Đề án ngoại ngữ quốc gia gần 10.000 tỷ đồng:

Tiếng Anh chưa hiệu quả, đừng tính đến ngoại ngữ khác

ANTD.VN - Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đi được 2/3 thời gian với mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai, chỉ riêng kết quả môn tiếng Anh cũng đã khiến nhiều người thất vọng. Chính vì vậy, việc Bộ GD-ĐT đưa ra mục tiêu thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật như ngoại ngữ thứ nhất vào năm 2017 đã gây ra phản ứng  mạnh mẽ. 

Tiếng Anh vẫn là điểm yếu của học sinh, sinh viên Việt Nam

16 năm học tiếng Anh vẫn không thể giao tiếp

Một thực tế khiến hàng triệu phụ huynh thất vọng đến thời điểm này là trình độ ngoại ngữ của con em mình không cải thiện so với chính bản thân mình từ hàng chục năm trước. 12 năm học phổ thông, 4 năm học đại học không giúp các cử nhân tự tin giao tiếp nếu chỉ học trong trường.

Các bậc phụ huynh đã phải chi phí khá nhiều tiền cho các trung tâm Anh ngữ, lớp học tiếng Anh để luyện thi, luyện nghe nói. Trong khi đó, Đề án ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020 với kinh phí gần 10.000 tỷ đồng của Bộ GD-ĐT đã triển khai được 2/3 thời gian.

Với kinh phí nghìn tỷ, mục tiêu của đề án là thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm bảo đảm đến năm 2015, nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên. Đồng thời, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới đối với các cấp học và trình độ đào tạo, tạo điều kiện để đến năm 2020 tăng đáng kể tỉ lệ thanh thiếu niên có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 thì việc nghi ngờ hiệu quả của đề án này là hoàn toàn có cơ sở. Sau 8 năm triển khai, môn tiếng Anh là một trong những môn thi có kết quả thấp tới ngạc nhiên. Môn tiếng Anh có 472.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ 10 em đạt điểm 10 tuyệt đối.

Theo công bố của Bộ GD-ĐT, điểm trung bình của môn này chỉ đạt 3,48. Trung bình điểm số của môn tiếng Anh là 3, điểm số nhiều nhất là 2,4. Theo tính toán, hơn 88% thí sinh có điểm liệt và điểm dưới trung bình ở môn thi này. Chỉ tính khung điểm từ 2 đến 2,5, môn này đã có gần 200.000 bài thi.

Tất nhiên, với kết quả này, tiếng Anh là môn đứng đầu trong số 8 môn thi có điểm thi dưới trung bình nhiều nhất. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga lý giải nguyên nhân là do chênh lệch chất lượng đào tạo giữa các vùng. Ở miền núi, vùng nông thôn…, chất lượng dạy học môn ngoại ngữ chưa tốt. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cũng đã thừa nhận sự yếu kém của môn ngoại ngữ là do sự quan tâm, đầu tư cho việc dạy và học, đặc biệt là tiếng Anh, chưa tương xứng. Trong khi đó, môi trường giao tiếp ngoại ngữ còn hạn chế, học sinh ít có cơ hội thực hành ngôn ngữ ngoài thời gian học trên lớp. Đa số giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn năng lực dù có bằng cấp theo trình độ đào tạo.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngoại ngữ ở nhiều địa phương, cơ sở giáo dục (nhất là khu vực nông thôn, miền núi) còn nhiều khó khăn. Riêng với Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, Bộ GD-ĐT cũng đánh giá việc triển khai chậm, hiệu quả chưa cao.

Không ai muốn thành “chuột bạch” 

Việc Bộ GD-ĐT công bố Đề án Ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật như ngoại ngữ thứ nhất áp dụng với học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 vào năm 2017 khiến nhiều người lo lắng.

“Tại sao không trưng cầu ý kiến của học sinh và giáo viên? Tiếng Anh đã đủ khó và gây ra khó khăn cho chúng tôi” - một giáo viên ngoại ngữ đã phải thốt lên khi nghe thông tin này. Còn phụ huynh thì cho rằng: “Lại một ý tưởng cải cách giáo dục viển vông, ảo tưởng. Tôi không muốn con tôi lại tiếp tục là “chuột bạch” như thế hệ chúng tôi cách nay 36 năm”. 

 “Học sinh hiện nay phải học quá nhiều môn, các em không có thời gian để học quá nhiều ngoại ngữ. Nếu đưa cả tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Nhật thì học sinh hay cả sinh viên cũng không kham nổi” - chị Nguyễn Thái Định, phụ huynh học sinh trường tiểu học Khương Thượng lo lắng.

Trước rất nhiều ý kiến phản đối việc đưa thêm ngoại ngữ khác vào thí điểm thành môn học bắt buộc từ tiểu học, đại diện Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết, việc lựa chọn ngoại ngữ thứ nhất được Bộ GD-ĐT quy định từ năm 2006, bổ sung năm 2011 gồm tiếng Anh, tiếng Nga, Trung, Pháp và Nhật.

Hiện tại, tiếng Nga và Trung được dạy học như ngoại ngữ thứ nhất từ lớp 6 đến lớp 12 theo chương trình hiện hành 7 năm. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hài hòa giữa các ngoại ngữ thứ nhất, Ban quản lý Đề án trình Bộ trưởng kế hoạch triển khai giai đoạn 2016-2020, trong đó có việc xây dựng chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm, từ lớp 3 tiểu học đến lớp 12 THPT cho phù hợp với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hiện nay. 

Ban quản lý Đề án khẳng định, việc chọn ngoại ngữ nào và dạy học theo hình thức bắt buộc hay tự chọn là tùy nhu cầu, điều kiện của địa phương, trường học, người học. Tuy nhiên, sẽ rất khó cho phụ huynh, học sinh bởi khi trường đã quyết định thí điểm một trong những môn ngoại ngữ  này thì việc không đồng ý sẽ đồng nghĩa với việc phải chuyển trường, chuyển lớp.