Tiếp bước những hành trình bất tử!

ANTD.VN - Từ làng Sen quê Bác, Vũng Chùa - Đảo Yến linh thiêng, nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến dọc con đường Trường Sơn huyền thoại với những địa danh như hang Tám Cô, nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị… là những điểm dừng chân trên hành trình tri ân, báo công dâng Bác và các Anh hùng liệt sỹ của đoàn cán bộ là thương binh, thân nhân các gia đình thương binh, liệt sỹ của CATP Hà Nội, do Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội dẫn đầu.

Mỗi địa danh ấy dù có khác nhau về vị trí, khoảng cách địa lý, song tất cả đều có một điểm chung, đó là nơi khắc lên trời xanh những thiên anh hùng ca bất tử về tình yêu Tổ quốc cháy bỏng, tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của các Anh hùng liệt sỹ. Máu đào của các anh, các chị đã đổ xuống cho lá cờ đỏ sao vàng của dân tộc thêm chói lọi ngàn đời.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải và đoàn công tác dâng hoa, thắp hương tri ân, tưởng nhớ trước mộ phần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đây là chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh, liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2019), 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) của CATP Hà Nội. Hoạt động về nguồn nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của lớp lớp các thế hệ cha, anh đã sống, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; đồng thời cũng nhằm giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" cho các thế hệ trẻ Công an Thủ đô...

Sống lại những ký ức hào hùng

Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ có một địa danh mà bất cứ mỗi người con dân đất Việt nào, mỗi khi nhắc đến đều trào dâng niềm xúc động, tự hào vô hạn, đó là nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Ở cách đó không xa, nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia đường 9 cũng là nơi an nghỉ của hàng nghìn Liệt sĩ trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Các anh, các chị là những người con ưu tú nhất, đã hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân, xương máu của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội thành kính dâng hương, tri ân tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn

Một trong số hàng nghìn anh hùng liệt sỹ hiện đang an nghỉ tại đây có Liệt sỹ Phạm Hồng Thịnh, cha của Trung tá Phạm Hồng Thanh, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào, CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dâng hương, đặt bó hoa huệ ngay ngắn lên phần mộ của Liệt sỹ Phạm Hồng Thịnh, Trung tá Phạm Hồng Thanh lặng đi trong niềm xúc động trào dâng. Năm 1968, khi vừa tròn 20 tuổi, nghe theo tiếng gọi non sông, chàng trai Phạm Hồng Thịnh đã tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ, chiến đấu giải phóng dân tộc.

Cũng trong những năm tháng chiến đấu khốc liệt nhất này, dường như dự cảm được về cuộc ra đi mãi mãi của mình sắp tới, một trong những bức thư gửi về cho gia đình, chàng trai trẻ Phạm Hồng Thịnh dặn dò người vợ nếu mình không trở về, hãy gắng gượng vượt qua nỗi đau, nuôi dạy con trưởng thành. Chỉ sau ít thời gian lá thư này đến tay gia đình, năm 1971, tại mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, chiến sỹ Phạm Hồng Thịnh đã anh dũng hy sinh khi con trai mình lúc đó mới được tròn 3 tuổi.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải cùng đoàn công tác là các thương binh, thân nhân gia đình liệt sỹ của CATP Hà Nội... thành kính dâng hoa trước tượng đài các Anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn

Lặng lẽ, xúc động trong đoàn CBCS - CATP đi thắp hương từng hàng bia mộ Liệt sỹ trong nghĩa trang Trường Sơn còn có Thượng tá Chu Đức Dũng, Phó trưởng CAH Đông Anh, Trung tá Chu Văn Sỹ, Đội phó Đội CSGT số 3, Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội... và có cả 10 gương mặt trẻ Công an Thủ đô tiêu biểu năm 2019.

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã tạo nên những hoàn cảnh hết sức đặc biệt, bi hùng. Có những đứa trẻ chào đời khi chưa biết mặt cha. Và khi lớn lên, những hình ảnh về người cha chỉ được hình thành trong trí tưởng tượng qua lời kể của mẹ, tiếng ru ầu ơ những buổi trưa hè của bà. Thượng tá Chu Đức Dũng là một trong vô vàn những đứa trẻ như vậy. Khi anh chưa chào đời thì người cha của anh là Liệt sỹ Chu Đức Thiệp đã vai khoác ba lô, tay cầm chắc khẩu súng AK lên đường nhập ngũ.

Đồng chí Phó Giám đốc CATP Hà Nội  - Thiếu tướng Đào Thanh Hải xúc động thắp nén tâm nhang tri ân các Anh hùng Liệt sỹ

Sau một thời gian ngắn nhập ngũ, năm 1969, Liệt sỹ Chu Đức Thiệp anh dũng hy sinh tại chiến trường miền Nam. Bao năm dài đằng đẵng đi tìm phần mộ của cha, và khi tìm thấy, đưa ông về nghĩa trang quê nhà thì năm nào cũng vậy, Thượng tá Chu Đức Dũng đều tranh thủ vào nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn để thắp hương, tri ân những hy sinh của cha anh và đồng đội của ông.

Giống như Thượng tá Chu Đức Dũng, Thượng tá Trần Đức Thiệp, Phó trưởng Phòng Trinh sát ngoại tuyến, CATP Hà Nội, cũng chưa được nhìn thấy mặt cha. Khi anh được sinh ra thì người cha của mình là Liệt sỹ Trần Đức Cứu đã hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam Bộ năm 1968. Hành trình đi tìm phần mộ cha mình của Thượng tá Trần Đức Thiệp cùng gia đình là những năm tháng dài dằng dặc. Cứ một năm một lần, anh lại tranh thủ quãng nghỉ phép ngắn ngủi, tay nải, cơm nắm đi vào những nơi mà khi xưa là chiến trường ác liệt, dò hỏi từng manh mối dù là nhỏ nhất để lần tìm nơi cha mình ngã xuống.

Trung tá Phạm Hồng Thanh, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào, CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội thắp hương trước phần mộ của cha mình là Liệt sỹ Phạm Hồng Thịnh

Năm 2007, trong một lần đọc thông tin qua bài báo người dân phát hiện một hầm mộ tập thể của các chiến sỹ giải phóng tại khu vực tỉnh Bình Phước, giáp với biên giới Việt Nam và Campuchia, anh đã đi vào đó để xác minh. Khi vào đến nơi, bằng tất cả những dữ liệu có được, anh và cơ quan chức năng đã xác định đúng nơi cha mình và đồng đội đã ngã xuống.

Trong hầm, cha anh và gần 30 đồng đội đã chiến đấu ngoan cường chống lại trận càn của địch, và tất cả hy sinh trong tư thế tay vẫn nắm chặt khẩu súng. Anh cũng giúp cho nhiều gia đình đồng đội của cha mình xác định ADN và đưa hài cốt các liệt sỹ về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Không được may mắn như Thượng tá Trần Đức Thiệp, Trung tá Bùi Văn Tâm, có bố là Liệt sỹ hy sinh năm 1971, nhưng hiện vẫn chưa tìm thấy phần mộ của cha mình hiện đang nằm ở đâu…

Tổ quốc mãi gọi tên...

Sau 9 hồi chuông thỉnh nguyện, tại nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, trước Anh linh của Bác Hồ và hàng nghìn Anh hùng Liệt sỹ, Thiếu tướng Đào Thanh Hải thay mặt Ban Giám đốc CATP Hà Nội và đoàn công tác đã thành kính dâng hoa, hương, báo công trước Bác: Trải qua 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và giữ vững ANCT, TTATXH trên địa bàn Hà Nội, 397 người con ưu tú của CATP Hà Nội đã ngã xuống trên khắp các chiến trường; hàng nghìn đồng chí là thương binh, vẫn mang trong mình những thương tật nặng nề.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải và đoàn công tác dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ ở Thành cổ Quảng Trị

Nhưng với nghị lực sống theo lời Bác dậy “Thương binh tàn nhưng không phế”, các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sỹ CATP Hà Nội đã vượt qua nỗi đau, mất mát, nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, học tập, công tác và chiến đấu, trở thành tấm gương sáng cho lớp lớp các thế hệ CBCS noi gương, học tập. Nhiều đồng chí thương binh, thân nhân con em các gia đình Liệt sỹ đã phấn đấu trưởng thành, giữ những trọng trách cao trong các đơn vị của CATP Hà Nội…

Chẳng thể kể ra được hết những hoàn cảnh, số phận của thân nhân các gia đình thương binh, liêt sỹ trong đoàn tri ân, báo công của CATP Hà Nội tại nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Có những đồng chí đã may mắn tìm thấy phần mộ của cha mình, nhưng vẫn còn đó không biết bao nhiêu đồng chí khác, gia đình trên khắp đất nước Việt Nam này vẫn đang đau đáu một nỗi niềm không biết con, em, cha… mình hiện đang nằm ở đâu đó giữa bạt ngàn Trường Sơn hùng vĩ, hay nơi rừng đước mênh mông miền Đông Nam Bộ, hoặc ở xa tít giữa núi rừng Tây Nguyên…

Những bức phù điêu khắc họa lại 81 ngày đêm chiến đấu ngoan cường của quân ta trên Đài tưởng niệm đã gây xúc động mãnh liệt cho bất cứ ai đến đây

Dù nằm ở nơi nào, nhưng máu xương của các Liệt sĩ đã hòa vào lòng đất, cho Tổ quốc sống mãi, dân tộc trường tồn. Còn CBCS là thân nhân các gia đình Liệt sỹ của CATP Hà Nội, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, CBCS - CATP Thủ đô vẫn vượt qua, tiếp bước truyền thống hào hùng của cha, anh lập nên những chiến công, thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ ANCT, TTATXH trong thời bình.

Giữa nắng hè tháng 7 như hắt lửa trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng, Thiếu tướng Đào Thanh Hải và đoàn công tác của CATP Hà Nội đã dâng hoa, hương, tri ân, tưởng nhớ tới các Anh hùng Liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị, thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn. Có lẽ chưa có nơi đâu trên dải đất hình chữ S này, số lượng nghĩa trang và sự tàn khốc của cuộc chiến tranh lại được thể hiện mạnh mẽ, kiêu hùng, bi tráng, đặc biệt nhất như trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Cây cầu Hiền Lương nối đôi bờ sông Bến Hải là biểu tượng cho quyết tâm thống nhất Bắc - Nam của dân tộc ta. Đặc biệt, dòng sông Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị là khúc tráng ca bất tử mà ở đó, từng ngọn cây, thớ đất cũng ngấm máu đào của hàng vạn Anh hùng Liệt sỹ.

Đồng chí Phó Giám đốc CATP Hà Nội dâng hoa, hương tưởng nhớ, tri ân các thanh niên xung phong, Anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống ở Hang Tám Cô trên con đường 20 Quyết thắng

Quảng Trị là một địa danh không chỉ trong nước mà tất cả các dân tộc có lương tri trên thế giới đều biết đến bởi sự chia cắt đau thương, chịu đựng đạn bom ác liệt và ý chí kiên cường bất khuất của con người nơi đây. Nhưng có lẽ ác liệt và gian khổ nhất, cũng hào hùng nhất chính là Thành Cổ Quảng Trị. Chỉ trong 81 ngày đêm với chiến dịch tái chiếm Thành Cổ, số bom đạn mà quân đội Mỹ - Ngụy đã ném xuống đây tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima năm 1945.

Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, trong 81 ngày đêm sáng rực máu và hoa, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống đem theo tuổi thanh xuân và bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã hòa quyện trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn để thành phù sa, cỏ cây, tiếng gió rì rào, hát ru mãi ngàn đời cho đất mẹ bình yên.

Nhiều thành viên trong đoàn đã không cầm được nước mắt khi nhắc nhớ về những tháng ngày chiến đấu oai hùng của dân tộc

Thắp nén tâm nhanh tri ân các Anh hùng Liệt sỹ trên Đài tưởng niệm trên Thành cổ Quảng Trị, trong nỗi xúc động trào dâng, Thiếu tướng Đào Thanh Hải lặng đi: Hùng thiêng Thành cổ oai linh; Trường tồn đất nước dáng hình các anh; Máu xương tan giữa đất lành; Cho em thơ được trời xanh hòa bình!!!

Cũng trong khuôn khổ chuyến đi về nguồn tri ân, báo công dâng Bác, các Anh hùng Liệt sỹ, Thiếu tướng Đào Thanh Hải và đoàn công tác của CATP Hà Nội đã trao tặng 5 chiếc xe đạp cho Ban quản lý khu di tích Kim Liên; tặng Quỹ đền ơn đáp nghĩa cho Công an các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị mỗi đơn vị 100 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà tri ân các gia đình thương binh, liệt sỹ trên địa bàn. Phòng Tổ chức Cán bộ CATP Hà Nội cũng trao tặng cho quỹ đền ơn đáp nghĩa của Phòng Tổ chức Cán bộ Công an tỉnh Quảng Bình 30 triệu đồng.