Tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi duy trì hòa bình - an ninh ở Biển Đông

ANTD.VN - Những tiếng nói mạnh mẽ đã vang lên tại diễn đàn Phong trào Không liên kết chỉ rõ những diễn biến căng thẳng gần đây do Trung Quốc gây ra trên Biển Đông đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

Tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi duy trì hòa bình - an ninh ở Biển Đông ảnh 1Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh hòa bình ổn định và phát triển ở Đông Nam Á đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình hình phức tạp gần đây trên Biển Đông

Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 18 hôm nay 25-10 khai mạc trọng thể tại Trung tâm Quốc hội Baku ở Thủ đô Baku của Azerbaijan. Tham dự Hội nghị Cấp cao diễn ra trong hai ngày 25 và 26-10 có hàng chục nhà lãnh đạo là nguyên thủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Tổng thống và Phó Thủ tướng… đại diện cho hơn 100 quốc gia thành viên của Phong trào Không liên kết.

Phong trào Không liên kết được thành lập vào năm 1961, đến nay có 120 nước thành viên, 17 nước quan sát viên, trở thành tổ chức có số lượng thành viên lớn thứ hai thế giới sau Liên hợp quốc. Phong trào Không liên kết là tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển, với mục tiêu chính là bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển; đóng góp duy trì hòa bình, độc lập dân tộc; chung sống hòa bình giữa các quốc gia và chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng cho mọi dân tộc. 

Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 18 - với sự tham gia của Việt Nam, quốc gia chính thức gia nhập Phong trào này năm 1976, cùng nhiều thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - diễn ra trong bối cảnh hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông do Trung Quốc gây ra. Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra hung hăng hơn trong việc hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà theo đó đòi chủ quyền phi lý và phi pháp đối với 80% diện tích Biển Đông.

Khu vực mà Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” xâm lấn chủ quyền của 5/10 thành viên ASEAN, gồm Brunei, Philippines, Malaysia và Indonesia và Việt Nam. Sau khi dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, Trung Quốc những năm qua đã có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Philippines, Việt Nam được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước UNCLOS 1982).

Đặc biệt, suốt từ tháng 7, Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng đội tàu vũ trang hộ tống đông đảo xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính thuộc phía Nam Biển Đông. Hành vi leo thang căng thẳng và nguy hiểm này đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, đồng thời đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà cả thế giới.

Tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi duy trì hòa bình - an ninh ở Biển Đông ảnh 2Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết đã nhấn mạnh hòa bình ổn định và phát triển ở Đông Nam Á đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình hình phức tạp gần đây trên Biển Đông

Chính vì thế, trong phát biểu ngày 23-10 tại Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không Liên kết diễn ra ở Baku để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 18 khai mạc hôm nay (25-10), Thứ trưởng Ngoại giao nước ta Nguyễn Quốc Dũng sau khi khẳng định Việt Nam cùng với các nước ASEAN nỗ lực xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển đã nêu rõ, những nỗ lực này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước  UNCLOS 1982. Trong bối cảnh đó, Việt Nam kêu gọi các nước thành viên Phong trào Không liên kết ủng hộ nỗ lực chung của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Lời kêu gọi của Việt Nam cùng những tiếng nói mạnh mẽ tương tự của các thành viên ASEAN, Phong trào Không liên kết đang vang lên tại một tổ chức quốc tế lớn thứ hai thế giới sau Liên hợp quốc.