"Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả"

ANTĐ - Biển Đông những ngày đầu biển động, đầy bão táp, cả nước đã và đang hướng ra phía mặt trời mọc, gửi đến Trường Sa, Hoàng Sa những lời khích lệ, động viên: hãy đứng vững, vượt qua thử thách, hậu phương, đất liền là chỗ dựa vững chắc như Trường Sơn cho các chiến sỹ phía khơi xa.Thơ gửi đến Hoàng Sa, Trường Sa ngày càng thêm nhiều trên các trang báo, trong các cuộc trao đổi, chuyện trò về vùng biển Đông thân yêu và cả những sáng tác tại chỗ của các cựu chiến binh tóc bạc, mắt lên kính trắng.

Bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã nghe tiếng Tổ quốc gọi về từ biển cả:

Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình

Bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá

Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả

Nơi bão táp dập dồn, chăng lưới, bủa vây.

...

Sóng chẳng còn bình yên dẫn lối những con tàu

Sóng quặn đỏ máu những người đã mất

Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc

Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng Việt Nam

Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc thiêng liêng...

8 câu thơ lục bát của Nguyễn Hữu Quảng trong bài “Lính biển” gửi Trường Sa, Hoàng Sa biết bao nỗi niềm, suy ngẫm:

Ai người tính toán dại khôn

Biết chăng lính biển lũng đồn trùng khơi

Đâu là chuyện kể xa vời

Cờ thiêng Tổ quốc quấn người hy sinh

Ngã vào biển những chiến binh

Sóng vun thành mộ lặng thinh bao đời

Trường Sa ơi! Hoàng Sa ơi!

Trong từng thước biển vọng lời ông cha...

 Phạm Quang - một tay viết nghiệp dư  cũng không thể kìm nén được những cảm  xúc với  Trường Sa, Hoàng Sa:

Chào những thủy điện Sơn La, lọc dầu Dung Quất

Chào những mùa màng trên những cánh đồng

Chào Trường Sa, Hoàng Sa - máu hồng ta đó

Như hải đăng định vị giữa Biển Đông.

Với quần đảo Hoàng Sa, thời triều Nguyễn, đội “Dân binh” đảo Lý Sơn - nay là huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã chèo thuyền ra tận đảo dựng bia chủ quyền, trồng cây xanh và canh giữ hòn đảo Cát Vàng này. Bài thơ “Với Hoàng Sa” của Tạ Hữu:

Đảo lớn Hoàng Sa trấn một phương

Xanh biếc khơi xa vạn dặm trường

Máu đổ thấm sâu nơi bãi cát

Xương còn lưu giữ trốn trùng dương

Một dải sơn hà đây lãnh thổ

Nghìn năm đất nước đấy kiên cường

Ông bà để lại “âu vàng” đẹp

Một cõi trời Nam chính khí cường.

Từ thành phố Thái Nguyên, Nguyễn Anh Hòa viết bài thơ “Tình mẹ với đảo xa”:

 Chiều nay giữa đảo Trường Sa

Trập trùng cánh sóng, bao la mây trời

Tay nâng chắc súng không rời

Tai nghe biển vọng những lời mẹ yêu

Chiều nay đứng gác Trường Sa

Có hình bóng mẹ thiết tha dịu hiền

Nhờ chim bay tới đất liền

Nhắn giùm: con mẹ vững bền đảo xa

Trường Sa máu thịt của ta

Cháu con tiếp bước ông cha giữ gìn.

Lính đảo Trường Sa làm thơ nói về nhiệm vụ của mình, cuộc sống của đồng đội trên những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Bài “Xanh xanh nỗi nhớ” của Xuân Tùng, đảo Sơn Ca:

Anh là Lính đảo Trường Sa

Vui xuân gìn giữ biển là quê hương

Trường Sa quần đảo yêu thương

Nắng mưa gian khổ, kiên cường hiên ngang

Và đây là bài thơ tứ tuyệt rất trữ tình. Mới hay, tâm hồn lính biển vỗ cùng nhịp sóng mang chất thi sĩ rất đáng ghi nhận. Bài “Hoa súng” của Hữu Thuận, nhà dàn DK1/2.

Trăng ngà tinh khiết xanh mơ mộng

Hồng tươi non nước nỗi lo xa

Dẫu đi khắp chốn muôn hoa đẹp

Vẫn thương hoa súng nở ao nhà

Với Hoàng Sa, Trường Sa, hai quần đảo đứng một góc biển Đông, thơ ca và các loại văn học - nghệ thuật sẽ còn gửi đến những người con yêu của Tổ quốc đang canh giữ Trường Sa những sáng tác mới đầy hào khí và đầy yêu thương.