Tiếng Biển

ANTĐ - Nhiều khi cuộc đời có những duyên gặp gỡ rất bình dị, nhưng sẽ khiến cho ta ám ảnh và không thể quên.

Bữa ăn trưa trên đảo Song Tử Tây, tôi ngồi cùng mâm với Đại tá Nguyễn Viết Thuân. Vẫn nghe mọi người nói chuyện về vị Đại tá - Chủ tịch huyện đảo Trường Sa này, nhưng tôi không biết anh đi cùng trên chuyến tàu HQ 996 với chúng tôi ngay từ cảng Cam Ranh. Nhất là khi nhạc sĩ Vũ Thiết ghé tai tôi nói nhỏ vào bữa tiệc đêm hôm trước, khi có ai đó nhắc đến vị Chủ tịch huyện đảo.

“Này, em có biết không, vị Chủ tịch huyện đảo Trường Sa là người cực kỳ khái tính. Có đợt cả vợ và con trai đều cùng nằm viện, còn anh ấy đang lênh đênh ngoài Trường Sa, mà anh ấy không hé răng kêu một tiếng với bạn bè”. 

Có đang trong tình trạng lắc lư trên sóng nước, tiếp xúc với bao gương mặt hải quân đen nhẻm, làm quen với những thuật ngữ, con số, tập theo những tác phong lính biển, cùng chia sẻ những kỷ luật thép, thì mới đồng cảm với những thông tin giản dị như thế, những chuyện khiến lòng ta như ngưng lại…

Sau bữa cơm trên đảo, anh Thuân hẹn với tôi sẽ bớt thời gian trong hải trình và hành trình lên các đảo, để kể cho tôi nghe về anh và đồng đội. Mặc dù vậy cũng phải tranh thủ nhiều lần, khi tàu đang chạy, hoặc giữa các cuộc gặp lính đảo, giữa những nhiệm vụ mà người Chủ tịch huyện đảo phải lo toan trực tiếp cho đoàn công tác, tôi mới có thể tìm hiểu được chút ít về người lính hải quân kỳ cựu này.

Người con quê lúa

Cứ ngỡ người lính Hải quân này phải có những xuất phát điểm nào đặc biệt thì giờ đây mới trở thành vị Chủ tịch của huyện đảo Trường Sa. Nhưng hóa ra cuộc đời của anh khá giản dị, như bao người con quê lúa Thái Bình khác. Có cha là đảng viên, anh trai là bộ đội, nhà nghèo nên cũng chỉ ước trở thành sĩ quan quân đội. Học hết phổ thông, anh thì vào trường Sĩ quan lục quân. Với sức vóc chỉ có 48 kg, chàng trai quê lúa đã vượt qua được những chặng huấn luyện gian nan cho lính trinh sát. Nghiệp trinh sát sau này đã giúp cho anh có được sự nhanh nhạy và dẻo dai. Trinh sát là gắn với việc cải trang, là luồn sâu, là làm quen việc tác chiến độc lập trong đêm tối.

Tháng 7 năm 1986, anh tốt nghiệp ra trường, được về thăm nhà. Lần đầu tiên về thăm nhà trong bộ quân phục sĩ quan, trong lòng chàng trai cảm thấy rất tự hào. Được gia đình bà con lối xóm đón mừng. Có lẽ cuộc đời binh nghiệp chỉ có những giây phút đó là những giây phút hạnh phúc nhất.

Sau đó anh được phiên vào đơn vị chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Đây chính là thời gian anh được rèn luyện căng nhất. Trinh sát trong rừng sâu, nơi biên cương, anh cũng không bao giờ ngờ cuộc đời mình có ngày lại gắn với chính nơi tuyến đầu của biển đảo quê hương.

Nhờ những thành tích đạt được trong chiến đấu và trong công tác chỉ huy, với vị trí Trung đội trưởng trinh sát, với kinh nghiệm luồn rừng, tháng 8-1987 anh được cử về lại trường Sĩ quan lục quân, học đào tạo giáo viên chiến thuật trinh sát. Một năm sau anh tốt nghiệp khóa đào tạo và được giữ lại trường làm giảng viên. Tổ trưởng bộ môn và cán bộ khoa đánh giá anh đủ trình độ có thể lên giảng chính. Khi đó anh mới 23 tuổi. Quá trình ở lại trường cũng cho anh thời gian để học hỏi thêm những thầy đi trước, thêm vững vàng về lý luận sau khi đã có thực hành có thực tế.

Lính đảo

Ngày 14 tháng 3 năm 1988, xảy ra sự kiện Gạc Ma. 

Bộ Quốc phòng sau đó đã có kế hoạch lựa chọn những sĩ quan giỏi để bổ sung vào lực lượng hải quân. Tháng 1 năm 1989, anh được điều động vào hải quân để sau đó ra Trường Sa.

Là một trong những cán bộ chỉ huy trẻ, có con mắt của lính trinh sát, có hệ thống lý luận của một giảng viên, anh ngay lập tức nhập cuộc tác chiến trên quần đảo Trường Sa. Anh đã gắn bó với các đảo suốt những năm tháng sau đó. Do yêu cầu của hoạt động hành chính trên quần đảo, được sự tín nhiệm của Hội đồng nhân dân huyện đảo Trường Sa, tháng 4 năm 2003 anh được bầu làm Chủ tịch huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Từ đây bắt đầu một chặng đường mới đối với người sĩ quan hải quân quanh năm quen sóng gió, quân lệnh. Công việc mới rất nhạy cảm đòi hỏi anh phải làm quen và nắm vững các nguyên tắc hành chính đối ngoại đối nội dân sự. Đi lại như con thoi, nắm vững quy định Luật Công chức, phải nắm rõ và hiểu khí tượng thủy văn, quy luật dòng chảy; với kỹ năng kinh nghiệm và trình độ của một sĩ quan hải quân đã được đào luyện qua những môi trường địa hình phức tạp, đã qua giảng dạy… anh xứng đáng được bạn bè đồng đội và công dân đảo gọi thân mật cái danh “Chúa đảo”. Nhưng vị “Chúa đảo” này mặt đen nhẻm, người hao hao gầy, giản dị và nhanh như sóc.

Mỗi khi tàu neo gần một đảo nào đó, là lại thấy anh trong vai một lái xuồng, đưa đón các thành viên đoàn công tác lên đảo, xuống tàu… Đi đến đâu cũng thấy những sĩ quan và lính hải quân rộn ràng đón, nhưng rồi anh đứng lẫn trong hàng ngũ của họ để tiếp khách, chỉ đạo từng việc cho các chỉ huy đảo.

Khi dẫn chúng tôi đi thăm gác, anh bảo: “Tôi thuộc từng ngóc ngách của các đảo”. Anh kể cho tôi nghe những tháng ngày làm Chỉ huy trưởng trên đảo Nam Yết; về những công dân của các đảo, về các cán bộ chiến sĩ mà anh thuộc tên, hiểu tính nết, hoàn cảnh gia đình; về việc trồng cây trên đảo; về những cây bàng vuông, mù u, phong ba, bão táp, dừa… tỏa bóng mát và làm những lá phổi cho đảo. Anh kể chuyện về những chú chó nuôi trên các đảo, về sóng Viettel và những chuyện sinh hoạt, chuyện trữ nước ngọt, chuyện trữ những lá thư tình của hậu phương… Đêm trên đảo Sơn Ca, anh Chủ tịch huyện đảo ngồi uống rượu cùng đoàn công tác. Anh cùng chúng tôi hát Gần lắm Trường Sa, Nơi đảo xa, Người ơi người ở đừng về… Ánh mắt vị “Chúa đảo” long lanh. 

Trên bàn làm việc của tôi ở nhà giờ đây có đặt một vỏ ốc biển nhỏ. Cái vỏ ốc này là của anh tặng cho tôi khi rời đảo Sơn Ca. Anh bảo: Đưa lên tai mà nghe tiếng biển. Con tàu đang đi giữa mịt mùng sóng nước, biển trời mênh mông. Cứ ngỡ mình bị ù tai, vì giữa biển chỉ nghe tiếng sóng vỗ bên mạn tàu, gió thổi vu hồi trên bầu trời mặn sũng... 

Bây giờ về đất liền rồi, đưa cái vỏ ốc lên và lắng nghe. Đúng là có tiếng u u của biển vọng về. Dường như đến giờ, sau khi chia tay với Trường Sa hàng tháng trời, tôi mới say sóng. Sóng đến từ tiếng gió u u trong lòng vỏ ốc biển này chăng?

Mới đây anh gọi tôi. Cuộc gọi muộn màng vào ban đêm khiến tôi giật mình. Hóa ra anh đang đi cùng đoàn công tác của Trường Sa ra làm việc với Trung ương trong tình hình biến động mới. Tôi nhắn ngay lập tức cho các nhà báo về sự có mặt của Chủ tịch huyện đảo tại Hà Nội. Nhưng chúng tôi không kịp gặp. 

Dù vậy trong lòng tôi cảm thấy yên ả hơn. Hình như ngay chính chúng tôi, những nhà văn đã được đặt chân đến Trường Sa, cũng chưa hiểu rõ những gì mà lực lượng hải quân vẫn đang âm thầm chuẩn bị…  

Lại nhớ, khi đưa đoàn về đến cảng Cát Lái, anh đến chào và hẹn gặp ở Hà Nội khi anh đi ra công tác (mà cuối cùng lại không gặp được). Hôm sau, anh gọi nói là anh nhận lệnh lên đường gấp, giờ đã đến vùng biển Cam Ranh rồi. Có thể trong thời gian tới sẽ không liên lạc được vì ra nơi ấy sẽ mất sóng.

Nơi ấy là nơi nào? 

Nhiệm vụ là đi. 

Chỉ còn tiếng biển u u trong cái vỏ ốc này. 

Chỉ mong các anh ra đi và trở về bình an!