Tiền vào nhà khó…

ANTĐ - Bộ Tài chính đã công bố 5 nhóm giải pháp tài chính gỡ khó cho doanh nghiệp, thị trường với số tiền hỗ trợ qua chính sách thuế lên tới 29.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tác động của gói hỗ trợ này là không lớn.

Gói cứu trợ cần được thực hiện nhanh chóng, đúng địa chỉ

Ngành nào cũng khó

Nhận định, những khó khăn của tình hình kinh tế vĩ mô đang ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể và phá sản, nợ đọng thuế gia tăng... Bộ Tài chính đã công bố 5 nhóm giải pháp tài chính gỡ khó doanh nghiệp, thị trường.

Theo Bộ Tài chính trong 4 tháng đầu năm 2012 tình hình doanh nghiệp vẫn khó khăn, hàng tồn kho và chi phí tài chính tăng cao. Khó khăn tập trung chủ yếu ở những ngành như xây dựng; bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (ô tô, xe máy, sắt, thép, cơ khí, thuỷ sản, dệt may...); chăn nuôi, sản xuất lâm nghiệp; dịch vụ, ăn uống; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước; doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Tăng trưởng GDP quý I năm 2012 chỉ đạt 4%, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2004 (ngoại trừ quý I năm 2009). Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng thấp. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-4 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 32,1%, mức tăng tương đối cao so với cùng kỳ các năm trước. Kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh ở các mặt hàng như: linh kiện phụ tùng ô tô; xăng dầu; linh kiện xe máy; nguyên phụ liệu cho sản xuất, xuất khẩu (vải, bông, sợi dệt…).

Với số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giải thể và phá sản, đã kéo theo tình trạng nợ đọng thuế tăng, doanh thu giảm, chỉ số tài chính giảm, thu thuế nội địa và thu hải quan giảm… Hầu hết các ngành kinh tế đều có doanh thu giảm so với cùng kỳ. Khả năng thanh toán lãi vay của đa số các ngành đều giảm so với năm 2010.

Riêng về nợ đọng thuế, tính đến hết tháng 2-2012, số thuế nợ tăng 28,5% so với 31-12-2011. Một số ngành có số nợ thuế GTGT tăng cao so với cùng kỳ 2011 như bất động sản, vận tải, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nông- lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp khai khoáng, dịch vụ ăn uống khách sạn.

5 nhóm giải pháp 

Trước bức tranh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính cho rằng, song song với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng cần phải có những giải pháp tài chính để kịp thời tháo gỡ, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, chống suy giảm kinh tế, gắn với thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát ở mức 9%, phấn đấu đảm bảo tăng trưởng 6%.

Bộ Tài chính đã công bố 5 nhóm giải pháp, bao gồm điều hành vĩ mô, chi tiêu công, thuế - phí, điều hành giá - trợ cấp và cải cách thủ tục hành chính thuế. Để triển khai gói hỗ trợ, ngân sách dự kiến giảm thu khoảng 9.000 tỷ đồng nhưng tổng giá trị thực tế doanh nghiệp được hưởng lên tới 29.000 tỷ đồng. Trong đó, gần 16.000 tỷ đồng là lợi ích từ việc giãn nộp thuế VAT quý II trong vòng 6 tháng. 13.000 tỷ đồng còn lại bao gồm tiền miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu được Quốc hội thông qua), các loại thuế khoán, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, bổ sung chi tiêu công… Ngoài giãn thuế VAT, gói chính sách thuế, phí cũng giảm 50% tiền thuê đất phải nộp 2012, gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp còn nợ chưa nộp ngân sách 2011 trở về trước trong 9 tháng.

Đánh giá về gói hỗ trợ này của Bộ Tài chính dành cho các doanh nghiệp, TS. Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Từ 2009 chúng ta đã có một gói kích cầu kinh tế, dành riêng cho ngân hàng, hỗ trợ lãi suất ưu đãi. Còn lần này, nhóm giải pháp lại dành cho khối tài chính giúp cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển, có điều kiện tiếp cận với vốn. Tuy nhiên, trong cơ cấu gói giải pháp chủ yếu là miễn giảm, giãn hoãn thuế. Trong 29.000 tỷ đồng thì có 16.000 tỷ đồng được tính là do giãn hoãn thuế. Có nghĩa là Nhà nước không thu thuế lúc này thì lúc khác anh thu lại. Tôi chỉ lùi thời gian cho anh, sau anh trả gấp đôi. Như vậy, nó cũng có tác động nhưng ở mức độ hạn chế thôi”.

“Còn 4.000 tỷ đồng là miễn giảm hẳn thuế, cái này thì tốt cho doanh nghiệp. Nhưng nói thật, 4.000 tỷ đồng mà phải trải dài cho mấy vạn doanh nghiệp thì hiệu quả hỗ trợ không cao. Do đó, nó chỉ giúp doanh nghiệp bớt khó khăn chứ chưa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, TS. Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng cho rằng, gói cứu trợ này cần phải được thực hiện một cách nhanh chóng, đúng địa chỉ. Cùng với đó cũng cần có cơ chế cụ thể để minh bạch, tránh trường hợp xin cho… Nếu nguồn lực này được đưa ra không trúng mục tiêu thì tác động của nó tới nền kinh tế sẽ rất lớn, doanh nghiệp yếu vẫn chết, ngân sách đổ xuống sông xuống biển và nguy cơ lạm phát sẽ tăng cao.