Tiếng Việt “lệch chuẩn”: SOS!

ANTĐ - Những từ và cụm từ “mới” xuất hiện, ngôn ngữ bàn phím, ngôn ngữ lai căng tiếng nước ngoài đang “ hoành hành”  trong đời sống ngôn ngữ, làm méo mó tiếng Việt. Đã đến lúc báo động về sự lệch chuẩn này, và cần thiết có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nếu không tiếng Việt sẽ bị giết chết bởi chính chúng ta.

Lo lắng khi tư duy “có vấn đề”

Một từ hoặc một câu hoàn toàn có thể diễn đạt bằng tiếng Việt nhưng lại được nhiều người trẻ “sáng tác” thành những từ lóng cho thêm phần thú vị khi nói. Kiểu như “lệ quyên” (quyên góp) hay “cam pu chia” (chia nhau), “chim cú”, “cá sấu”, “chém gió”… Không dừng lại ở những từ lóng mà giới trẻ còn sáng tạo ra cả những câu dạng thành ngữ bằng cách ghép phối cho có vần vè như “sát thủ đầu mưng mủ”, “chán như con gián”, “buồn như con chuồn chuồn”, “ngất trên cành quất”…

Bên cạnh đó, thời gian gần đây ngôn ngữ @, ngôn ngữ “teen” xuất hiện cũng làm nhiều người phải giật mình. Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi một chữ nọ bằng chữ kia khiến người bình thường khó hiểu, mà giới trẻ còn truyền tay nhau một “bảng mật mã” các ký tự dành cho “tuổi teen” chỉ có họ mới hiểu. Ngoài việc sử dụng cho vui, để thể hiện cá tính, và phù hợp với cộng đồng nhóm mà mình tham gia thì việc sử dụng các ký tự được giới trẻ mã hóa còn giúp cho họ có thể tâm sự các vấn đề thầm kín mà không sợ cha mẹ hay người quen biết được.

PGS.TS Nguyễn Văn Khang (Viện phó Viện Ngôn ngữ học) mặc dù cho rằng những thay đổi trong ngôn ngữ tiếng Việt là tất yếu, song cũng lo lắng trước lối tư duy “không ổn” của giới trẻ. Theo ông, ngôn ngữ là biểu hiện của tư duy. Vì vậy đánh giá về ngôn ngữ cần phải nhìn nhận ở khía cạnh nội dung ẩn đằng sau nó. “Có những từ ngữ mới ra đời tạo thú vị cho người nghe, song có những từ ngữ lại không thể hiện tính nhân văn, tính giáo dục, kiểu như như “Một con ngựa đau, cả tàu được ăn thêm cỏ”, “Không mày đố thầy dạy ai”, hay những câu mang tính xúc phạm những nhân vật lịch sử như “La Văn Cầu nữa đi”, “Có voi đòi Hai Bà Trưng”… thì cần phê phán. Mọi người cứ đổ tội cho ngôn ngữ, nhưng thực ra tư duy của con người mới là cái đáng quan tâm, và rõ ràng trong nhiều trường hợp ngôn ngữ của giới trẻ thể hiện lối suy nghĩ lệch chuẩn”.

Việc sử dụng lẫn lộn giữa tiếng Việt và tiếng Anh trong cùng một cuộc hội thoại, thậm chí là văn bản viết cũng là vấn đề đáng quan tâm. Người ta sử dụng những cụm từ Anh + Việt một cách phổ biến, kiểu như “hello em”, “bye anh”, “sorry nha”… Ngoài lý do là sự tiện lợi, ngắn gọn, nhiều người còn sử dụng kiểu nói này như là cái “mốt”.

Theo các chuyên gia, thực ra việc tiếp thu những ngôn ngữ nước ngoài vào kho tàng ngôn ngữ Việt không phải mới xuất hiện. Nhưng, trong giai đoạn hiện nay, do tiếng Anh có sức ảnh hưởng rất lớn nên không tránh khỏi việc vay mượn một số từ ngữ. Tuy nhiên, giới trẻ và ngay cả các cơ quan truyền thông cũng có hiện tượng lạm dụng tiếng Anh ở mức đáng báo động.

Cái gì không phù hợp sẽ bị đào thải

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) thì xu hướng bổ sung, làm mới ngôn ngữ là hoàn toàn tất yếu do đời sống xã hội phát triển không ngừng. Và cơ chế của ngôn ngữ luôn được bổ sung, là tự gạn đục khơi trong để làm giàu đẹp thêm, những gì chưa phù hợp sẽ tự đào thải. 

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Văn Khang cũng cho rằng sự gia tăng vốn từ vựng tiếng Việt có mặt tích cực là đã đáp ứng một cách kịp thời nhu cầu giao tiếp và sự phát triển của xã hội, đồng thời làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú hơn. Ngôn ngữ cũng như các phạm trù xã hội khác, bao giờ cũng có chuẩn và cái gì lệch chuẩn thì sẽ bị đào thải. Nhưng cũng phải nói lại là không phải cái gì là chuẩn thì sẽ mãi mãi đúng. Có những cái ngày xưa là chuẩn nhưng đến hiện tại không còn là chuẩn…

Có một thực tế là ngay cả các cuốn từ điển cũng chưa có một chuẩn nào. Trên thị trường có hàng loạt cuốn từ điển khác nhau khiến người xem không biết đâu là chuẩn, tràn lan từ điển lậu, từ điển xào xáo lẫn nhau. Không những thế, ngay cả cuốn từ điển của Viện Ngôn ngữ học đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng trên thị trường lập tức xuất hiện một cuốn từ điển khác có xuất xứ từ… Viện Ngôn ngữ (không phải Viện Ngôn ngữ học). 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng “trấn an” rằng, chúng ta có cả một hệ thống giáo dục, có chương trình tiếng Việt, ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12 để điểu chỉnh, đây chính là cái barem của tiếng Việt. Mỗi chúng ta cần nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ mẹ đẻ.