Tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

ANTĐ - Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện nay chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, sử dụng 51% lao động toàn xã hội; đóng góp hơn 40% GDP, với 31% giá trị sản xuất công nghiệp, 78% mức bán lẻ của ngành thương nghiệp, 64% khối lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa nội địa và quốc tế… Dù có một vai trò quan trọng như vậy, nhưng DNNVV vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Trước cánh cửa hội nhập, rất cần những giải pháp thiết thực để gỡ khó cho DNNVV, để họ đủ lớn bước ra cánh cửa ấy.
Tiếp cận nguồn vốn ngân hàng ảnh 1

Khó tiếp cận vốn

Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam hiện tỉ lệ doanh thu/vốn đo lường năng suất, hiệu quả khu vực DNVVN bình quân thường chỉ bằng 0,7 lần so với khu vực FDI nhưng cao gấp 2,4 lần so với doanh nghiệp (DN) Nhà nước. Khu vực DNVVN chiếm 38% vốn đầu tư xã hội và gần 30% vốn tín dụng ngân hàng và đóng góp 43,2% GDP. 

Dù thời gian gần đây, việc tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng có tăng lên, song theo đánh giá của các chuyên gia thì vẫn còn rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến thời điểm 30-6-2015, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với DNNVV là gần 977 nghìn tỷ đồng, tăng 4,07% so với thời điểm 31-12-2014. Số lượng DNNVV được các tổ chức tín dụng cho vay ngày một tăng lên mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều DNNVV hoạt động cầm chừng, thu hẹp, thậm chí ngừng hoạt động, hàng tồn kho tăng, tỷ suất lợi nhuận ngày một giảm. Hiện nay, có khoảng 180.000 DNNVV đang có quan hệ tín dụng đối với tổ chức tín dụng. 

Cũng theo đánh giá của các Hiệp hội ngân hàng cũng như Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) thì thực tế nợ xấu của ngân hàng đối với các khoản tín dụng của DNVVN rất thấp, thế nhưng vẫn là khối DN khó tiếp cận các khoản tín dụng. Con số thống kê cho thấy, dù chiếm tới xấp xỉ 98% số lượng nhưng chỉ sở hữu dưới 40% tổng nguồn vốn của khu vực công nghiệp, chỉ có khoảng 30% DNNVV tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Nghĩa là không đầy 3% số DN còn lại chiếm quy mô vốn lên tới 64-68%, cũng là khu vực chiếm tỷ lệ nợ xấu cao, đây là một nghịch lý không thể kéo dài. 

Nguyên nhân chính được chỉ ra là do những yếu điểm cố hữu của DNNVV, đó là năng lực tín nhiệm thấp và sức cạnh tranh yếu nên phần lớn hoạt động theo phong trào hoặc phụ thuộc nhiều vào các DN lớn và chính sách ưu đãi của Nhà nước. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai - Phó Giám đốc CIC thì, các ngân hàng thương mại rất quan tâm và coi khu vực DNNVV như là thị trường tiềm năng nhưng phụ thuộc rất lớn vào các điều kiện đảm bảo khoản vay của đối tượng khách hàng tiềm năng này.

 “Trong khi Ngân hàng không thiếu vốn nhưng lại thiếu niềm tin trong quan hệ tín dụng. Thực tế, nhiều DNNVV chưa tạo dựng được sự tin tưởng cho đối tác Ngân hàng về tình hình tài chính và khả năng tạo dòng tiền của mình”, ông Lai nói, “Trên thực tế, các DNVVN khó khăn trong tiếp cận tín dụng chủ yếu là do tính minh bạch thông tin tài chính còn thấp, phương án vay vốn mù mờ, không chứng minh được dòng tiền khả thi trong quá khứ cũng như hiện tại, không trả lời được doanh thu dự kiến và tiềm năng khách hàng truyền thống của DN ra sao”.

Đồng ý quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng muốn vay được vốn, DNNVV phải chứng tỏ được mình là người muốn trả nợ, tức là phải chứng tỏ là người đáng tin. “Do đó, yếu tố anh có muốn trả nợ không là quyết định chứ không phải phương án vay” - Tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói.

Bất lợi đủ đường, 75% Doanh nghiệp “co cụm” lại

Theo Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết, hiện DNNVV vẫn dựa chủ yếu vào khai thác vốn vay từ phía ngân hàng, trong khi điều kiện tiếp cận nguồn vốn này không hoàn toàn thuận lợi và rộng khắp. Một số DN không đủ điều kiện pháp lý do ngân hàng quy định, một số không đủ kiến thức và trình độ chuyên môn triển khai và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn. Trong khi đó, những thủ tục vay vốn vẫn chưa thực sự thông thoáng, thiếu kịp thời… làm mất thời cơ của DN nên có một số DN lại không hăng hái hoặc chưa khai thác được nguồn vốn này. 

Ngoài khó khăn trong việc tiếp cận vốn, DNNVV còn gặp nhiều yếu tố bất lợi khác như môi trường kinh doanh, những chính sách và cơ chế kinh tế chung chưa thực sự bình đẳng giữa các DN, chưa tạo nên yếu tố cạnh tranh lành mạnh. Những yếu thế thường thuộc về DNNVV, nhất là vấn đề sử dụng đất đai, ưu đãi về vốn và cách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Những tồn tại, khó khăn đó thời gian gần đây đã được Chính phủ phát hiện và tập trung xử lý nhưng chuyển biến và kết quả chưa tương xứng, khó khăn vẫn còn nhiều. Vấn đề khó nhất của họ là tiếp cận vốn vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Đa số DNVVN của Việt Nam có số vốn nhỏ, quy mô sản xuất nhỏ, hợp đồng gia công và thị trường ngách. Các DN Việt Nam đều rất khó chen chân vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn dù họ đã đặt chân vào Việt Nam vì công nghệ lạc hậu, quy mô quá nhỏ.

Trong môi trường toàn cầu hóa, cạnh tranh hiện nay, các DN Việt Nam sẽ gặp phải vô vàn khó khăn, thách thức, 75% các DN đang có xu hướng “co cụm” lại không muốn tham gia hội nhập. Trước mắt, khu vực này phải đối mặt với khả năng thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực ngành hàng, hoạt động cầm chừng, giải thể… do bị đội chi phí đầu vào cao (hơn 70% nguyên phụ liệu thiết yếu phải nhập khẩu). Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, trong 5 năm gần đây, có sự suy giảm khá mạnh các DN có quy mô vừa và lớn xuống trở thành các DN nhỏ và siêu nhỏ. Có tới 67% trong số DNNVV là DN siêu nhỏ, với chỉ dưới 10 lao động.

Cần thúc đẩy nguồn vốn để Doanh nghiệp nhỏ “lớn” lên

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy nguồn vốn cho DNNVV cần sự nỗ lực từ nhiều phía, sự phối hợp nhịp nhàng từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và bản thân các DN. 

Để giải quyết vấn đề “niềm tin” của ngân hàng đối với DN, theo ông Nguyễn Đại Lai, Việt Nam cần có một hành lang pháp lý để đỡ đầu cho các giải pháp mang tính chiến lược, tính cụ thể, minh bạch, sát thực tế và dễ xác định trách nhiệm hơn.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng phải có quyền pháp định về việc được biết “tư cách” trả nợ của DN thông qua các kênh thông tin được kiểm duyệt một cách tin cậy liên quan đến hoạt động cấp và sử dụng vốn tín dụng (như giám sát lịch sử hoạt động và vay vốn của khách thông qua việc chuẩn hóa các quy định về thông tin cũng như hoạt động số hóa các thông tin).

Ông Cát Quang Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng về phía Nhà nước, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa các chính sách hỗ trợ tài chính đối với DNNVV (sửa đổi, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển DNNVV).

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo chính sách hỗ trợ (như đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường pháp lý). Phía các các tổ chức tín dụng thì cần chủ động mở rộng tín dụng cho các DNNVV trên cơ sở vừa đảm bảo hiệu quả, an toàn, xây dựng chính sách tín dụng riêng phù hợp với đối tượng khách hàng là DNNVV.

Về phía DN, các Hiệp hội ngành nghề cần nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của các Hiệp hội ngành nghề, làm cầu nối cho các tổ chức tín dụng và DNNVV tiếp cận nhau. Cuối cùng, bản thân các DNNVV phải tự hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý, điều hành DN, hoàn thiện hệ thống kế toán theo hướng minh bạch, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Đồng thời, cần tái cấu trúc kinh doanh theo hướng cắt bỏ các dự án đầu tư, những hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả nhằm củng cố nguồn lực tài chính và quản trị cho các mảng sản xuất kinh doanh chính cũng như duy trì cơ cấu tài chính cân đối, lành mạnh quản lý chặt chẽ dòng tiền kinh doanh.