Cuốn sách “Nhật ký chiến trường”:

Tiếng lòng tuổi trẻ giữa đạn bom

ANTĐ - Những nỗi gian truân, nhọc nhằn của người lính bộ đội cụ Hồ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đau xé lòng khi đồng đội hy sinh, nỗi khắc khoải khi nhớ quê hương, gia đình… tất cả đều có trong cuốn “Nhật ký chiến trường” của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, người góp phần làm nên những chiến công lừng lẫy của Đoàn    đặc công biệt động 367 anh hùng. 

Mọi điều được viết ra chỉ với ước muốn giản đơn “nếu mình ngã xuống trong cuộc chiến đấu này thì cuốn nhật ký chính là cái còn sống của mình”. Cuốn nhật ký mà đến mãi sau này, khi người bạn vong viên, người cộng sự của ông - nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa năm lần bảy lượt thuyết phục muốn được in thành sách, để người đọc hôm nay hiểu thêm về những con người đã sống, chiến đấu với tất cả nhiệt huyết, nghị lực, sẵn sàng hiến dâng cả tính mạng của mình vì độc lập, vì danh dự dân tộc, nhưng chỉ nhận được lời từ chối. Và hơn 1 năm sau ngày mất của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, tháng 8-2014, cuốn “Nhật ký chiến trường”, kỷ vật thiêng liêng của người lính năm xưa mới đến được với độc giả. 

Như bao thanh niên thời bấy giờ, Nguyễn Tiến Bình theo lời gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường vào Nam chiến đấu. Cuốn nhật ký ghi lại hành trình gian khổ của người lính trẻ trong suốt 6 năm (từ 1970 đến 1975), với vai trò là người lính đặc công của Đoàn 367 đặc công – biệt động, chiến đấu tại chiến trường miền Nam, sau đó nhận nhiệm vụ đánh vào các mục tiêu chiến lược của Mỹ và tay sai ở Phnompenh, hỗ trợ lực lượng kháng chiến Campuchia và có mặt trong những thời khắc quan trọng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Gần 400 trang nhật ký, những trang viết xúc động, chân thực và tỉ mỉ nhất là giai đoạn ông cùng đồng đội hoạt động ở chiến trường Phnompenh, tình quân dân thắm đượm những ngày hành quân trên đất bạn. 

Khó có thể tin được những người lính mới đôi mươi bước vào cuộc chiến đấu đầy máu lửa, luôn tự nhắc nhở “Dù có ngã xuống trên đường hành quân thì đầu cũng hướng về phía Nam Tổ quốc”. Những chặng đường hành quân liên tục, đôi khi chỉ có một nắm cơm, ít ruốc khô trộn muối mặn chát, cải thiện lắm thì có thêm khoai sắn, rau rừng… và thế là có một bữa ăn  “không cần phải nhìn nhau”.  Rồi những ngày dầm mưa dãi nắng, lội suối băng sông, xuyên rừng leo dốc, trên vai những bao gạo nặng trĩu mà những cơn sốt rét rừng hành hạ cho mệt lả, xơ xác. “Dù cho mỏi gối chân đau/ Chân không đi được lấy đầu mà đi” - hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trở đi trở lại trong cuốn nhật ký mở ra một hiện thực nghiệt ngã nhưng cũng là lời nhắc nhở những người lính trẻ không bao giờ chùn bước trước gian khổ, trước làn đạn, mưa bom của kẻ thù. Chính trong hoàn cảnh ấy, người lính trẻ thấy mình trưởng thành, “cái hồn nhiên đã được thay thế bằng tính lạc quan, sự ngây thơ trong trắng đã được nâng lên thành tình cảm trong sáng và lành mạnh”. 

Thật xót xa, khi bom đạn kẻ thù không khiến Trung tướng Nguyễn Tiến Bình khuất phục, thì chính căn bệnh quái ác, di chứng từ chất độc hóa học chiến tranh đã mang ông đi mãi mãi. Bằng những trang viết thắm tình người, đỏ màu máu, “Nhật ký chiến trường” thay lời những người lính khi xưa, cất lên tiếng lòng của tuổi trẻ trong những giai đoạn khốc liệt, bi thương nhất của dân tộc, để những thế hệ mai sau hiểu hơn và càng thêm trân trọng những cống hiến, hy sinh lớn lao của họ.