Tiếng lòng từ nhạc Vinh Sử

ANTĐ - Có một người nhạc sĩ mà cứ hễ nghe nhạc của ông, cứ thấy trào lên những nỗi buồn, những chuyện nghiệp, chuyện đời, ngang trái. Người nhạc sĩ ấy lúc nào cũng như mở rộng vòng tay nối kết với tha nhân. Càng nghe, càng thấy nhạc của ông cứ ngọt bùi đậm đà, chất chứa tình người, tình đời.

Tiếng lòng từ nhạc Vinh Sử ảnh 1Nhạc sĩ Vinh Sử (ngồi giữa) uống trà đá vỉa hè Hà Nội
cùng ê kíp thực hiện đêm nhạc  “Hai bàn tay trắng” . Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Từ nhạc phẩm, ca từ cũng dập dềnh như hoàn cảnh của ông vậy. Xuất thân một gia đình có hoàn cảnh éo le, cuộc đời ông đi Nam về Bắc, phong trần mà buồn bã, nổi trôi “mười hai bến nước”. Vốn ra đi từ quê lụa Hà Đông, gia đình nhạc sĩ Vinh Sử vào Nam từ những năm 40 của thế kỷ trước. Cha ông sống đời thợ phu cho đồn điền cao su, bươn trải tháng ngày đến miền Đông Nam bộ rồi tìm về đất Sài Gòn, sống một đời thị dân nghèo khó bên xóm vắng với hai bàn tay trắng lao động sớm hôm.

Thiên phú cho Vinh Sử vì từ nhỏ đã có khiếu âm nhạc đặc biệt, với lòng đam mê cháy bỏng. Bất chấp nghèo khó, gia đình vẫn cố công cho Vinh Sử đeo đuổi âm nhạc. Từ ấu thơ, Vinh Sử đã ý thức được rằng: “Chính 5 dòng kẻ 7 nốt nhạc sẽ nâng đỡ cuộc đời mình”. Như dòng suối chảy về sông, âm nhạc Vinh Sử bởi thế nhanh chóng bắt kịp đời sống thị dân từ thế kỷ trước và luôn mang một sắc thái riêng, mượt mà, dễ nghe, nhưng cũng đầy lắng đọng với chất dân ca thắm đượm cái nắng gió của đất trời phương Nam “một thuở yêu người”. 

Vinh Sử không viết nhạc minh triết hay lòe loẹt sắc màu. Chính nhờ sự mộc mạc, đơn giản, nhạc Vinh Sử mới thành ra những mạch chảy len lỏi trên từng con đường, ngõ xóm, lan đến cả những miệt vườn, đồng đất, kênh rạch rợp xanh bóng dừa. Đâu đâu cũng nghe, cũng biết, cũng ngân nga những câu ca đại chúng của Vinh Sử, đến mức người ta gọi ông là “vua nhạc sến”! Dễ nghe và dễ hát, nên nhạc của ông không lệ thuộc vào năm tháng, tuổi đời. 

Phiêu lãng, lang thang nhặt nhạnh những mảnh vụn, rồi hóa thân vào giai điệu, mà dường như, Vinh Sử không bỏ qua một biến cố nào trong cuộc đời người đàn ông từng có 4 đời vợ chính thức, nhưng hiện tại sống một mình. Nhạc của ông cũng như cuộc đời ông. Trong bài “Người phu kéo mo cau”, “Câu đêm”, ông lặng lẽ bóng nước lạnh, mà tiếc nuối “nàng cá” chẳng cắn câu. Trong ca khúc “Anh thợ giầy” thì giầy anh xong sớm, để muộn nhớ em một gót hài. Còn, “Biển xanh” ngập trong làn sóng xanh nước biếc mà lúc nào cũng vấn vương tơ tưởng đến người bên miền thùy dương cát trắng, giăng mắc khói sương. 

Khi “Chạm mặt sông Tiền”, Vinh Sử luôn thương lắm người ơi cho vẹn nghĩa tình. Với “Câu hò đất Mũi”, “Nhẫn cỏ cho em”, “Chuyến xe lam chiều”, ông khó lòng phân biệt cái biên giới giữa ngày và đêm như để đong đếm, như để lắng nghe nỗi nhọc nhằn, vất vả, quạnh hiu, tủi buồn cho phận nghèo. Cho tới “Đây thôn Vĩ Dạ”, thi nhân và nhạc sĩ hòa quyện , đồng điệu đến không ngờ. Rồi ai cũng nhận ra rằng, nhạc Vinh Sử cứ ôm lấy phận nghèo (“Gái nhà nghèo”, “Đời phu xe lôi”…), để rồi như cái số mệnh của ông lúc nào kiếp nghèo cũng chạy quanh.  

Có người bảo nhạc ông là “nhạc sến”, nói vậy có vội vàng chăng? Hay chỉ là sự ngộ nhận? Riêng tôi thì cho rằng, cái đáng quý, đáng trân trọng một tên tuổi như nhạc sĩ Vinh Sử với dòng nhạc đại chúng là ở chỗ: trong khó nghèo, bế tắc, buồn đau giữa cuộc sống này thì ở ông vẫn ánh lên tinh thần bác ái, sự đồng cảm với những người lao động bình thường nhất trong xã hội.

Ba năm về trước nhạc sĩ Vinh Sử đã hiện diện trong đêm nhạc tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với rất đông khán giả mến mộ ông. Trong hai ngày cuối tuần này (đêm 1 và 2 tháng 8), ông tái ngộ khán giả tại khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội trong chương trình mang chủ đề “Hai bàn tay trắng” do Trung tâm “Vàng son một thuở” thực hiện.

Tôi hỏi nhạc sĩ Vinh Sử: “Ông có buồn không, khi lại kể chuyện hai bàn tay trắng đời mình?”. Với  nỗi niềm tâm sự riêng, ông cho biết: “Cái nghèo cái khổ không làm tôi buồn! Tôi chỉ lo cuộc sống của tôi không còn bao lâu nữa - giữa cái đau của ung thư bạo bệnh - để còn cảm nhận được hết ánh mắt, nụ cười đôn hậu của công chúng đã dành cho tôi, đã đến với tôi”.