Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ thứ hai trong trường học

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ mong muốn, việc học tiếng Anh phải trở thành nhu cầu tự thân của học sinh, không phải để đối phó thi cử. Trong tương lai, tiếng Anh phải trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam.

Việt Nam cần một bộ sách giáo khoa phù hợp để nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh trong trường học

Không nên ép buộc

Bàn về những vấn đề còn tồn tại trong việc dạy và học ngoại ngữ trong quá trình triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ rõ: “Chúng ta vẫn chưa chú trọng đúng mức tới thực tế, thực hành nên nhiều học sinh, sinh viên dù thi đạt điểm cao nhưng khi gặp người nước ngoài vẫn lúng túng trong giao tiếp. Chúng ta cần hướng tới học ngoại ngữ để phục vụ công việc, phục vụ cuộc sống chứ không phải học để lấy điểm cao. Xu hướng đó sẽ định hướng việc dạy học của giáo viên” - Bộ trưởng nêu quan điểm.

Chất lượng giáo viên dạy tiếng Anh cũng là vấn đề nóng khiến cho việc triển khai chương trình tiếng Anh chưa hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre cho rằng, kết quả bồi dưỡng cập chuẩn ngôn ngữ cho giáo viên tiếng Anh chậm cải thiện dẫn đến thiếu giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn để mở lớp tiếng Anh theo chương trình mới.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc triển khai dạy học các môn khoa học bằng tiếng Anh bị vướng từ nguồn lực giáo viên. Đa số giáo viên chưa đủ năng lực để giảng dạy do chưa được đào tạo bài bản từ đại học.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 phối hợp với địa phương rà soát thực trạng đạt chuẩn của giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là giáo viên các trường sư phạm ngoại ngữ và giao thời hạn hoàn thành báo cáo là 31-10-2016.

Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch mời giáo viên bản ngữ, tình nguyện viên dạy ngoại ngữ. Trong thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT cần tăng cường mở rộng giao lưu, hỗ trợ các địa phương để đào tạo giáo viên bản ngữ dạy ngoại ngữ.

Đặc biệt, về chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, cần chọn lựa bộ sách giáo khoa chất lượng của một nước nào đó rồi chỉnh sửa cho phù hợp với chương trình phổ thông. Đối với các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích dùng giáo trình nước ngoài. Bộ sẽ quy hoạch những chuyên ngành và trường trọng điểm, tăng cường dạy tiếng Anh tiếp cận chuẩn quốc tế.

Công cụ hội nhập thế giới

Cũng theo Bộ trưởng, tiếng Anh và công nghệ thông tin là 2 công cụ giúp thế hệ trẻ Việt Nam hội nhập với thế giới. Hiện chưa có lộ trình cụ thể đến năm bao nhiêu tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam, vì đó là một quá trình rất dài.

Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định: “Nếu bây giờ không đặt ra và bắt đầu làm thì chẳng bao giờ đạt được. Ở Singapore, sau khi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu có ý tưởng đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, phải mất 38 năm sau đất nước này mới đạt được mức độ trung bình trong việc sử dụng tiếng Anh”.

Mục tiêu của Việt Nam không thể đạt được trong vòng 10-20 năm tới nhưng cần sự chuẩn bị từ bây giờ. Nhiệm vụ của năm học tới là củng cố, rà soát những việc đang làm. Đây là công việc dài hơi, mỗi bước đi cũng cần có nhìn nhận thấu đáo để tránh tình trạng đi nhanh nhưng không bền vững, hiệu quả thấp”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Để nâng cao được trình độ tiếng Anh, phổ cập tiếng Anh, sẽ rất tốn kém. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dựa vào ngân sách thì sẽ thất bại ngay từ đầu. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là không đầu tư dàn trải, phân tán dẫn đến lãng phí, mà tập trung vào những vấn đề cốt lõi. Vấn đề quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, cần trông cậy vào xã hội hóa. Khi xã hội thấy hiệu quả của việc học ngoại ngữ, mọi người sẽ tự học”.

Nhiệm vụ của ngành giáo dục là phải tăng cường tuyên truyền bằng các kênh khác nhau để xã hội thấy được học ngoại ngữ là một nhu cầu tự thân, không phải ép buộc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu, trong nội bộ ngành giáo dục phải nói lên được những gì làm được và chưa làm được.

“Khi nhiều bậc phụ huynh còn tâm tư thì chúng ta chưa thể làm tốt được nhiều việc của ngành, trong đó có đề án ngoại ngữ. Khi có sự nhìn nhận thông suốt trong toàn xã hội thì hành động mới thống nhất để hướng tới cùng mục đích” - Bộ trưởng khẳng định.