Tiếng kêu cứu từ đại ngàn

ANTĐ - Loạt phóng sự dài kỳ “Tiếng kêu cứu từ đại ngàn” là thông điệp chuyển tải đến bạn đọc tình trạng tàn phá môi trường, tiêu diệt động vật hoang dã vô tội vạ của con người.

Những thợ săn cự phách vẫn ngày đêm bám rừng tìm thú; những quán nhậu, nhà hàng ở đồng bằng, thành phố vẫn luôn cung cấp đủ các loại thịt thú rừng cho thực khách, thậm chí là ngay cả trong những quán chuyên về hải sản; “ngôi nhà” cho các loài động vật hoang dã đang bị phá vỡ bởi sự nghèo nàn của vùng sinh cảnh và thái độ dửng dưng của con người... đó là tất cả những gì đang diễn ra thường nhật dẫn đến nguy cơ ngày càng cạn kiệt động vật hoang dã trên đại ngàn của xứ Quảng.

Nhiều ngôi làng ở xã Cà Dy, Tà Bhing, TT Thạnh Mỹ (Nam Giang), Phước Xuân, Phước Năng, H. Phước Sơn (Quảng Nam)… nằm sát cạnh Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sông Thanh không chỉ có “truyền thống” phá rừng mà còn được biết đến như những “làng săn bắn” động vật rừng. Món lợi từ nghề săn thú đem lại khá lớn, khiến không ít người dân bản địa lén lút mua sắm súng đạn, tự chế đồ nghề đặt bẫy bắt thú bất chấp pháp luật.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam phát hiện vụ vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã lớn.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam phát hiện vụ vận chuyển,
tiêu thụ động vật hoang dã lớn. 

 Chúng tôi theo chân Alăng Nghía, một thợ săn “chuyên nghiệp” của làng Pa Roong, xã Cà Dy lội bộ vào nhiều khoảnh rừng trong vùng lõi KBTTN Sông Thanh. Chiều vùng cao mây giăng xám xịt, sấm sét vần vũ rồi mưa rừng xối xả trút xuống, nhưng Alăng Nghía bình thản chẳng lo lắng gì khi lọt thỏm trong cánh rừng già âm u. Chỉ tay về cánh rừng dày đặc cây cổ thụ phía trước, Alăng Nghía nói: “Ngày trước chỉ cần “tăm” vào rừng khoảng vài trăm sải chân là có thể đặt bẫy, nhưng giờ thú thưa dần. Để bẫy bắt được thú (chủ yếu nai, hoẵng, heo rừng) phải đi đến tận rừng sâu, có khi đi đến cả khu vực giáp với biên giới Lào. Nếu bẫy ở vùng đệm khu bảo tồn, cánh thợ săn sẽ đụng đầu.

Trong rừng này, mỗi làng đều có lãnh địa săn bắt riêng”. Vượt qua không biết bao nhiêu con suối, lách qua nhiều dây leo bụi rậm, đến một bụi cây um tùm, Alăng Nghía bỗng ngồi phệt xuống, mắt lần theo những dấu chân nai. Anh đào một hố đất rộng 40cm, sâu 30cm, thả sợi dây cáp đã thắt thòng lọng xuống, đồng thời buộc một đầu sợi dây cáp lên ngọn tre đã làm cần bẫy xuống hố, sau đó lấy cành củi khô bắt ngang qua hố và phủ lá khô lên trên hố đất.

Chỉ khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, Alăng Nghía đã đặt được gần 10 cái bẫy ở nhiều vị trí khác nhau trong rừng. Hết bẫy, Alăng Nghía ra tín hiệu trở về làng trước khi trời nhá nhem tối. “Thường thì dân làng bẫy nhiều nhất là nai, heo rừng. Nếu chịu khó đặt bẫy càng nhiều thì khả năng thú rừng bị dính càng cao. Bình quân mỗi tuần tôi bẫy được ít nhất 2 con thú. Nhóm thợ săn bây giờ còn trang bị cả súng để bắn những con thú nhút nhát” - ALăng Nghía khẳng định. 

“Thành quả” một ngày đặt bẫy. Ảnh: T. VŨ

 “Thành quả” một ngày đặt bẫy. Ảnh: T. VŨ

Theo giới thợ săn, các công đoạn bẫy heo rừng, nai, hoẵng thì đơn giản, khó khăn nhất là bẫy những con thú nhanh nhẩu như voọc, chồn hương, báo lửa… Nếu phát hiện ra các loại thú này, người thợ săn phải đi nhẹ nói khẽ, trườn bò từng mét như… bộ đội đặc công. “Với hổ, báo, chồn hương nếu phát hiện, chỉ có dùng súng mới hạ được. Người dân có trang bị súng, nhưng sử dụng lén lút nhằm tránh sự kiểm soát của kiểm lâm” - Alăng Nhiên, một tay thợ săn khác của làng Cà Dy tiết lộ thêm.

Nhiều nơi ở vùng cao hiện vẫn còn nhiều tên đất, tên làng gắn liền với sự đa dạng của thế giới động vật. Đó là hang Dơi, xã Mà Cooih (H. Đông Giang); bãi hang Nhím, làng Trà Văn (xã Phước Kim) và đồi Chim, xã Phước Thành, H. Phước Sơn)... Đây là những “miền đất lành” cho muông thú trú ẩn, sinh nở. Tập tục săn bắt của đồng bào hình thành từ lâu, nhưng tất cả đều tuân theo hương ước, quy định rất nghiêm ngặt, nếu thợ săn nào vi phạm sẽ bị xử công khai theo luật của làng. Trong ký ức của già Alăng Ri (xã Mà Cooih, Đông Giang), cứ vào đầu tháng 9 âm lịch, đàn dơi khắp nơi di cư về các hang núi để trú đông. Dơi nhiều vô kể, đến mùa sinh sôi nảy nở trong khe núi.

Theo đó, tục của làng chỉ cho phép bắt dơi đực đã trưởng thành, tuyệt nhiên không được bắt dơi con, dơi cái sinh sản. Thế nhưng, bây giờ hang Dơi đã bị xóa sổ hoàn toàn do hầu hết diện tích đất rừng của làng đã ngập sâu trong lòng hồ thủy điện AVương.

Alăng Ri thật thà: “Xưa, cả làng tôi sống được là nhờ nghề săn bắt động vật rừng. Người nào bắt được thú đều chia thịt cho cả làng cùng ăn. Tuy nhiên, hương ước của làng quy định rất rõ, chỉ dùng bẫy bắt thú già. Một số loài thú thì chỉ cho bắt con đực. Nếu lỡ bẫy được con cái và thú chưa trưởng thành, lập tức thả về rừng ngay”.

Theo lời già Alăng Ri, phần lớn nghi lễ của đồng bào Cơ Tu xưa lẫn nay đều thờ cúng thịt thú rừng. Các nhà gươl truyền thống bây giờ còn treo đầy xương của các con thú săn bắn được. Việc dựng vợ gả chồng cho con cái, tục ở rể cũng không ngoài nghi lễ nào khác là đem đầu thú rừng đến.

“Một số thanh niên ở làng khác bị xử phạt nặng do không nắm được tập tục săn bắt thú rừng của làng. Vì muốn cưới được vợ ngay, có chàng thanh niên đã vào rừng bẫy heo rừng và nai cái về ra mắt già làng, nhưng bà con đã phát hiện, cuối cùng xử chàng trai đó sống đơn độc trong rừng… một tuần và không được lấy vợ của làng” - ông Alăng Ri nhớ lại.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng - Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, nghề săn bắn đã tồn tại bao đời nay trong đời sống của đồng bào dân tộc vùng cao. Một số làng đến nay vẫn còn giữ thói quen săn bắt cũ, nghĩa là tuân thủ nghiêm ngặt những quy định bất thành văn trong săn bắt, chỉ “ăn của rừng” những động vật đã trưởng thành, con đực để bảo tồn và duy trì sự sinh sản. Tuy nhiên, số này không nhiều.

Riêng tại xã Cà Dy (Nam Giang), mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và tịch thu hơn 500 bẫy bắt thú rừng của người dân.

(Còn nữa)