Tiếng chày giã bánh dâng Vua Hùng

ANTD.VN - Từ xa xưa, tục lệ dâng bánh giầy vào dịp lễ giỗ Tổ hàng năm tại đền Hùng đều do người dân làng Mộ Chu Hạ, phường Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ) đảm nhiệm.

Và để cho bánh giầy dẻo thơm, hội đủ tinh túy trời đất là bao nhiêu công sức của những người “thợ Lang Liêu”. Càng gần tới ngày 10-3 Âm lịch, tiếng chày càng vang đều, vang xa, như một nghi thức thiêng chuẩn bị cho ngày quốc giỗ.

Tiếng chày giã bánh dâng Vua Hùng ảnh 1Những người giã bánh phải nhịp nhàng theo 5 nhịp khác nhau

Chuyện ở làng Mộ Chu Hạ

Trong cái ồn ào sôi động của cuộc săn tìm sơn hào hải vị, những báu vật lạ kỳ, để đến với ngai vàng truyền ngôi, chàng Lang Liêu - Hoàng tử thứ 18 của Hùng Hoa Vương hẳn cũng đắn đo suy nghĩ không biết dâng vua cha báu vật gì. Và một ngày, chàng đặt chân đến ngã ba Bạch Hạc, nơi giao thoa của ba dòng nước ấm - nóng - lạnh để bồi sa cho đất thêm màu mỡ. Vào đêm Rằm tháng Chạp, trời se lạnh, chàng bỗng ngửi thấy mùi thơm quen thuộc và nhận ra đó là hương lúa nếp vụ tháng mười. Lang Liêu chợt hiểu ra đây chính là lời giải cho điều mà những ngày qua chàng vẫn băn khoăn, trăn trở. Chờ mãi rồi cũng đến ngày các hoàng tử phải dâng lễ vua cha, từ sớm đến chiều vua cha chưa ưng ý lễ vật của người nào. 

Chuyên gia ngôn ngữ học Trần Chút, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: “Bánh giầy” là từ biến âm của tiếng Việt cổ “bánh chì” ngày xưa. Vì thế, viết “bánh giầy” là chính xác. Cũng nên nói thêm là tiếng Việt ta phát âm “d” và “gi” không khác nhau nên một số người nhầm lẫn “dày” tức là dày, mỏng.

Đến lượt Lang Liêu, chàng từ tốn bước tới quỳ trước bệ rồng dâng lời chúc thọ rồi mở khăn điều. Cả vua và trăm bá quan văn võ đều kinh ngạc vì vật lạ chưa từng thấy bao giờ. Một chiếc bánh vuông màu xanh và một chiếc bánh tròn đầy đặn màu trắng tinh khiết như trời buổi quang mây. Nhà vua tươi cười nói, hai thứ bánh này quả là những thứ mà ta và các ngươi chưa từng thấy bao giờ. Bánh tròn là tượng trưng cho trời, bánh vuông là tượng trưng cho đất, đó chính là cội nguồn âm dương sự sống. Trời chỉ một màu trắng tròn nên gọi là bánh giầy. Đất có hình vuông, có cỏ cây, lúa, thịt nên gọi là bánh chưng. Sản vật đã nói lên sự giàu có của đất nước với bàn tay của con người làm ra. 

Nhà vua bước đến bên Lang Liêu, đặt tay lên đầu và nói sẽ truyền ngôi cho chàng. Các hoàng tử và trăm quan đến tung hô chúc nhà vua sống lâu ngàn tuổi, chúc mừng Lang Liêu. Chàng hoàng tử thứ 18 lên nối ngôi lấy hiệu là Hùng Huy Vương (Vua Hùng thứ 7). 

Bốn giáp khăn đai

Ngoài ý nghĩa gắn liền với thời kỳ Hùng Vương, bánh giầy làng Mộ Chu Hạ còn gắn với lịch sử vị hoàng đế nhà tiền Lê - vua Lê Đại Hành. Trong công cuộc chống quân Tống của nhân dân ta, một lần Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cho quân sĩ rút lui đến làng Mộ Chu Hạ thì trời tối, người ngựa đều mệt mỏi. Vua cho quân sĩ nghỉ ngơi, sáng hôm sau dân làng giã bánh giầy dâng vua để mang theo làm lương thực (hôm đó là ngày mồng 10 tháng Giêng). Kể từ đó, mỗi năm 2 lần, hội thi giã bánh giầy đã trở thành truyền thống của người dân làng Mộ Chu Hạ. Suốt tháng Giêng, tiếng chày làng Mộ Chu Hạ liên tục vang lên để tưởng nhớ vua Lê Đại Hành. Và chuẩn bị cho dịp lễ giỗ Tổ, làng lại một lần nữa nhịp nhàng tiếng chày giã bánh. 

Ông Nguyễn Đắc Hạnh - Trưởng ban di tích lịch sử đình làng Mộ Chu Hạ bảo, thể hiện lòng biết ơn đối với ông cha, cội nguồn và đất trời, cứ sắp đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương là dân làng dù làm ăn xa cũng trở về quê quán chuẩn bị dụng cụ để giã bánh giầy tiến cúng. “Đến tận bây giờ, dân làng chúng tôi vẫn giữ được nét đẹp của ông cha để lại, đó là giã bánh giầy bằng cối đá, chày tre. Một trong những cách thức làm bánh giầy ngon nhất, chuẩn nhất mà không phải địa phương nào cũng làm được” - ông Hạnh cho hay.

Tiếng chày giã bánh dâng Vua Hùng ảnh 2Chiếc bánh trắng mịn

Nghìn năm bí quyết

Theo người dân làng Mộ Chu Hạ, để làm ra được một chiếc bánh giầy dâng cúng Vua Hùng phải chuẩn bị kỹ lưỡng các công đoạn, từ cách chọn gạo nếp cái hoa vàng, cách ngâm gạo, cho đến việc chọn chày tre giã bánh phải là tre đực để đầu chày không bị hỏng. Điều quan trọng nhất khi làm bánh là chế ra một loại dầu để khi giã bột không bị dính vào chày hay cối.

Theo phong tục, trước khi bắt tay vào làm bánh, các thanh niên tham gia đội giã bột phải làm thủ tục theo sự hướng dẫn của chủ tế. Mỗi lần chủ tế hô to theo nhịp thì các thành viên giãn đều, cầm chày dâng ngang cao bằng vai để bái theo mệnh lệnh: Nhất thiên bái (bái trời), Nhị địa bái (bái đất), Tam thánh bái (bái người được thờ) và Lễ hội bái. Sau đó, một hồi trống vang lên, xôi được đưa vào cối trong tiếng hò reo hừng hực khí thế của những nam thanh nữ tú xen lẫn tiếng chày nhịp nhàng nâng lên hạ xuống khối bột nếp trắng mịn tinh khiết. 

Một nhóm tham gia giã bánh gồm 5 người, trong đó, một người có nhiệm vụ giữ chày làm trục giữa, bốn thành viên khác có nhiệm vụ cầm chày giã bánh. Nếu giã nhanh và đúng kỹ thuật thì khoảng 10 phút sẽ được một mẻ bánh giày 5 - 7 cân. Sự khéo léo, phối hợp ăn ý khiến cho khối bột nếp dẻo mịn kia trong chốc lát đã trở thành những chiếc bánh tròn, xinh xắn đặt trên đĩa lót lá chuối xanh. Một chiếc bánh đạt tiêu chuẩn thì phải trong, trắng mịn, tinh khiết, khi đặt lên đĩa là phải đẹp và cao thành, thon gọn. “Để giã được mẻ bánh giày có chất lượng, phải chọn những nam thanh niên to khỏe, một phần họ đủ sức khỏe trong thời gian giã bánh khoảng 10 phút, một phần là làm bánh dâng cúng Vua Hùng, phụ nữ không được phép tham gia” - ông Hạnh lý giải.

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh giầy làng Mộ Chu Hạ vẫn được người dân gìn giữ nguyên vẹn về hình dáng, hương vị và được dâng lên các Vua Hùng trong ngày lễ trọng đại của dân tộc.

“Theo các cụ kể lại, ngày xưa, chọn gạo để làm bánh giầy là không được lấy tay mà phải dùng đũa chọn, không được chọn gạo nứt, gạo vỡ đôi. Cả làng dành một sào ruộng, giao cho một gia đình có 2 con, đủ nam, đủ nữ để chuyên trồng gạo nếp làm bánh giầy tiến cúng Vua Hùng”.

Ông Nguyễn Đắc Hạnh, Trưởng ban di tích lịch sử đình làng Mộ Chu Hạ