo tiếp cận vaccine

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) - tổ chức đơn lẻ mua vaccine số lượng lớn nhất hiện nay, là một phần trong COVAX - Cơ chế phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình được WHO hậu thuẫn cùng với Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng Gavi. UNICEF mới đây đã hối thúc các nước bổ sung nguồn tài chính hỗ trợ để các nghèo được tiếp cận vaccine phòng ngừa Covid-19 và theo quỹ, khoản đóng góp cần có khoảng 1 tỷ USD.

Tại Hội nghị Chính phủ thế giới được tổ chức trực tuyến tại Dubai, Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore đưa ra lời kêu gọi bổ sung đóng góp nêu trên, đồng thời nhấn mạnh khoản quỹ này có thể được giải ngân củng cố hệ thống y tế tại những nước nghèo hơn và hỗ trợ phân phối vaccine tại các nước này. Mục tiêu của sáng kiến COVAX là trong năm 2021 phân phối ít nhất 2 tỷ liều vaccine, trong đó 1,3 tỷ liều phân phối cho các nước có thu nhập thấp hơn. Theo kế hoạch của COVAX, đến cuối tháng 5-2021, sẽ có 237 triệu liều vaccine AstraZeneca được phân phối cho 142 nước và đây cũng là thời điểm vaccine Pfizer được phân phối trong chương trình. Do đó, bà Henrietta Fore thúc giục các nhà sản xuất vaccine ký các thỏa thuận cấp phép để vaccine có thể được ủy quyền sản xuất tại nước bản địa, mà châu Phi là một thị trường có nhu cầu bức thiết.

Đánh giá về cơ chế COVAX, Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore cho rằng, sáng kiến này sẽ không thể bao quát chương trình tiêm chủng toàn thế giới trong năm nay. Bà cho rằng còn nhiều việc phải làm và để làm được cần thêm nhiều sự trợ giúp hơn nữa. Trong tháng 2 vừa qua, Ghana và Cote d'Ivore là hai nước đầu tiên sử dụng vaccine trong COVAX tiêm chủng cho người dân các nước này. Đến nay, hàng chục nước trên thế giới, chủ yếu là các nước châu Phi đã tiếp nhận vaccine ngừa Covid-19 trong COVAX.

Châu Âu: Cấp phép cho vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson

Với vaccine của Johnson & Johnson, giới chức các nước EU sẽ có thêm một sự lựa chọn nữa trong phòng chống Covid-19 để bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân. Cụ thể, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Hãng dược phẩm Johnson & Johnson (Mỹ). Đây là vaccine ngừa Covid-19 thứ 4 được cấp phép sử dụng trong các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Trong một tuyên bố, người đứng đầu EMA, bà Emer Cooke cho biết với quyết định trên, giới chức các nước EU sẽ có thêm một sự lựa chọn nữa trong phòng chống Covid-19 để bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân. Đặc biệt, sản phẩm của Johnson & Johnson là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên chỉ cần tiêm một mũi duy nhất, điều có thể mang lại nhiều thuận lợi cho công tác hậu cần.

Quyết định trên của EMA đã tạo ra cú hích cho chương trình tiêm chủng đang diễn ra chậm chạp trong EU. Thậm chí, có thông tin cho rằng lô vaccine Johnson&Johnson đầu tiên cho đến tháng 4 mới tới các nước châu Âu. Cho đến nay, EU đã cấp phép sử dụng 3 vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca-Oxford. Trong khi đó, 3 vaccine ngừa Covid-19 khác đang được EMA xem xét gồm vaccine của hãng Novavax (Mỹ), CureVac (Đức) và vaccine Sputnik V của Nga.

Liên quan tới vaccine AstraZeneca/Oxford, EMA cho biết vaccine này dường như không làm tăng nguy cơ gây huyết khối (cục máu đông) ở những người đã tiêm chủng. EMA nêu rõ những dữ liệu hiện nay đều cho thấy số trường hợp nghẽn mạch ở những người tiêm vaccine AstraZeneca không cao hơn so với số trường hợp nghẽn mạch trong dân số nói chung. EMA đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Đan Mạch, Na Uy và Iceland vừa tạm ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca do ghi nhận những trường hợp về rối loạn đông máu.